28/03/2012 08:07 GMT+7

Đồ gỗ, mỹ nghệ... thoi thóp

DŨNG TUẤN -  LÊ SƠN (còn tiếp)
DŨNG TUẤN -  LÊ SƠN (còn tiếp)

TT - Doanh nghiệp (DN) phải bán tháo máy móc, thậm chí phải vay với lãi suất “khủng” 10%/tháng để duy trì hoạt động sản xuất..., đó là thực trạng của rất nhiều đơn vị sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ...

Kỳ 1: Kỳ 2:

MQyuBn75.jpgPhóng to
Để duy trì sản xuất, HTX mành trúc xuất khẩu Bình Minh (TP.HCM) đã phải vay với lãi suất lên đến 10%/tháng - Ảnh: Lê Sơn

Hoạt động sản xuất của DN bị đình đốn đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động, nhiều công nhân không có việc làm.

Công nhân xưởng gỗ đi... bán cá

Anh Nguyễn Văn Thiện, công nhân một xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại Q.12 (TP.HCM), đã hơn một tháng qua không đến xưởng gỗ do không còn việc. Cách đây gần một năm, mỗi tháng anh nhận gần 6 triệu đồng tiền lương và tăng ca nhưng đến nay con số ấy teo tóp còn... hơn 2 triệu đồng. Tiền lương không đủ trang trải, hai vợ chồng anh cùng con nhỏ đành phải dọn ra ở trong căn nhà trọ hơn 10m2 để tiết kiệm chi phí.

Anh nói: “Giờ tôi ở nhà trông con vì không còn tiền gửi cháu vào trường mầm non nữa. Tiền sữa, tiền thuê nhà, đủ thứ tiền. Vợ tôi đang học kế toán cũng phải nghỉ nửa chừng quay lại làm công nhân may kiếm sống”.

Anh Thiện cho biết xưởng gỗ nơi anh làm việc gần như đã “đắp chiếu” vì chủ xưởng không còn vốn kinh doanh, lương công nhân từ cuối năm ngoái vẫn nợ nên gần 100 công nhân đã bỏ xưởng tìm việc khác.

Dạo quanh một khu nhà trọ công nhân xưởng gỗ TP tại KP.5, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, mới 7g tối nhưng cả chục dãy phòng vẫn tối om, cửa đóng im ỉm. Chị Lương Thị Minh là người hiếm hoi còn thuê trọ tại đây cho biết: công nhân ở đây đã bỏ việc hết rồi, người về quê, người ra chợ bán rau, bán cá. Ngay bản thân chị cũng làm việc tại xưởng, nhưng chủ nợ lương đã mấy tháng đành nghỉ tìm việc khác kiếm sống.

“Giá phòng trọ mới tăng thêm 200.000 đồng, chưa kể giá nhiều mặt hàng khác cũng tăng, không có lương, không có việc làm sao mà sống?”, chị Minh bức xúc.

Vay lãi 10%/tháng để sản xuất

Từ đầu tháng 3 đến nay HTX mành trúc xuất khẩu Bình Minh (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chỉ xuất khẩu cầm chừng vì “chẳng còn đồng vốn nào mà làm” - ông Nguyễn Văn Nguyên, chủ nhiệm HTX, bức xúc. Ông Nguyên cho biết hầu hết ngân hàng đều từ chối cho HTX vay vì lý do không có tài sản thế chấp. Trước đây khi HTX gặp khó có thể đến “gõ cửa” tiền quỹ của liên minh HTX, nhưng mới đây chính liên minh cũng từ chối cho HTX vay với lý do tương tự.

Nguồn vốn không tiếp cận được, trong khi chi phí sản xuất tăng, giá nguyên vật liệu, nhân công, thuê nhà xưởng đều tăng gấp đôi buộc ông Nguyên phải đi vay mượn tiền từ bạn bè, người thân quen với lãi suất có khi đến 10%/tháng để sản xuất cầm chừng. “Đơn hàng không thiếu nhưng vốn không có làm sao dám nhận” - ông Nguyên phân trần. Ông khẳng định trong vài tháng tới nếu tình hình căng thẳng không giảm bớt, chắc chắn HTX buộc phải giải thể vì thiếu vốn.

Tại xưởng sản xuất guốc mộc xuất khẩu Hùng Thái (Bình Dương) rộng trên 2.000m2 thuộc làng nghề sản xuất guốc Bình Nhâm, Bình Dương, hiện cũng cắt giảm từ 200 lao động xuống còn 50 người. Không khí tấp nập vận chuyển gỗ, khoan cắt, đục đẽo... như thường lệ không còn được như trước.

Ông Thái Văn Anh Hùng, giám đốc công ty, cho biết tình hình kinh tế có vẻ căng thẳng nên DN đã hạn chế mua gỗ nguyên liệu, nhưng không ngờ tình hình đơn hàng năm nay lại kém đến vậy. “Thông thường đến thời điểm này, chúng tôi đã có đơn hàng làm guốc mộc xuất qua châu Âu, Nhật đến hết quý 2 nhưng hiện nay chưa thấy động thái đặt hàng của đối tác. Năm nay, lượng hàng chỉ được khoảng 300.000 đôi thay vì 600.000 đôi như mọi năm” - ông Hùng cho hay.

Bán tháo máy móc

Chủ một DN sản xuất gỗ tại Bình Dương mới đây đã “vui mừng” thông báo khi bán được toàn bộ máy móc, nhà xưởng với giá... lỗ một nửa. Năm 2008, hơn chục tỉ đồng được DN này đổ vào để trang bị máy móc, mở rộng nhà xưởng sản xuất gỗ xuất khẩu.

“Đơn đặt hàng từ châu Âu khá đều đặn nhưng khi tính toán lại các khoản thu chi, trả lãi ngân hàng... số tiền lãi không còn, thậm chí âm” - chủ DN cho biết. Sang năm 2009, đơn đặt hàng giảm mạnh khiến DN phải cắt giảm nhân công xuống còn 100 người thay vì 150 người như trước. Tăng ca không còn, ngày công cũng liên tiếp giảm chỉ còn 3-4 ngày/tuần vì không có đơn hàng. “Những đơn hàng ký cuối năm mặc dù đã tính toán mức lợi nhuận cùng các chi phí rủi ro khoảng 10-15% nhưng vừa sang đầu năm hàng loạt chi phí tăng theo chóng mặt. Chỉ tính riêng giá nguyên liệu gỗ đầu vào tăng 30% cùng hàng loạt chi phí khác như lao động, mặt bằng, lãi suất... cũng tăng khiến chúng tôi không thể xoay xở”, chủ DN này cho hay.

Ông Đặng Quốc Hùng, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho biết trước tình hình khó khăn, các DN đành chọn giải pháp hoặc quyết định bán máy móc, nghỉ làm luôn hoặc tìm cách xoay xở mọi nguồn lực về vốn để duy trì sản xuất.

“Lỗ cũng phải làm chứ không được phép “ngủ đông” vì tạm ngưng hoạt động thì hàng loạt chi phí kho bãi, khấu hao máy móc, lãi ngân hàng, lương nhân công... vẫn phải bỏ ra rất nhiều”, ông Hùng nói.

Ngay cả Công ty Kim Bôi chuyên chế biến các sản phẩm xuất khẩu từ dừa của ông Hùng cũng chỉ còn hoạt động 4-5 ngày/tuần. “Cuối năm 2011, một đối tác từ Mỹ đặt hàng số lượng lớn sản phẩm khỉ trái dừa nhưng chúng tôi không dám nhận vì không đảm bảo có thể giao hàng đúng hạn cũng như hàng loạt rủi ro phát sinh về chi phí đầu vào” - ông Hùng nói.

Theo ông Đặng Quốc Hùng, đến thời điểm này Hawa chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng tình trạng “chết lâm sàng” đang xảy ra với không ít DN trong ngành, có đến 50% DN không phản hồi khi hội gửi thư mời tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.

Kiến trúc, văn phòng “sống” cầm cự

Các DN xây dựng nhà cá nhân đang điêu đứng khi khách hàng không còn nhiều nguồn tài chính để xây dựng, sửa chữa nhà. Ông Nguyễn Thu Phong, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần kiến trúc, xây dựng Nhà Vui (quận 3, TP.HCM), cho biết lạm phát tăng, lương công nhân, kiến trúc sư, vật liệu tăng... làm giá xây dựng nhà giờ đã cao hơn hai năm trước 25-30%, khách hàng chẳng còn ai dám vay tiền với lãi suất cao ngất trời để sửa chữa chứ chưa nói là xây nhà mới.

“Các khách hàng giàu có của chúng tôi đã gần như “chết lâm sàng”, những thiệt hại trong kinh doanh của họ đã làm họ ngưng xây nhà rồi” - ông Phong chua chát.

Theo ông Phong, những hợp đồng xây dựng biệt thự có giá trị 5-7 tỉ đồng của các chủ DN, doanh nhân, người giàu giờ đã không còn nữa, “nếu giờ còn khoản tiền như thế thì họ sẽ không đầu tư vào nhà cửa mà đổ dồn vào DN để cầm cự” và kéo theo là sự thoi thóp của các công ty xây dựng.

Các DN kinh doanh thiết bị, dụng cụ văn phòng cũng bị ảnh hưởng. Ông Đào Ngọc Hoàng Giang, tổng giám đốc Công ty cổ phần thiết bị văn phòng Sao Mai (Q.1), thở dài cho biết đã phải cho hơn 100 nhân viên trong tổng số 160 nhân viên của công ty nghỉ việc vì tình hình kinh doanh giảm sút. Doanh số năm 2011 của công ty đã giảm 37% so với năm trước và chỉ đạt 30% so với kế hoạch công ty đặt ra.

“Những nhân viên đến thời gian gia hạn hợp đồng tôi đã chủ động đề nghị họ nên tìm công việc mới, có người chia sẻ nhưng cũng có nhân viên không thể chấp nhận được điều này” - ông Hoàng Giang chia sẻ. Sáu tháng cuối năm 2011, khi doanh số giảm liên tục 50%, công ty đã phải chấm dứt hợp đồng với hàng loạt nhân viên, đóng cửa hai văn phòng tại Bình Dương và Bình Phước.

LÊ NAM

DŨNG TUẤN -  LÊ SƠN (còn tiếp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên