Nhiều mặt hàng gỗ trang trí, thờ phượng vẫn luôn thu hút khách vào dịp tết - Ảnh: Bông Mai
Theo khảo sát, bên cạnh những mặt hàng có giá hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng, không ít sản phẩm gỗ mỹ nghệ nhỏ gọn bày bán với giá chỉ từ 150.000 đồng.
Năm Kỷ Hợi nên hàng loạt chú heo tượng trưng cho may mắn, sung túc được các nghệ nhân chạm khắc công phu qua hình ảnh những cặp heo mũm mĩm kèm nụ cười tươi tắn, đàn heo đứng trên đống tiền, gia đình heo sum vầy bên nhau.
Tượng Phật Di Lặc, tượng ba ông Phúc - Lộc - Thọ, tượng cóc ba chân... là các mặt hàng được nhiều người chọn mua vào dịp tết hằng năm.
Năm nay xuất hiện nhiều sản phẩm đa dạng, đẹp mắt như bình hoa mai điêu khắc, tượng long phụng ngụ ý phu thê viên mãn đón xuân, tranh quạt với hình ảnh thuận buồm xuôi gió, mã đáo thành công, long lân quy phụng...
Ngày thường bán đồ gỗ lớn, cồng kềnh, để phục vụ tết các cửa hàng gỗ mỹ nghệ nhập thêm các đồ gỗ nhỏ nhắn giá 150.000 - 1,5 triệu đồng như: khay đựng bánh mứt, đốc lịch, đồng hồ, bức phù dung, chum, đèn trang trí, bình hoa, hộp đựng khăn giấy, khay đựng ấm trà, hồ lô, giỏ đựng trái cây... Kích thước nhỏ gọn nên các sản phẩm này có thể đóng gói làm quà tặng năm mới.
Dọc đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) có trên 20 cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ. Những ngày cuối tuần giáp tết, khách ra vào tấp nập.
Người chọn, mua, kẻ bán, cột đồ, giao hàng hối hả. Chị Hồ Thị Thu Thảo (chủ cửa hàng gỗ mỹ nghệ Bảo Tín, TP.HCM) cho biết ngoài các bàn ghế, tủ, giường, lộc bình... họa tiết truyền thống, chạm khắc công phu nhưng trọng lượng nặng, cửa hàng cũng bổ sung những sản phẩm đơn giản, gọn nhẹ, phù hợp với những căn hộ hiện đại.
Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ tập trung phát triển thị trường trong nước để phục vụ Tết Nguyên đán. Anh Phạm Văn Kim (chủ cơ sở đồ gỗ Kim Giàu, làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định) ước tính tết năm nay hàng hóa tăng khoảng 60%.
Hầu như ngày nào cũng có hàng ra, hàng đặt nhiều, không kịp làm. Ngoài bán cho các khu vực lân cận, cơ sở này còn chuyển các lô hàng đi TP.HCM, Cần Thơ, Bến Tre...
"Mình có bán hàng qua Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Nhưng tết ưu tiên bán cho khách Việt Nam. Lúc trước xuất khẩu bình phong, câu đối, tranh tổ tông công đức, nhưng giờ quay lại tập trung bán các mặt hàng này trong nước" - anh Kim chia sẻ.
Sản phẩm làng nghề lên "sàn" online
Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ nổi tiếng cũng bắt đầu quảng cáo, bán hàng trên mạng.
Không ít cơ sở sẵn sàng bỏ tiền thuê đội ngũ chạy quảng cáo, chụp hình ảnh đẹp, nội dung bài bản, tung các đợt khuyến mãi kích cầu mua sắm không thua kém những mặt hàng khác.
Ngoài trang bán hàng riêng, hàng loạt nhóm bán, giới thiệu đồ gỗ mỹ nghệ trên mạng xã hội Facebook cũng được mở ra, thu hút không ít người kinh doanh lẫn khách hàng mua sắm.
Trong đó nhóm "Chợ đồ gỗ mỹ nghệ Việt Nam" có hơn 14.000 thành viên, "Chợ gỗ Việt Nam" hơn 196.000 thành viên. Nội dung trên các nhóm này được cập nhật liên tục.
"Online không phải kênh bán chính nhưng mình phải đăng online để khách các nơi tham khảo mẫu, coi mình làm ăn rồi họ tin tưởng mình hơn" - chị Như Cẩm (quản lý cửa hàng gỗ mỹ nghệ Thanh Hiền, TP.HCM) cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận