29/06/2017 16:29 GMT+7

​Đô đốc Mỹ: nguy cơ khủng bố IS ở Đông Nam Á là rất thật

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Philippines là lời cảnh cáo cho cả khu vực.

Binh sĩ Mỹ trên máy bay MV-22B Osprey nhìn xuống tàu chiến USS Bonhomme Richard đang hoạt động ngoài khơi Sydney (Úc) ngày 29-6 - Ảnh: Reuters
Binh sĩ Mỹ trên máy bay MV-22B Osprey nhìn xuống tàu chiến USS Bonhomme Richard đang hoạt động ngoài khơi Sydney (Úc) ngày 29-6 - Ảnh: Reuters

Các nước láng giềng của Úc đang phải đối mặt với nguy cơ gia tăng đáng kể từ phía lực lượng khủng bố xưng danh Nhà nước Hồi giáo (IS) với bằng chứng là cuộc chiến dai dẳng chống lại các phần tử nổi dậy ở miền nam Philippines.

Phát biểu khi đi thăm tàu chiến USS Bonhomme Richard của Mỹ dự cuộc tập trận chung với Úc bắt đầu hôm nay (29-6), Đô đốc Harris giải thích với các nhà báo Úc rằng "lực lượng IS đang cố gắng giành ưu thế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương và tôi nghĩ rằng đó là mối nguy mà tất cả các quốc gia tự do cần đứng dậy cùng nhau tham gia đánh bại IS”.

Ông kể về tình hình giao chiến tại thành phố Marawi ở miền nam Philippines nơi mà quân đội nước này có vẻ đang bị sa lầy trong một trận chiến ác liệt chống lại các chiến binh Hồi giáo nhóm Maute – lực lượng đã nguyện ngả theo IS.

Theo vị đô đốc hải quân Mỹ, đây là một "lời cảnh báo cho toàn khu vực”.

Đô đốc hải quân Mỹ Harry Harris chào binh sĩ trong buổi lễ đánh dấu cuộc tập trận thường niên - Ảnh: Reuters
Đô đốc hải quân Mỹ Harry Harris chào binh sĩ trong buổi lễ đánh dấu cuộc tập trận thường niên Talisman Saber 2017 bắt đầu ngày 29-6 - Ảnh: Reuters

Phó đô đốc David Johnston, chỉ huy lực lượng chiến dịch phối hợp của Úc, trong khi đó xác nhận quân đội Úc đã hỗ trợ Philippines với ba máy bay tham gia hoạt động dọ thám nhắm vào các tay súng Hồi giáo trên đảo Mindanao.

Trong ngày hôm nay, Úc và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên lớn nhất tới nay có tên gọi Talisman Saber 2017.

Theo nhận định của giới phân tích, đây là một động thái nhằm phô trương sức mạnh, chủ yếu trên biển, nhằm gửi một thông điệp tới các đồng minh và các đối thủ tiềm tàng.

Cuộc tập trận, có sự tham gia của 33.000 binh sĩ Mỹ và Úc trên các tàu chiến lớn có chở máy bay chiến đấu, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến các hoạt động trên các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, vốn đang làm dấy lên quan ngại về một cuộc đối đầu quân sự.

Đô đốc Harry Harris cho rằng qui mô quân số được triển khai trong cuộc tập trận được xem như một tín hiệu gửi tới các nước "bạn bè, đồng minh, đối tác và các đối thủ tiềm tàng".

Ông James Curran - Giáo sư về chính trị và chính sách ngoại giao tại trường Đại học Sydney, cho rằng cuộc tập trận cho thấy quan hệ quân sự mật thiết giữa Mỹ và Úc, song có thể gây lo ngại cho Trung Quốc.

Nhưng Giáo sư Curran cũng nhận định: trong bối cảnh có những quan ngại về hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, cuộc tập trận trên sẽ gửi đi một tín hiệu có ý nghĩa lớn hơn.

Cuộc tập trận sẽ kéo dài 1 tháng trong vùng lãnh hải của Úc, gồm các cuộc tập trận trên đất liền và các chiến dịch trên không.

 

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên