Phóng to |
Ở nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt |
* Nay thì ở Hà Giang, Tây Bắc; mai đã ở Cần Thơ. Rồi thì Nghệ An, Hà Tĩnh… Có lẽ không nghề nào hợp với anh hơn nghề báo thì phải?
- Đỗ Doãn Hoàng: Đôi lúc phát khóc vì thất bại trong những bài viết, những ý tưởng làm báo, tôi đã nghĩ, sao mình lại vướng vào cái nghề phức tạp thế này. Cái nghề gì mà bao nhiêu bài học "xương máu" cũng chưa coi là tạm đủ. Một nhà báo lão thành nói làm báo như múa võ giữa chợ, tôi thấy chí lý vô cùng. Đau đớn vô cùng.
Nhưng, đúng là nếu cho chọn lại nghề (vẫn biết là không được phép chọn lại nữa rồi!), tôi vẫn chọn làm báo. Nó thỏa chí tang bồng lắm. Nó giống như kẻ lang thang ấy, lúc đi thì thấy mệt, đôi lúc thấy tuyệt vọng, nhưng khi ngồi nghĩ lại thì chuyến đi nào cũng tuyệt vời. Có khi càng vất vả rồi sau này càng thấy tuyệt vời!
* Đi nhiều thế, vùng đất nào anh thấy mình nặng lòng nhất?
- Khó nói lắm. Tôi tình cờ nghĩ điều này, khi mà chỉ trong hơn một năm vừa qua, tôi được nằm trong căn nhà tột đất VN ở Mũi Cà Mau rồi lại nằm ở nơi (có lẽ là) rừng rú nhất VN - ngã ba biên giới Apa Chải sau cả một tuần lội bộ trèo núi tới tóe máu chân…
Chỗ nào cũng tuyệt, cả ăn thịt nai (xin lỗi các nhà môi trường) ở rừng rú cách đường ô tô cả tuần đi bộ và cả uống rượu ở thuyền chài ngoài "mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau", ngắm một ngày cả cảnh mặt trời mọc ở Biển Đông, cả cảnh mặt trời lặn ở Biển Tây, tôi thấy lòng mình đều rưng rưng. Đó là cảm xúc rất thật, mà không riêng gì tôi, bất kỳ con dân VN nào cũng sẽ nghĩ như tôi nếu đặt chân tới đó.
Tuy nhiên, tôi thấy, có lẽ tôi nặng lòng nhất với Tây Bắc. Năm nào tôi cũng có dăm chuyến vòng vo Tây Bắc. Tôi có một nửa dòng máu là người của Mường Thanh, Mường Tắc, Mường Lò, Mường Than (Tứ Mường đệ nhất của Tây Bắc) thì phải (cưòi).
Sinh năm 1976 tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Tây Cử nhân báo chí, Phân viện Báo chí và Tuyên truyền, học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ra trường năm 1998 Từng cộng tác ở Tạp chí Thanh Niên, Báo Thanh niên, Báo An ninh thế giới - Công an nhân dân. Hiện là biên tập viên mảng phóng sự - Báo Lao động. Đã xuất bản 5 tập bút ký - phóng sự xã hội (Trần gian còn một thứ nghề; Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha; Hai mươi bảy Phóng sự xã hội Đỗ Doãn Hoàng; Ký sự đồng rừng; Người đàn bà tử tế) và 1 tập truyện ngắn: Thung lũng đá mồ côi (NXB Hội nhà văn) |
- Có lẽ thế. Tôi cứ đùa, nếu có ai đánh thuế tôi 500.000đ/tháng để được đội mũ bảo hiểm khi ra đường thì tôi vẫn cứ đội khi đi ra đường. Vì tôi tâm đắc với cái mũ bảo hiểm. Cũng như vậy, nếu ai đó bắt tôi phải trả nhuận bút cho các tờ báo để được viết một cái gì đó mình thích thì tôi cũng đi làm cửu vạn để có tiền trả cho các tòa báo!
Đơn giản là thấy có nhu cầu đi, nhu cầu viết những điều mình nghĩ. Nếu thế gian không nghĩ ra cái gì như báo chí, sách thì tôi viết nhật ký để đọc cho con trai nghe!
* Anh biết không, đã có người thắc mắc với tôi: "Thằng cha ấy (tức là anh đấy) hình như chẳng bao giờ biết buồn quá 5 phút. Đọc những gì nó viết thì tường hết gan ruột của nó".
- Bạn tin là lúc cười thì người ta không buồn à? Tôi lại "cười cho một quả" bây giờ! Tôi đọc ở sách, ngưòi ta bảo, kẻ hay đi bao giờ cũng là người cô đơn nhất. Bởi đi là chạy trốn, mà chạy trốn trên từng cây số, thế thì càng đi càng cô đơn, càng buồn.
Tôi được trời phú cho cái vẻ hay cưòi. Tôi quan niệm là sống hết mình. Và cháy như ngọn lửa. Bố tôi vẫn thường đùa, tôi thấy rất đau: đừng nói điều mình không nghĩ, nói thế cho phải tội cái mồm. Ông lại bảo, sống cho tử tế, sống cho mình lại còn sống cho bố mình, cho con mình nữa chứ. Thế là Tam Thân, bạn ạ.
Già làng người cắt máu ăn thề Hà Nhì đặt tên cho tôi là Lỳ Xé Hoàng (Họ Lỳ là họ của rất nhiều người ở APA Chải), rồi người Mông đặt tên cho tôi là Giàng A Hoàng, bạn có biết tất cả dân tộc (tôi nghĩ cả ngưòi Kinh nữa) đều có lời thề thế nào không? Thề rằng từ nay là anh em, cái miệng chỉ nói những điều mà cái bụng nghĩ!
Nếu bạn dám nói rằng, với tôi, bạn chỉ nói cái gì mà cái bụng bạn nghĩ thôi thì bạn đã là bạn tốt của tôi rồi. Điều đó khó lắm, phải rèn luyện mới làm được đấy.
* Nghề báo mang lại rất nhiều "chất liệu" quý giá cho người sáng tác văn chương. Tuy nhiên cũng có những trường hợp người viết do không điều tiết một cách hợp lý đường "ranh giới cần có" giữa hai loại hình trên nên báo chí thường át mất những khoảng trống cần thiết cho văn chương. Còn với anh thì sao?
- Tôi bị báo chí lấn át rất nặng. Tôi, có thời gian đã bẻ bút không viết truyện ngắn, bởi thấy mình không tĩnh tâm được. Nhưng, lúc buồn, lúc một mình, chẳng hiểu thế nào… lại viết truyện. Chưa bao giờ tôi "đổ tội" cho báo chí cả.
* Anh từng tâm sự rằng: "Truyện của tôi từ số phận nhân vật đến đối thoại, không gian, tôi chẳng bịa được tí nào, cứ bê nguyên, thật 100%". Thế anh không sợ người ta cho rằng: chẳng hóa ra là anh đang viết bút kí, phóng sự chứ đâu phải là truyện ngắn nhỉ…
- Tôi nghĩ, nhiều khi đơn giản là kể một câu chuyện cuộc đời mình, cuộc đời hàng xóm của mình lại thành một cái truyện ngắn hay. Một tiếng thở dài lại thành một bài thơ để đời. Những thứ trinh nguyên ấy chẳng vẫn thường được xem là những cái lộc, là mối tình đầu của rất nhiều người với văn chương. Bởi vì sao? Vì bản thân câu chuyện cuộc đời đó đã có triết lý, có văn chương, có thân phận, có lãng mạn, có đớn đau - cái gì mà chẳng có ở Đời.
Tôi bảo tôi "không bịa ra được cái gì", "bê nguyên sự thật 100%" là theo ý đó. Là tôi muốn nhấn mạnh bản thân cuộc sống sẽ là nền tảng đích đáng nhất, là thứ văn chương nhất đối với những người viết trẻ. Những gì tôi nghe, tôi gặp trong đời tôi thấy nó để mình suy nghĩ nhiều hơn, ấp ủ nhiều hơn bất cứ tác phẩm nào tôi đã đọc (có thể vì tôi đọc chưa nhiều chăng?).
* Anh có lần tuyên bố: "Tôi âm mưu viết văn". Tôi thấy tò mò vì "âm mưu" này của anh đấy. Nó là thế nào thế?
- Chính tôi cũng chẳng biết nữa! (cười) Thế bạn không có âm mưu viết à? Thỉnh thoảng tôi cũng viết một vài cái mà theo tôi xếp nó vào file "sáng tác" trong máy vi tính. Tôi thích gọi nó là sáng tác. Càng đọc của người trẻ tôi càng bị hoang mang, và quyết định hãy bình tĩnh hơn khi đến với văn chương.
* Với anh văn chương có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi thấy văn chương nó chỉ có ý nghĩa với mình khi mà sống trong không gian của nó mình thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Tôi nghĩ, nếu cứ lao theo văn chương bằng mọi giá thì chẳng bao giờ có được văn chương cả. Nên ''âm mưu", nên quyết tâm viết - nhưng cũng chỉ nên chờ đợi nó như tôi vẫn có thói quen chờ mùa hoa ban để lên Tây Bắc chẳng hạn. Tức là có thể gặp, có thể không. Có thể đẹp, có thể xấu. Và có thể tự dưng mất hứng đi tìm hoa…
* Làm báo và viết văn, tôi hỏi thực nhé, anh kỳ vọng cái gì hơn cho mình?
- Không biết nữa. Tôi đôi lúc tự tin quá đáng (khi ở một mình); đôi lúc lại tự ti, tuyệt vọng tới mức chỉ muốn cho mình phát súng lục vào đầu để trở thành thi sĩ Exenhin, hoặc tự cắt tai mình để trở thành Van-gốc !
* Phần thưởng có ý nghĩa nhất đối với anh khi đến với văn chương và báo chí?
- Được đi nhiều. Thiên nhiên kỳ diệu. Lòng tốt và tình cảm của người đời dành cho các vị lữ khách bao giờ cũng là vô tận. Đôi khi tôi cũng giúp được nhiều thân phận người trên các chặng đường làm báo, và tự thưởng cho mình một câu đắc chí!
Tôi thích nhất là qua viết lách, tôi kể cho người ta nghe nhiều chuyện thú vị về những con người, những vùng đất đáng để biết mà đôi khi nhiều người chưa có cơ hội được đi. Giống như một người làm chương trình discoverry, nhưng cố gắng tình cảm hơn, sâu sắc hơn một chút, có giọng điệu và riêng tư hơn một chút. Phải đủ tương gừng mắm muối ớt tiêu các thứ, nhưng nhất thiết phải có lửa, có lửa để nướng các gia vị lên!
* Anh biết không, có lúc tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì mình đã đến với văn chương, báo chí. Những chuyến đi, dạy cho mình biết sống. Những cuộc đời dạy cho mình biết yêu đời hơn. Được kể chuyện cho mọi người sau mỗi chuyến đi, tôi lại càng muốn lên đường. Nhưng vì sao chỉ là "có lúc cảm thấy hạnh phúc" mà không phải là "luôn luôn…", là bởi cái nghề này cũng vô cùng nghiệt ngã…
Mà này, cuộc trò chuyện của chúng ta còn chưa kết thúc mà anh đã lại "âm mưu" lên đường đấy à !!!
- Chiều nay tôi đi Lạng Sơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận