03/04/2021 14:37 GMT+7

Dò dẫm mưu sinh trong dịch COVID-19

THU HIẾN - DIỆU QUÍ
THU HIẾN - DIỆU QUÍ

TTO - 6h sáng, ông Lượm cầm xấp vé số trên tay, lấy gậy làm điểm tựa rồi men theo từng góc hẻm, con đường.

Dò dẫm mưu sinh trong dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ông Lượm mất công việc massage, đành phải xoay chuyển bán vé số nhằm trang trải cuộc sống - Ảnh: THU HIẾN

Người đàn ông khiếm thị từng có nghề massage ổn định, nhưng dịch COVID-19 đã khiến ông mất việc, phải dạt ra lề đường mưu sinh với xấp vé số. Thế là cái nghề phụ lâu nay của ông giờ trở thành nguồn sống chính của cả nhà.

Một năm qua, dịch bệnh cứ bùng phát, tạm ngưng rồi lại tái diễn hết lần này tới lần khác. Người lành lặn còn khó khăn, chật vật mưu sinh thì những phận đời như ông Lượm lại càng bế tắc trăm bề.

Người sống trong bóng tối đi bán "ước mơ"

Mất việc massage từ tháng 4-2020, ông Lê Ngọc Lượm (49 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) đành lấy thêm nhiều vé số hơn đi bán dạo. Trước đây, bán vé số chỉ là công việc phụ được ông làm để kiếm thêm chút tiền, song song nghề massage. 

Mỗi sáng, ông Lượm tới đại lý lấy 100 tờ vé số rồi lần dò gậy, men theo những con đường đi bán "cái sự may mắn". 

Đến 9h, ông lại tới cơ sở massage chờ khách đến chiều nhưng chẳng được mấy người. Ông Lượm đành tranh thủ những lúc rảnh đi bán thêm những tờ vé số, mong kiếm ít tiền mọn duy trì cuộc sống gia đình.

Ông Lượm mồ côi cha mẹ từ khi chưa tròn tháng. Sau đó, ông được một gia đình nhận nuôi. Năm 3 tuổi, một trận ốm nặng đã cướp đi đôi mắt của cậu bé Lượm. Sống trong bóng tối, Lượm luôn cố gắng học hỏi, thử qua nhiều nghề vì muốn tự lực cánh sinh. 

Sau cùng, Lượm tìm đến một cơ sở massage để học rồi trụ lại với nghề ở nhiều nơi khác nhau để lo cho gia đình nhỏ của mình.

Đã quen cuộc sống vất vả, nhưng đợt dịch vừa rồi ông Lượm cũng chới với, "không biết đường mà lần vì cứ được đi làm vài hôm lại phải nghỉ, hoặc có làm thì cũng ế khách". 

"Trước khi chưa có dịch, hằng ngày tôi có thể massage 3-4 ca, kiếm 100.000 - 120.000 đồng. Nhưng khi dịch đến, không có khách, có ngày trở về nhà với bàn tay trắng. Vợ chồng tôi phải bán vé số để trả tiền thuê trọ, ăn uống hằng ngày", ông Lượm nói và cho biết đã gắn bó với những tờ vé số gần 18 năm.

Con đường đi bán vé số mỗi ngày dường như đã thuộc như in trong đầu, thế nhưng nhiều khi gặp "chướng ngại vật" người ta vứt ra nên không ít lần ông đã té sấp mặt. Thậm chí nhiều lần ông đã bị người xấu giật tiền, lấy luôn cả vé số. 

"Tôi còn nợ đại lý cả triệu tiền vé số do bị lừa hoặc có khi về không kịp thời gian đành phải ôm xấp vé số trở về nhà. Bà xã tôi cũng vậy, nhiều hôm hai vợ chồng trở về nhà bị lỗ vốn, chỉ ăn tối với mì gói" - ông Lượm chùng giọng tâm sự.

Gia đình ông Lượm gồm 3 người đều lao động được, nhưng những tháng ngày qua càng lúc càng lao đao khi người con gái 19 tuổi cũng thất nghiệp vì dịch. 

Trong căn phòng trọ chừng 10m² nằm ở khu Mả Lạng (Q.1), bữa cơm thường ngày của nhà ông chỉ có tô canh, hôm nào bán được hết vé số thì có thêm con cá, miếng thịt. "3 người nhà tôi chỉ ăn năm, sáu chục ngàn một ngày, đó là ngày cơm có thịt", ông kể.

Không khá hơn cảnh ngộ ông Lượm là bao, đại dịch COVID-19 khiến vợ chồng anh Hồ Huy Bình (46 tuổi, quê Hà Tĩnh) suy sụp thấy rõ. 

Cuối tháng 7-2002, trên chiếc xe máy, cha con anh Bình đi thăm người thân ở Vũng Tàu. Khi hai cha con chạy đến huyện Long Thành (Đồng Nai) thì gặp tai nạn giao thông. Vụ tai nạn ấy đã cướp đi vĩnh viễn đôi mắt của chàng trai trẻ Huy Bình, còn cha anh thì không qua khỏi. 

"Sau cú sốc đó, có lần ngồi sau chiếc xe máy đi về nhà, nếu không có mẹ ngồi ôm phía sau, tôi đã lao vào chiếc xe tải khi nghe tiếng còi. Sau này nghĩ đến mẹ, tôi mới bắt đầu tịnh tâm, làm quen và chấp nhận cuộc sống trong bóng tối" - anh Bình nói cùng hàng nước mắt rỉ ra từ khóe mắt trũng sâu trong bóng tối.

Cậu sinh viên năm cuối đại học với những giấc mơ trở thành kỹ sư ôtô từ đó sống trong bóng tối, mọi dự định tan biến. Anh Bình quyết định học massage dành cho người khiếm thị tại một cơ sở trên địa bàn quận 3 bởi thấy nghề xoa bóp, bấm huyệt thích hợp với mình. 

Trải qua nhiều nơi làm việc, cách đây 2 năm, anh gặp chị Trịnh Thị Giám (47 tuổi, quê Thanh Hóa) - một cô gái cũng có số phận kém may mắn giống mình. Cảnh nghèo thương nhau, anh chị về chung một nhà trong sự chúc phúc của người thân, bạn bè.

Những ngày dịch dã, cuộc sống bình yên của đôi vợ chồng khiếm thị bỗng đảo lộn. "Hơn 10 năm qua tôi làm nghề massage nhưng chưa bao giờ trải qua khó khăn như thời dịch COVID-19 này. 

Có những ngày đi làm nhưng không có nổi một khách hàng. Ngày nào may mắn thì cũng kiếm được 70.000 - 80.000 đồng, trong khi mỗi tháng hai vợ chồng phải chi trả 4 triệu đồng tiền nhà, điện nước, ăn uống..." - anh Bình bộc bạch, bỏ lửng câu chuyện bằng một tiếng thở dài.

Dò dẫm mưu sinh trong dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch nhưng vợ chồng anh Bình vẫn động viên nhau cố gắng vượt qua - Ảnh: DIỆU QUÍ

Tìm niềm vui trong nỗi buồn

"Thời gian giãn cách xã hội và nghề massage bị cấm, mỗi tuần tui chỉ dám đi chợ một lần, chủ yếu là mua rau về bỏ tủ lạnh ăn dần. 

Mì gói chiếm phần lớn trong các bữa ăn của hai vợ chồng. May mắn có thêm quà từ thiện của các nhà hảo tâm giúp đỡ. Chồng tôi bảo cứ dịch như thế này làm sao sống nổi. Tôi đùa rằng vậy anh ăn ít thôi, ngoài kia còn nhiều người khó khăn hơn mình" - chị Giám cười nói rồi kể: Khi số tiền dành dụm dần cạn kiệt, đôi lúc hai vợ chồng bàn nhau rời khỏi thành phố rồi về quê sống, có gì ăn nấy. 

"Nghĩ vậy nhưng thôi chứ vợ chồng cố gắng bám trụ thành phố sống lay lắt, được ngày nào hay ngày đó. Không chỉ người khiếm thị như chúng tôi vất vả, tôi nghĩ còn rất nhiều người có hoàn cảnh còn khó khăn cũng đang gồng mình qua cơn đại dịch. Chúng tôi vẫn có cơm ăn đã là may mắn hơn nhiều người rồi", anh Bình bộc bạch.

Đã quá 11h trưa, gia đình anh Bình tiếp tục quây quần bên bữa cơm tại nơi làm việc. Hôm nay anh không có khách massage, còn chị may mắn được một khách nữ đến ủng hộ. 

Bữa cơm ấy chỉ có tô canh chua, nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười, đùa vui, an ủi nhau cố đợi đến xế chiều biết đâu có thêm khách. Họ mong đại dịch COVID-19 sẽ mau qua đi, trả lại cuộc sống bình yên vốn có bao năm qua.

Còn ông Lượm, dù biết gian nan vẫn đón đợi phía trước nhưng chưa bao giờ gia đình ông than thở, trách móc điều gì. 

"Hạnh phúc nhất là khi được ngồi vào mâm cơm, không có thịt, không có cá, chỉ có canh, nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ kể cho nhau nghe công việc hôm nay ra sao, bán được mấy tờ vé số, ăn sáng món gì, có ai giúp qua đường không. Mình biết tìm ra niềm vui trong những nỗi buồn" - ông Lượm cười, nói.

Đời sống của gần 1.500 người khiếm thị bị ảnh hưởng

Theo ông Nguyễn Đình Kiên - chủ tịch Hội Người mù TP.HCM, hiện nay hội có tổng cộng 1.441 hội viên. Các hội viên khiếm thị đa số hành nghề massage, bán vé số. Do dịch COVID-19, đa số hội viên bị giảm thu nhập, ảnh hưởng đến đời sống.

Ăn tết nhờ tình thương của hàng xóm

Khó khăn chồng chất khó khăn, đêm 27 tết khu Mả Lạng (Q.1) bị phong tỏa do có liên quan đến ca nhiễm COVID-19.

Vợ chồng ông Lượm không thể đi bán vé số, đành trông chờ vào sự giúp đỡ của xóm giềng. Vài ba ký gạo, mấy gói mì, bó rau giúp vợ chồng ông vượt qua gian khó.

"Nghe tin khu nhà bị phong tỏa, gia đình tôi chết lặng người, chỉ dám ngồi trong nhà. Hàng xóm thấy thương quá cho cái bắp cải, ít thịt cá, hai lốc nước ngọt. Ngoài ra, chính quyền cũng cử ban ngành đến hỏi thăm, tặng quà. Vậy là có tết", ông Lượm nhớ lại cái tết khó khăn vừa qua.

Cửa tiệm nhỏ vượt khó thời COVID-19 Cửa tiệm nhỏ vượt khó thời COVID-19

TTO - “Người ta thuyền lớn gặp sóng lớn. Mình thuyền nhỏ bị sóng nhỏ, nhưng biết tính kỹ thì cũng cầm cự được để xoay xở gia đình và nuôi mấy đứa nhỏ ăn học mà không phải dẹp quán”.

THU HIẾN - DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên