25/12/2024 17:53 GMT+7

Độ che phủ mây giảm, vì sao?

Dữ liệu vệ tinh do NASA thu thập cho thấy độ che phủ mây toàn cầu đang giảm dần, và có thể làm trầm trọng thêm tác động ấm lên của biến đổi khí hậu.

Độ che phủ mây giảm, vì sao? - Ảnh 1.

Quan sát vệ tinh cho thấy dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ) đã thu hẹp lại trong hơn 2 thập kỷ, cho phép ánh sáng Mặt trời chiếu tới Trái đất nhiều hơn - Ảnh: NOAA

Hiện tại, Trái đất nhận được nhiều năng lượng Mặt trời hơn là mất đi. Tuy nhiên, sự phụ thuộc của con người vào nhiên liệu hóa thạch và hiệu ứng phản chiếu ánh Mặt trời liên quan đến băng tan không đủ để giải thích toàn bộ mức độ của những thay đổi này, theo trang IFLScience ngày 24-12.

Trong nghiên cứu gần đây, nhà khoa học khí hậu George Tselioudis, làm việc tại Viện nghiên cứu không gian Goddard của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), và các đồng nghiệp đã xem xét dữ liệu vệ tinh trong hai giai đoạn: một giai đoạn là từ năm 1984 - 2018 và một giai đoạn từ năm 2000 - 2018.

Nhóm ghi nhận sự thay đổi đáng kể tại dải hội tụ nhiệt đới (ITCZ), vùng áp suất thấp gần đường xích đạo của Trái đất và là nơi gió mậu dịch đông bắc và tây nam gặp nhau. 

Thông thường, khu vực này có mây dày do không khí ấm bốc lên và được thay thế bằng không khí lạnh hơn. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy vùng này đã bị thu hẹp lại, dẫn đến lượng mây che phủ thấp hơn.

Ngược lại, vùng khí hậu khô cận nhiệt đới đã mở rộng. Kết hợp lại, những thay đổi này đã dẫn đến mức độ che phủ mây toàn cầu thấp hơn. Lượng mây "co lại" thay đổi tùy theo dữ liệu và thời kỳ, song dường như xảy ra với tỉ lệ từ 0,72% đến 0,17% trong một thập kỷ.

Ông Tselioudis cho biết ông tin rằng mối liên hệ giữa hiện tượng ấm lên toàn cầu và lượng mây che phủ thấp hơn chính là mảnh ghép còn thiếu để giải thích đầy đủ việc Trái đất đang nhận được nhiều năng lượng Mặt trời hơn là mất đi.

Nghiên cứu mới nhất của nhóm đã kiểm tra dữ liệu từ vệ tinh Terra của NASA trong 22 năm qua và xác nhận kết quả của nghiên cứu trước đó, được báo cáo là phát hiện độ che phủ mây đang giảm khoảng 1,5%/thập kỷ và góp phần làm tăng sự ấm lên toàn cầu.

Các nhà khoa học vẫn phải chờ xem những xu hướng này có tiếp tục trong tương lai hay không và chúng sẽ tác động lên xu hướng ấm lên toàn cầu nói chung như thế nào. Nghiên cứu cũng cho thấy sự phức tạp của hệ thống khí hậu Trái đất.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Climate Dynamics.

Độ che phủ mây giảm, ảnh hưởng sự ấm lên toàn cầu - Ảnh 2.Mây ngũ sắc ở TP.HCM: Dấu hiệu thời tiết bất thường, dự báo mưa to?

Chiều 12-5, bầu trời TP.HCM xuất hiện mây ngũ sắc trong thời gian dài. Nhiều người thích thú, nhưng cũng có người lo lắng liệu đây có phải là dấu hiệu của thời tiết bất thường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên