16/07/2011 12:59 GMT+7

DN phải "bám" tín dụng đen

ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN
ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN

TT - Tại hội thảo giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và hướng đi cho doanh nghiệp (DN) trong suy giảm kinh tế do Hội Doanh nhân trẻ VN tổ chức chiều 15-7 tại TP.HCM, nhiều DN cho biết do ngân hàng (NH) siết chặt tín dụng nên họ phải tìm đến tín dụng đen.

nnMIlqCe.jpgPhóng to
Nhiều doanh nghiệp trong nước gặp không ít khó khăn do không tiếp cận được vốn từ ngân hàng - Ảnh: L.Sơn

Tình trạng lãi suất cao kéo dài không chỉ khiến DN bị trì trệ sản xuất mà còn khó tránh khỏi nguy cơ bị thôn tính.

"Với NH có năng lực, NH Nhà nước nên xem xét nới hạn mức cho vay để tạo điều kiện cho các DN làm ăn tốt có thể tiếp cận được vốn NH. NH Nhà nước cũng nên giám sát chặt chẽ việc cho vay của các NH để nắn dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, DN sản xuất hàng tiêu dùng..."

Ông Phan Đình Tuệ (phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đắk Lắk)

Xem lại việc siết tín dụng

Ông Trần Xuân Mai - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Nam Định, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xuất khẩu mây tre nứa Thịnh Nam - cho biết DN ông đã ký hợp đồng xuất khẩu trị giá 7-8 triệu USD nhưng NH bất ngờ ngưng cho vay dù ông đã chạy vạy cả “cửa trước lẫn cửa sau”. Để không bị hủy L/C, ông phải chấp nhận lãi suất “chợ đen” đến 9%/tháng (108%/năm). Tương tự, đại diện Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Kon Tum cũng thừa nhận việc NH siết chặt tín dụng đã tạo điều kiện cho tín dụng đen bùng phát ở các tỉnh do các DN không còn lựa chọn nào khác.

Ông Võ Quốc Thắng, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN, cho rằng chính sách thắt chặt tín dụng, đặc biệt với lĩnh vực phi sản xuất, đang vạ lây đến hàng loạt DN sản xuất. Nhiều ngành hàng sản xuất như thép, ximăng, gạch ngói cho đến những sản phẩm nhỏ như đinh ốc, kính, gỗ, thậm chí cả thực phẩm cũng bị vạ lây. Nhiều nhà máy đã phải cắt giảm sản xuất, thậm chí đóng cửa, công nhân bị sa thải hàng loạt. Ông Thắng cho rằng nên xem xét lại việc siết tín dụng, nếu không DN khó trụ nổi.

Theo ý kiến của các DN tại hội thảo, việc siết tín dụng của NH Nhà nước có phần quá tay vì sáu tháng đầu năm tín dụng chỉ tăng hơn 7%, trong khi mức cho phép cả năm là 20%. Việc siết tín dụng đã dẫn đến việc nhiều DN dù làm ăn hiệu quả nhưng cũng bị NH từ chối cho vay.

Từ thực tế trên, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đặt dấu hỏi về tăng trưởng tín dụng của NH trong những tháng đầu năm, phải chăng các NH đã dùng hạn mức cho vay để đảo nợ, hạch toán lãi vào vốn gốc, biến hóa từ tín dụng phi sản xuất sang sản xuất, nên tín dụng chỉ tăng trên giấy tờ chứ nguồn vốn đó không thật sự đi vào nền kinh tế. Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, Chính phủ nên xem xét và có các giải pháp hỗ trợ những ngành cần khuyến khích phát triển, không nên giao phó hoàn toàn cho NH vì các NH cũng có rất nhiều vấn đề cần giải quyết.

Phải minh bạch cắt giảm chi tiêu công

Theo ông Hồ Minh Hoàng - tổng giám đốc Công ty cổ phần Đèo Cả, chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên, mặc dù Chính phủ đã đề xuất chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN nhưng trên thực tế, trong hai năm qua DN toàn lỗ thì làm gì có thu nhập để miễn giảm thuế. Do vậy, bên cạnh việc miễn giảm thuế, Chính phủ cần có các giải pháp khác để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Ông Hoàng kiến nghị nên cho DN được chậm nộp thuế giá trị gia tăng (VAT), không tính lãi suất. Số tiền này sẽ được dùng để trả thay lãi suất NH đến khi DN vượt qua khó khăn. Cùng quan điểm này, ông Võ Quốc Thắng cũng cho rằng đối tượng được thụ hưởng giãn giảm thuế là những đối tượng có lợi thế phát triển, những DN đang làm ăn có lãi. Trong khi những DN đang chịu lỗ để duy trì việc làm cho hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lao động lại không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nào của NH Nhà nước.

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo thống nhất quan điểm cần phải quyết liệt cắt giảm chi tiêu công - một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát. Đại diện Hội Doanh nhân trẻ Đắk Lắk cho rằng Chính phủ chưa công bố kịp thời, minh bạch việc cắt giảm chi tiêu công, đã giảm được bao nhiêu phần trăm, trị giá bao nhiêu ngàn tỉ... Vị đại biểu này cho rằng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa có sự bình đẳng giữa DN tư nhân và DN nhà nước.

Liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều ý kiến cho rằng nếu làm quá quyết liệt sẽ ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của DN. Do đó phải linh hoạt, sử dụng công cụ thị trường thay cho biện pháp hành chính.

ÁNH HỒNG - BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên