28/07/2014 08:20 GMT+7

DN nhỏ Nhật mơ lớn từ ngôi nhà nhỏ: 88 Mạc Thị Bưởi

HỒNG QUÝ
HỒNG QUÝ

TT - Mặt tiền số 88 Mạc Thị Bưởi nằm lọt giữa rất nhiều tòa cao ốc tài chính, dịch vụ ở quận 1, TP.HCM.

Tận dụng chiều sâu kha khá, nhân viên của cửa hàng Plus Mainichi sắp đặt khá nhiều đồ nho nhỏ, chỗ này là những lọ gốm cùng mấy chiếc cốc nước kiểu Nhật, góc kia là những bức tranh truyện đặc trưng của Nhật, mặt bàn nhỏ ngay dưới đặt những gói tảo biển...

Mhg9B4YG.jpgPhóng to
Nhân viên tại Plus Mainichi - Japan Concept shop cho khách tham quan thử bộ kimono truyền thống - Ảnh: Hồng Quý

Nếu đi ngang qua đây, chắc không ai nghĩ đó chính là một nơi mà các cơ quan xúc tiến thương mại Nhật lựa chọn để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nước họ tiến sang thị trường Việt Nam.

Dẫn quan khách vào thăm cửa hàng Plus Mainichi này, bà Lưu Thị Ngọc - chủ tịch Công ty Partner Plus Nhật Bản - cho biết người Nhật có những thứ đã quá quen thuộc với quốc tế là đồ điện tử hay xe hơi. Giờ họ muốn giới thiệu thêm những thứ khác, có thể nhỏ hơn rất nhiều, nhưng cũng mang đầy niềm tự hào và hi vọng của Nhật. Chẳng hạn như ở đây có thực phẩm, mỹ phẩm, cả đồ chơi trẻ em và những tranh truyện hoạt hình đặc trưng của xứ sở Phù tang mà các bạn trẻ đang ưa thích. “Trung tâm xúc tiến Plus Mainichi - Japan Concept shop có quy mô 180m2 không đơn thuần được mở với mục đích bán hàng, mà chủ yếu được coi là nơi để giao lưu với các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm Nhật Bản” - bà Ngọc cho biết.

Là người Việt đã và đang sống tại Nhật 14 năm qua, bà Ngọc cho rằng người Nhật rất coi trọng thị trường Việt Nam. Bởi đây không chỉ là thị trường rộng lớn với 90 triệu dân, chính trị ổn định mà còn vì vị trí chiến lược của đất nước hình chữ S. Tạo được những cứ điểm tại đây, họ có thể thâm nhập thị trường ASEAN thuận lợi hơn nhiều, ngoài việc tiêu thụ hàng hóa tại Việt Nam. “Ở chiều ngược lại, đa số doanh nghiệp Việt cũng thích và muốn làm ăn với người Nhật. Có điều không phải ai cũng có điều kiện để sang Nhật tìm cơ hội. Một cửa hàng Nhật Bản kiểu này là chỗ doanh nghiệp hai bên có thể giao lưu” - bà Ngọc cho hay.

Với các cơ quan xúc tiến thương mại Nhật, họ coi cửa hàng này như một hội chợ thu nhỏ nhưng kéo dài vô thời hạn, một diễn đàn không đông và rộn rã tiếng vỗ tay nhưng có thể kéo dài tới khi đạt những thỏa thuận cuối cùng. Đó là lý do Bộ Công thương nước này năm nào cũng chọn những đơn vị đăng cai làm nhiệm vụ xúc tiến, lót đường cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nước mình ra nước ngoài, nhất là Việt Nam, nơi họ đã và đang chú trọng. Việc chọn đơn vị đăng cai xúc tiến cũng hết sức linh hoạt. Kể từ năm ngoái tới nay, Chính phủ Nhật chọn báo Mainichi (tờ báo có số lượng phát hành lớn thứ ba tại Nhật) làm đơn vị trung gian. Lý do khá thú vị. “Chính phủ Nhật thấy Mainichi có quan hệ tốt với Việt Nam và báo Tuổi Trẻ của Việt Nam nên kỳ vọng Mainichi có thể dễ kết nối hơn với thị trường Việt Nam” - ông Morifusa Ueda, đại diện báo Mainichi, cho biết.

Trước báo Mainichi từng có những tổ chức khác đứng ra đảm đương nhiệm vụ kết nối như vậy. Chính phủ Nhật không có hạn chế nào trong việc chọn lựa. Chỉ cần đơn vị nào thuyết trình được kế hoạch hiệu quả nhất để đưa doanh nghiệp nhỏ nước mình ra nước ngoài sẽ được chọn và cấp ngân quỹ, dù không phải là quá lớn. Chương trình của Mainichi được chọn là giới thiệu văn hóa và sản phẩm truyền thống Nhật Bản ngay tại trung tâm xúc tiến Plus Mainichi - Japan Concept shop.

Ông Ueda kể ở Nhật hiện nay, ngoài việc hỗ trợ như vậy, các doanh nghiệp nhỏ còn nhận được những hỗ trợ tận tình khác bởi trong khi các doanh nghiệp lớn luôn có những chiến lược dài hơi, kinh phí dồi dào để xuất ngoại bất cứ lúc nào họ cần thì doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp ở nông thôn, làng nghề, không dễ làm điều đó. “Các doanh nghiệp dạng này có khi cần nhân tài mà không đủ tiền thuê. Khi đó, các cơ quan chính phủ có thể giới thiệu người giỏi tới làm và trả giúp một nửa lương. Hoặc khi doanh nghiệp nhỏ muốn nghiên cứu làm ra sản phẩm mới, chắc chắn sẽ phải bỏ đi phá lại nhiều lần mới thành, thì chính phủ hỗ trợ chi phí để làm sản phẩm mẫu trước khi thành công” - ông Ueda chia sẻ và cho rằng điều này được đa số người Nhật tán thành, bởi ngay cả Toyota trước khi thành tập đoàn ôtô lớn nhất thế giới như hiện nay cũng từng là một doanh nghiệp nhỏ với khoảng 20 nhân viên. “Họ sẽ không thể được như vậy nếu không được chính phủ hỗ trợ trong những ngày đầu gian khó” - ông Ueda nói.

HỒNG QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên