10/07/2019 10:41 GMT+7

DK1 - 30 năm thành đồng trên biển - Kỳ 7: Còn nhà giàn, còn chủ quyền Tổ quốc

ĐÔNG HÀ - MY LĂNG
ĐÔNG HÀ - MY LĂNG

TTO - Suốt 30 năm qua, không một ngày nào người lính nhà giàn không đối mặt với sóng gió, với gian nan. Nhưng sóng gió, bão tố có thể bẻ cong sắt thép nhà giàn chứ không thể làm nhụt ý chí "giữ chủ quyền" của người lính hải quân.

DK1 - 30 năm thành đồng trên biển - Kỳ 7: Còn nhà giàn, còn chủ quyền Tổ quốc - Ảnh 1.

Thuyền của ngư dân đánh bắt trên thềm lục địa neo cạnh nhà giàn - Ảnh tư liệu của DK1

Không chỉ riêng tôi mà tất cả những người lính nhà giàn càng ngày càng thấm, càng hiểu sự thiêng liêng của chủ quyền là như thế nào, càng cảm nhận được sứ mệnh của mình trong công cuộc bảo vệ và gìn giữ Tổ quốc.

Trung tá KIM VĂN MỆNH (chỉ huy trưởng nhà giàn Tư Chính)

"Còn người, còn nhà giàn, còn chủ quyền Tổ quốc" - đó là quyết tâm hành động suốt 30 năm qua của người lính nhà giàn mỗi khi đối mặt với bão tố, sóng gió.

Thiêng liêng hai tiếng chủ quyền

"Chủ quyền Tổ quốc là điều thiêng liêng nhất. Tôi thấy vui vì lớp trẻ kế cận sau mình có bản lĩnh, có trình độ, nhiệt huyết, tiếp thu nhanh. Tôi có niềm tin lớn vào những người lính trẻ hiện giờ. Ra nhà giàn là nhiệm vụ thiêng liêng chứ không đơn giản là ra đó cho có người ở" - trung tá Kim Văn Mệnh, chỉ huy trưởng nhà giàn Tư Chính, rút ruột tâm sự.

Thiếu úy Nguyễn Mạnh Cường, 27 tuổi, hiện là chính trị viên nhà giàn DK1/7. Trong những năm học ở Trường Sĩ quan chính trị, anh đã đọc và tìm hiểu về biển đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK1. 

Ra trường năm 2018, anh được điều động về Quân chủng hải quân và về tiểu đoàn DK1. "Những ngày còn đi học, tôi đã xác định tư tưởng, công việc của mình sau này là đi biển đảo để bảo vệ chủ quyền. Tôi đã viết đơn xin tổ chức phân công về DK1" - anh cho biết.

Từ khi ra đời đến nay, nhà giàn đã cho thấy vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực: an ninh quốc phòng, kinh tế, giao thông vận tải, tài nguyên khoáng sản, giao lưu quốc tế. Đây cũng là nơi cung cấp các dịch vụ hậu cần liên quan đến kinh tế biển, là nơi đặt các đèn biển (hải đăng) để báo cho các tàu thuyền quốc tế và trong nước qua lại ở khu vực. 

Nhà giàn cũng là nơi đặt các trạm nghiên cứu thời tiết thủy văn để ghi chép, theo dõi dòng chảy, biến đổi khí hậu. Đặc biệt, nhà giàn là chỗ dựa cho bà con ngư dân vươn khơi bám biển, khi ốm đau, tai nạn, khi hết nước ngọt, hết thực phẩm, thuốc men...

Đặc biệt, giữa khơi xa, nhà giàn chính là những cột mốc chủ quyền nơi tiền tiêu, phát hiện từ xa các động thái quân sự biến động bất thường. Đóng quân ở nơi đầu sóng ngọn gió, nơi tiền tiêu, phên giậu của Tổ quốc, những người lính nhà giàn luôn cảnh giác cao độ, sẵn sàng chiến đấu nếu xảy ra tình huống. 

Chủ quyền Tổ quốc, sự toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng nhất. Muốn giữ được thì phải chấp nhận gian khổ, hi sinh. Tinh thần dấn thân và sẵn sàng hi sinh đã có sẵn trong máu mỗi người lính nhà giàn. Họ luôn có tinh thần cống hiến và hi sinh như bao lớp thế hệ đi trước, để bảo vệ nhà giàn, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. 

Dù làm nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng những người lính nhà giàn luôn vững vàng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ với Tổ quốc, để người dân phía sau mình luôn an tâm, bình yên.

DK1 - 30 năm thành đồng trên biển - Kỳ 7: Còn nhà giàn, còn chủ quyền Tổ quốc - Ảnh 3.

Lễ chào cờ trên nhà giàn DK1 - Ảnh tư liệu của DK1

Hậu phương vững lòng, tiền tiêu chắc tay súng

Cách đây 30 năm, trên vùng biển phên giậu của Tổ quốc - thềm lục địa phía Nam - những nhà giàn DK1 đầu tiên được xây dựng để bảo vệ chủ quyền. 30 năm đã qua, nhiều đổi thay và phát triển. 

Nhưng có một điều duy nhất không đổi thay: DK1 vẫn và sẽ mãi thành đồng trên Biển Đông. "Thành đồng" DK1 là minh chứng hùng hồn, mạnh mẽ của con dân nước Việt trong việc giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, những người lính nhà giàn luôn phấn đấu để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ở Biển Đông.

Trung tá Nghiêm Xuân Thái, chính trị viên nhà giàn DK, cho biết những nhà giàn hôm nay sau khi được nâng cấp, sửa chữa có độ bền vững, chắc chắn hơn rất nhiều so với trước đây. 

Đó là điều quan trọng để người lính nhà giàn càng chắc tay súng, vững tấm lòng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. "Nhà giàn hiện nay đã đáp ứng cao yêu cầu của nhiệm vụ cũng như nhu cầu sinh hoạt, ăn ở, giải trí cho cán bộ, chiến sĩ" - trung tá Thái chia sẻ.

Nhà giàn giờ rộng rãi hơn, có nơi tập thể dục, có điện năng lượng mặt trời thắp sáng, có bồn để trồng rau xanh, có chuồng inox để nuôi heo, gà; có điện, có tủ đông, tủ lạnh trữ được thực phẩm cho những ngày sóng gió, có sóng điện thoại để mọi người giữ thông tin liên lạc với đất liền. 

Gắn bó với nhà giàn từ ngày mới ra trường, mang hàm chuẩn úy, đến nay trung tá quân y Bùi Đình Dong khẳng định: "Cuộc sống anh em nhà giàn bây giờ khác trước một trời một vực".

Những năm qua, không chỉ đời sống tinh thần, vật chất của người lính nhà giàn được nâng lên mà ở hậu phương, những người vợ, người con, những gia đình của họ cũng được mọi tầng lớp hướng đến. 

Trung tá Thái cho biết từ cột mốc 20 năm thành lập nhà giàn năm 2009, khi báo chí viết về DK1, gia đình những người lính nhà giàn đã được Nhà nước, quân đội, nhân dân quan tâm, chăm lo. "Hậu phương vững chắc thì ở tiền tiêu chúng tôi càng vững tin, càng chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền" - thiếu úy Nguyễn Hùng Cường, chính trị viên nhà giàn DK1/7, tâm sự.

Trung tá Nghiêm Xuân Thái cho biết những năm qua, do biến đổi khí hậu nên vùng biển DK1 đã có những bất thường, khó lường và không còn theo quy luật như trước. Điển hình là cơn bão Tembin quét qua nhà giàn vào cuối 2017, nhưng theo lời anh, "bão tố có thể bẻ cong sắt thép của nhà giàn nhưng không thể nào bẻ cong ý chí, niềm tin của những người lính DK1".

"Anh đi rồi anh sẽ về"

Người yêu của thiếu úy Nguyễn Hùng Cường (chính trị viên nhà giàn DK1/7) kém anh 2 tuổi và đang làm ở một ngân hàng lớn tại TP.HCM. Tâm sự với Tuổi Trẻ, cô chia sẻ: "Anh Cường làm việc ngoài biển khơi, sinh nhật, những ngày lễ, tết, thiếu vắng anh, tôi cũng chạnh lòng.

Những lần như vậy anh đều động viên, an ủi tôi, rồi những lần nghỉ phép về bờ anh ấy cố gắng bù đắp". Sự lo lắng của cô cũng phần nào vơi bớt khi thiếu úy Cường nói với cô: "Anh đi là vì nhiệm vụ, vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Anh đi rồi anh sẽ về. Biển khơi khắc nghiệt nhưng đã có đồng đội, có anh em cùng nhau đoàn kết, vượt khó".

Những lần gặp nhau, anh kể cho cô nghe những câu chuyện về nhà giàn DK1 khiến cô càng yêu anh, càng thêm yêu biển đảo, càng vững tin. Cô cũng xác định sau này thành vợ thành chồng, cô sẽ choàng gánh gia đình, lo hậu phương vững chắc để chồng yên tâm công tác.

_____________________________________

Kỳ tới: Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1

30 năm mãi mãi thành đồng Biển Đông

TTO - 30 năm, thành đồng DK1 là minh chứng hùng hồn, mạnh mẽ của con dân nước Việt trong hoạt động giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


ĐÔNG HÀ - MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên