Chỉ huy trưởng Bùi Xuân Bổng
51 năm tuổi đời và 30 năm sống ở
Trung tá Bùi Xuân Bổng mới rời nhà giàn cuối tháng 5-2019. Ba Kè là nhà giàn cuối cùng anh làm chỉ huy trưởng.
"Đứng trên tàu nhìn về nhà giàn thấy anh em vẫy tay chào, tôi cứ lặng ngắm mãi hình ảnh nhà giàn. Tôi đã ở đó bốn chuyến, từ năm 2014" - anh bùi ngùi nói.
Là sĩ quan pháo phòng không, tháng 2-1989 thiếu úy Bùi Xuân Bổng nhận lệnh điều động của Bộ Quốc phòng tăng cường cho hải quân.
Ngày 15-9-1990, anh nhận lệnh đi nhà giàn Phúc Tần thay cho kíp đầu tiên. Thoắt cái đã 30 năm. Trung tá Bùi Xuân Bổng đã làm chỉ huy trưởng ở chín nhà giàn. Có nhà giàn anh ở tám năm, có nhà giàn ở 10 năm liên tục!
31 năm tuổi lính thì đã 30 năm ở nhà giàn DK1. Không ít lần có chính sách cho cán bộ ở miền Bắc được chuyển công tác về gần gia đình nhưng anh không xin chuyển.
30 năm qua, anh chỉ có năm lần ăn tết trong đất liền. Lập gia đình năm 1997 khi đã mang hàm đại úy, vợ chồng anh có một cậu con trai duy nhất, sinh năm 1999 hiện học đại học.
"Đi nhà giàn công tác là ước nguyện của tôi. Cuộc sống ngoài đó mặc dù thiếu thốn, công việc có lúc căng thẳng nhưng càng đi càng gắn bó, càng có nhiều tình cảm với nhà giàn" - anh Bổng nói.
Không chỉ là người ở nhà giàn lâu nhất, trung tá Bùi Xuân Bổng còn là người giữ kỷ lục làm chỉ huy trưởng nhà giàn lâu nhất.
"Mỗi lần mình hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi trở về thấy rất tự hào. Bảo vệ chủ quyền Tổ quốc là điều thiêng liêng nhất, không phải là thực hiện một nhiệm vụ bình thường, không phải đơn giản ra ngoài đó để có người sống trên nhà giàn.
Đến giờ tôi vẫn mong muốn tiếp tục được công tác ở nhà giàn vì tôi hiểu đóng góp của mình dù nhỏ bé lắm nhưng có ý nghĩa với Tổ quốc, với nhân dân" - anh chia sẻ.
Quân y sĩ Bùi Đình Dong khám bệnh cho một ngư dân - Ảnh: NVCC
29 năm và 16 nhà giàn
Câu chuyện về trung tá Bùi Đình Dong, 51 tuổi, hiện là quân y sĩ công tác tại nhà giàn DK 1/16 khiến người nghe không khỏi thán phục.
Anh là một trong những người đã dành cả quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời để gắn bó với nhà giàn DK1: 29 năm.
Hơn 30 năm trước. Tháng 4-1989, chuẩn úy quân y Bùi Đình Dong nhận lệnh về tiểu đoàn DK1 công tác. Tháng 5-1990, anh lên tàu ra nhà giàn DK1A làm nhiệm vụ.
Đó là một trong ba nhà giàn đầu tiên ở thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. 29 năm ở nhà giàn, từ một anh chiến sĩ hàm chuẩn úy trẻ măng cho đến bây giờ là một quân nhân mang hàm trung tá.
Anh đã ở qua hết 15 nhà giàn, đặc biệt anh có mặt trên hai nhà giàn bị bão giật đổ là DK1/3 (tháng 12-1990) và DK2A (tháng 12-1998).
Ngày ấy, một cuộc điện thoại về với gia đình cũng là điều ước không dễ thực hiện. "Ngày xưa chỉ có nhờ anh em thông tin trong đất liền xuống đài phát thanh duyên hải đăng ký mã số, đăng ký các số điện thoại rồi hẹn ngày giờ với người thân.
Đúng ngày đó, giờ đó mình ở ngoài này gọi vào mã số đó nói chuyện. Sóng kém lắm, nhiều khi lẫn tạp âm khác vào.
Một tháng gọi về nhà được một lần, mỗi lần được 30 phút nhưng nhà chỉ nghe được 15 phút thôi vì sóng tiếng được tiếng mất.
Mà hồi đó cước mắc lắm, cách đây gần 30 năm mà đã 8.000 đồng/phút. Gọi điện về là ngốn một khoản lớn tiền lương. Nhưng được nói chuyện với người thân mới quý" - trung tá Dong kể.
Đời lính nhà giàn đi biển biền biệt nên những người lính như anh Dong phải hi sinh tình cảm gia đình.
Vợ chồng anh Dong chỉ có một cô con gái. Năm 2009 con gái thi đại học, viết thư ra nhà giàn với một nguyện vọng: mong bố về đưa con đi thi đại học vì mẹ chưa bao giờ đi xa, không biết Hà Nội như thế nào. Đơn vị đã đồng ý nhưng cuối cùng không có người ra thay.
Ngày đó không có điện thoại, anh Dong phải viết thư nhờ ngư dân gửi giùm để động viên con gái.
Bố anh đã mất năm 2017. Giờ căn nhà ở Bắc Ninh chỉ còn một mình mẹ già. Vợ anh cũng đang sống một mình tại Vũng Tàu vì cô con gái duy nhất đã lấy chồng và ở luôn lại Hà Nội.
Trung tá chuyên nghiệp Phạm Văn Hướng với thâm niên 26 năm ở nhà giàn - Ảnh: NVCC
Lá thư 6 tháng mới đến tay người nhận
31 năm tuổi lính, 26 năm ở nhà giàn, trung tá chuyên nghiệp Phạm Văn Hướng, 50 tuổi (hiện công tác tại nhà giàn DK1/19) đã ở hết 14 nhà giàn.
Có nhà giàn anh đi bốn lần. 26 năm đi nhà giàn công tác, anh Hướng chỉ có bốn cái tết ở bên gia đình.
Rất nhiều người lính nhà giàn phải đón tết ngoài biển nhiều năm liền. Những cái tết thời gian khó thì chẳng thể nào quên được.
"Thực phẩm hồi đó thiếu thốn, không có tủ cấp đông nên mau hỏng. Sóng gió quá, tàu ra không được, có khi ngày tết chả còn cái gì. Giao thừa xong đến mùng 1 tết, nói đến nhà là anh em khóc. Có người khóc to" - anh Hướng kể.
Còn trung tá Kim Văn Mệnh, 51 tuổi, chỉ huy trưởng nhà giàn Tư Chính, có 26 năm ở nhà giàn.
Anh tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân 1 tháng 7-1993 nhưng lại có duyên gắn bó với biển đảo.
Suốt 26 năm anh chỉ gắn bó với bốn nhà giàn là Huyền Trân, Phúc Tần, Ba Kè và Tư Chính. "Nhà giàn mình ở lâu nhất là Tư Chính, từ năm 1997 đến năm 2004" - anh Mệnh nói.
Đi biển biền biệt, không có cơ hội tìm hiểu phụ nữ nên anh Mệnh lập gia đình khá muộn. 33 tuổi anh mới cưới vợ.
Năm 2002, khi đó anh Mệnh đang là chỉ huy trưởng nhà giàn Tư Chính. Vợ anh viết thư gửi tàu ra cho chồng. Lá thư đó sáu tháng sau anh mới nhận được.
Ra đi không tính toán
Hỏi lý do sao không xin vào bờ công tác cho gần vợ con, trung tá Kim Văn Mệnh tâm sự: "Người lính thì ở đâu cũng làm nhiệm vụ với đất nước. Hồi mới đi mình không nghĩ sẽ đi lâu vậy đâu.
Thời gian được về bờ đi học, đêm đêm nằm trong phòng nghe tiếng tàu cá chạy ra khơi cứ nhớ ngoài biển, nhớ nhà giàn, nhớ anh em đồng đội.
Khi về nhà, có lúc tôi đang ngủ nghe tiếng chó sủa cũng giật mình, tỉnh dậy không biết đang ở đâu, mấy giây sau mới biết đang ở đất liền.
Ở nhà giàn yên bình, tĩnh lặng quen rồi. Rồi cứ đi thôi, không tính toán, lăn tăn gì. Thế là gắn bó mãi đến giờ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận