07/07/2019 13:14 GMT+7

DK1 - 30 năm thành đồng trên biển - Kỳ 4: Người thiết kế nhà giàn DK1

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Tháng 4-1988, thượng tướng Đào Đình Luyện, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đoàn Bộ Quốc phòng vào làm việc với Vietsovpetro (Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt - Xô).

DK1 - 30 năm thành đồng trên biển - Kỳ 4: Người thiết kế nhà giàn DK1 - Ảnh 1.

Nhà giàn DK1/1 (hay còn gọi DK1A hoặc Tư Chính A) được chụp năm 1999

Một phần cũng do hướng sóng biển không thể làm block nhà giàn hình vuông nên tôi chọn hình lục lăng và tôi muốn nó là một bông hoa nở mãi ở Biển Đông Tổ quốc.

Kỹ sư Đặng Hữu Quý

"Chúng tôi được nghe kể lại câu chuyện hi sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ ở Gạc Ma ngày 14-3-1988. Nghe xong, ai cũng xót xa và muốn góp phần làm điều gì đó bảo vệ chủ quyền Tổ quốc" - ông Đặng Hữu Quý, 66 tuổi, khi đó đang là chánh kỹ sư thiết kế của Vietsovpetro, kể.

Ông Quý cho biết đề nghị của Bộ Quốc phòng là phải làm một công trình gọn, dễ thi công, có chỗ ở cho bộ đội, có khả năng chịu được sóng to gió lớn đặt ngoài biển, càng sớm càng tốt để sớm khẳng định chủ quyền.

Tại sao nhà giàn hình lục lăng?

Ông Ngô Thường San, khi đó là phó tổng giám đốc Vietsovpetro, nhớ lại: 

"Khi nhận nhiệm vụ này, tôi lo lắng vì biết sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngày đó chỉ có Bộ Giao thông vận tải và Vietsovpetro là làm được giàn khoan. Nhưng chúng tôi mới làm trong đất liền, chỉ cách Vũng Tàu 100km. Đằng này cách xa Vũng Tàu hàng 300-400km thì chúng tôi chưa bao giờ làm. Để có thể thiết kế nhà giàn, phải biết điều kiện sóng gió, nền móng ở đó như thế nào, dòng chảy ra sao... nhưng chúng tôi hoàn toàn không biết một chút thông tin".

Nhiệm vụ thiết kế nhà giàn được ông Ngô Thường San giao cho chánh kỹ sư thiết kế của Vietsovpetro - kỹ sư Đặng Hữu Quý. Ông Quý từng học chuyên ngành thiết kế về giàn khoan, bảo vệ luận án tiến sĩ ở Nga. 

Khi đó ông mới về Vietsovpetro hai năm. Sau buổi làm việc đó, ông Quý được giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm thiết kế công trình chưa từng có tiền lệ này.

Ông kể: "Binh chủng công binh là chủ đầu tư. Họ đặt hàng chúng tôi thiết kế có chỗ ngủ nghỉ cho bảy chiến sĩ, có chỗ để quân trang quân dụng, liên lạc thông tin, có khu để máy nổ phát điện, bồn chứa xăng, bể chứa nước ngọt, có bến cập tàu... 

Lúc đó vì làm gấp nên nhu cầu chỉ tối thiểu. Sau khi nhận nhiệm vụ này, chúng tôi phải thiết kế ra mô hình một nhà giàn bền vững trước sóng biển, thuận tiện cho các chiến sĩ sinh hoạt".

Kỹ sư Đặng Hữu Quý mất rất nhiều thời gian tìm tài liệu nghiên cứu các công trình giàn khoan của nước ngoài, nhất là những giàn khoan ở những vùng có địa chất phức tạp khác nhau. 

Ông tìm cả tài liệu tiếng Anh, tiếng Nga nhưng không kiếm được một tài liệu nào hướng dẫn thiết kế móng cọc trên nền san hô! Ông Quý cho biết khi thiết kế, khó nhất là làm sao công trình đứng vững được trên nền san hô - điều chưa từng có tiền lệ.

"Chúng tôi nghiên cứu phương án thiết kế của bên Bộ Giao thông vận tải. Họ đưa ra phương án dùng pôngtông, lấy 500-600 tấn ximăng lấp đầy pôngtông để cố định, neo bằng các dây xích thép. Chúng tôi nhận thấy đó không phải là bản thiết kế hay vì công trình như con lật đật trên sóng, không thể ổn định. 

Nếu làm trong thời gian ngắn hạn 1-2 năm thì có thể tồn tại được, nhưng lâu dài thì không mà Bộ Quốc phòng đặt vấn đề lâu dài. Chúng tôi nghiên cứu và quyết định: phải đóng cọc thép sâu trong lòng đất, cố định bằng thép, ở trên mới làm nhà" - ông Quý cho hay.

Ngày đó chủ yếu phải vẽ bản thiết kế trên giấy. Sau nhiều lần xóa đi vẽ lại trong hai tuần, ông Quý đã phác thảo ra hình hài nhà giàn. 

Đó là một công trình gồm ba khối: chân đế gắn xuống nền san hô bằng cọc, khối trung gian là nơi cập tàu, tiếp tế xăng dầu và block nhà ở. Toàn bộ công trình nặng 250 tấn, cao 45m ở khu vực nước sâu 16-18m. Phần block nhà ở có hình lục lăng, mỗi cạnh dài 5m như 6 cánh hoa.

"Ngay khi vẽ tôi đã hình dung đến công trình này như một bông sen nở rộ giữa trùng khơi, đánh dấu cột mốc chủ quyền mãi mãi cho con cháu mai sau. Khi hoàn thành xong bản thiết kế nhà giàn, tôi đã khóc. Tôi thiết kế block nhà hình lục lăng như sáu cánh hoa để tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã hi sinh. Một phần cũng do hướng sóng biển không thể làm block nhà giàn hình vuông nên tôi chọn hình lục lăng và muốn nó là một bông hoa nở mãi ở Biển Đông Tổ quốc" - ông Quý cho biết.

Lấy đường ống dẫn dầu làm nhà giàn

"Chúng tôi nghiên cứu phương án thiết kế đóng cọc thép sâu trong lòng đất, cố định bằng thép, ở trên mới làm nhà. Dự kiến chiều cao trên mặt nước biển từ phải từ 17m để đề phòng sóng đánh lên" - ông Ngô Thường San nói.

Nhà giàn thế hệ đầu tiên không có lan can và block nhà ở được làm thành một khối, sau này mới chia thành các môđun. Nhưng sắt, thép, ống để làm cọc, làm nhà thì lấy đâu? 

Ông Quý cho hay: "Thời điểm đó chúng ta đang bị cấm vận mà những vật tư này chỉ có thể mua của các nước tư bản. Vật tư để làm giàn khoan lúc đó là Nga cấp cho Việt Nam nên rất quý hiếm. Không có vật tư này thì không thể xây dựng công trình chịu được bão cấp 13, 14". Không có đôla mua vật tư, Vietsovpetro phải tự xoay xở. Nhưng Vietsovpetro là xí nghiệp liên doanh, lấy đâu ra sắt thép? "Tôi bàn với ông Vovk là tổng giám đốc Vietsovpetro. May mắn là ông ấy ủng hộ Việt Nam. Chúng tôi họp với Viện nghiên cứu thiết kế chuyên làm giàn khoan ngoài biển của Vietsovpetro. Trong quyết định thì nói là lấy vật tư thừa, tồn dư khi làm giàn khoan để làm công trình này nhưng khi làm, chúng tôi dùng một phần những vật tư mới để làm giàn khoan!" - ông Ngô Thường San cho hay. Đó là những ống dẫn dầu bằng thép cứng C5 của Nga, đường kính 320cm, dày 11cm, dài 12m.

8 năm có 131 sự cố xảy ra cho nhà giàn

nha gian thoi ky dau (read-only)

Một trong 3 nhà giàn đầu tiên được xây dựng năm 1989 (Ảnh tư liệu chụp thời điểm đó)

Cùng lúc, hai công trình khác theo phương án trọng lực cũng được Bộ Giao thông vận tải gấp rút thực hiện. Hai công trình nhà giàn này do TS Chu Chất Chính (viện phó Viện Thiết kế tàu thuyền) làm chủ nhiệm thiết kế. Đó chính là nhà giàn DK1/3 tại bãi cạn Phúc Tần và DK1/4 ở bãi cạn Ba Kè.

Theo phương án này, pôngtông được đổ đầy khoảng 600 tấn bêtông rồi đánh chìm xuống biển và cố định với tháp canh bên trên bằng hệ thống xích neo.

Đại tá, PGS.TS Phạm Ngọc Nam (nguyên viện phó Viện Kỹ thuật công binh), một trong những người đã tham gia thiết kế nhà giàn DK1 những năm đầu, cho biết: "Thời điểm đó, cơ sở dữ liệu về sóng, gió, dòng chảy khu vực Nam Biển Đông rất nghèo nàn, không đủ để xử lý. Từ năm 1990-1998 có 592 sáng kiến cải tiến và 131 sự cố. Chúng tôi phải vừa làm vừa học, vừa khảo sát thăm dò và bổ sung hoàn thiện dần, rút kinh nghiệm thường xuyên".

_________________________

Kỳ tới: Xây dựng nhà giàn

30 năm mãi mãi thành đồng Biển Đông

TTO - 30 năm, thành đồng DK1 là minh chứng hùng hồn, mạnh mẽ của con dân nước Việt trong hoạt động giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên