06/07/2019 11:27 GMT+7

DK1 - 30 năm thành đồng trên biển - Kỳ 3: Những ngày gian khó

ĐÔNG HÀ - MY LĂNG
ĐÔNG HÀ - MY LĂNG

TTO - 'Nhà chòi', 'chuồng bồ câu' là những từ truyền miệng của ngư dân khi nói về nhà giàn DK1 những năm đầu tiên. Đó là bởi sự nhỏ bé của nhà giàn so với biển cả mênh mông.

DK1 - 30 năm thành đồng trên biển - Kỳ 3: Những ngày gian khó - Ảnh 1.

Thiếu tá Lê Văn Đức sống 14 tháng 17 ngày trên nhà giàn 1A Tư Chính từ những ngày đầu tiên - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Những ngày đầu tiên ấy, người lính nhà giàn phải đối mặt với khó khăn, vất vả, thiếu thốn trăm bề. Nhưng tất cả cùng đồng lòng, chia sẻ vượt qua để DK1 là "thành đồng" trên biển đất mẹ.

“Để tiết kiệm và tái sử dụng, chúng tôi phải ngồi trong chậu tắm tráng nước ngọt sau khi tắm nước biển. Rồi dùng nước đó để giặt quần áo.

Trung tá Bùi Đình Dong

Sống sót qua cơn bão

Trong cơn bão khủng khiếp từ 21h đêm 4-12-1990, nhà giàn Phúc Tần đã bị nghiêng. Đến 2h sáng 5-12, thêm một đợt sóng rất lớn tràn qua, nhà giàn không cầm cự nổi, ngã đổ! 

Ngày đó, trang bị cứu sinh thô sơ, thiếu thốn. Tám người lính nhưng chỉ có năm cái áo phao, trong đó chỉ còn bốn áo phao lành, một rách! Chiếc phao bè bị sóng đánh vỡ nát. 

Chỉ huy trưởng nhà giàn Bùi Xuân Bổng, chính trị viên Trần Hữu Quảng và nhân viên báo vụ tên Báu tự nguyện không mặc áo phao. Anh Bổng ra lệnh cho anh em nhảy xuống biển trong màn đêm tối đen như mực.

"Sóng đánh vào, mỗi người văng ra một nơi. Nhà giàn đóng trên bãi cạn, chỗ nông nhất là 10m mà khi sóng đánh, tôi cảm giác nó nhấn mình xuống tận san hô rồi mới đẩy lên!" - trung tá Bùi Xuân Bổng nhớ lại. Đêm tối đen. Sóng dữ ập đến. 

Không hoảng loạn, không nghĩ đến cái chết, người chỉ huy trưởng lúc đó chỉ nghĩ phải gọi xem anh em ở đâu để tụ lại chỗ chỉ huy. Gọi lúc đầu thì thấy nhưng vài phút sau một cơn sóng ập đến, tất cả lại bị chìm xuống. Khi ngoi lên được, chỉ huy trưởng Bùi Xuân Bổng vẫn cố gắng gọi tên anh em xem còn ai, mất ai...

"Tôi vớ được miếng bè xốp vỡ, kéo thêm được hai người là Công và Quỳnh. Đồng chí Hồ Thế Công có mang áo phao nhưng không hiểu sao xuống biển lại cứng đơ, rời hẳn tay ra như sắp chết. Tôi nói Quỳnh: lấy dây buộc Công vào người, nếu có chết thì anh em mình cũng phải kéo theo. Lúc sau cậu ấy tỉnh lại. May lúc đó quyết tâm kéo cậu ta theo chứ không thì mất một mạng người" - trung tá Bùi Xuân Bổng kể. 

Khi đó, anh không thể biết chuyện gì đã xảy ra với năm người còn lại.

Những người lính nhà giàn phải chiến đấu từng phút với cái lạnh ngấm vào xương tủy. Lạnh đến mức các cơ thịt trong người co hết lại. Hết cái lạnh thì tầm trưa hôm sau họ phải chiến đấu với cơn khát. May mắn vớt được ba lọ nước cất nhỏ bằng ngón tay, họ chia nhau mỗi người mấy giọt. 

"Có đồng chí hoảng loạn, tôi cứ động viên thế nào cũng có tàu vớt. Không hiểu sao lúc đó tôi có niềm tin tàu sẽ tìm thấy mình, dù suốt đêm rồi đến ngày không thấy tàu đâu" - trung tá Bổng nhớ lại.

Giữa sóng dữ, giữa cái chết cận kề, người chỉ huy trưởng trẻ tuổi trở thành chỗ dựa tinh thần vững vàng cho đồng đội. Chiều hôm sau tàu mới tìm thấy họ. Lúc lên tàu mới hay không tìm thấy chính trị viên Quảng, trung sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền và đại úy quân y Trần Văn Là. Cơn bão đã cướp mất ba đồng đội của anh Bổng.

Ý nghĩa tên các bãi ngầm

Thật ý nghĩa khi tên của những chúa Nguyễn có công khai phá, mở mang bờ cõi vùng đất phương Nam được dùng để đặt cho các bãi ngầm ở vùng biển DK1. Đó là "Nguyễn Phúc Nguyên", "Nguyễn Phúc Tần". Và cả Huyền Trân công chúa - người đã có công mở mang châu Ô - châu Lý (tức Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay). "Quế Đường" là tên hiệu của nhà bác học Lê Quý Đôn.

DK1 - 30 năm thành đồng trên biển - Kỳ 3: Những ngày gian khó - Ảnh 4.

Đưa người lên nhà giàn bằng cách kéo dây - Ảnh tư liệu DK1

"Nước ngọt quý như máu"

Nhớ về những ngày đóng quân trên nhà giàn 1A Tư Chính, cả trung tá Tạ Ngô Quyền, trung tá Nguyễn Đình Thịnh (đều đã nghỉ hưu) và thiếu tá Lê Văn Đức (hiện phụ trách ngành thông tin vô tuyến điện tàu 09 - lữ đoàn 171) không thể quên chuyện thiếu nước ngọt của 30 năm trước. Nước thiếu đến nỗi trung tá Quyền là chỉ huy trưởng phải giao chìa khóa bể nước cho chính trị viên Nguyễn Đình Thịnh cất giữ.

"Tôi giao chìa khóa cho anh Thịnh và dặn phải phân phát đúng chỉ tiêu, nếu anh không làm được thì tôi lấy chìa khóa lại" - trung tá Quyền nói. 

Còn thiếu tá Đức hài hước: "Lúc đó anh Thịnh là chính trị viên kiêm thủ kho bể nước". "Đúng rồi, lúc đó thịt hộp không khóa nhưng nước phải khóa", trung tá Thịnh nói. Đó là vì nhà giàn chỉ có một bể chứa nước nhỏ, chưa đầy 20 khối mà sáu tháng mới được tiếp một lần. Bể nước đã nhỏ lại còn không thể sử dụng được nước dưới đáy vì sắt gỉ ra, sơn hắc ín dưới đáy bể bong ra. 

"Có những lúc hết nước, chúng tôi phải lấy bông để lọc nước cặn ở đáy bể mà dùng tạm" - thiếu tá Đức nhớ lại.

29 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những năm tháng đầu gian khó ở nhà giàn vẫn in sâu trong tâm khảm trung tá chuyên nghiệp Bùi Đình Dong, 51 tuổi, hiện đang công tác tại nhà giàn DK 1/16. 

"Nước ngọt quý như máu" - anh Dong so sánh. Những ngày ấy, anh cùng đồng đội phải chia nhau từng ca nước. Hai ngày, một người được chia 5 lít nước để đánh răng rửa mặt, tắm giặt. Quần áo giặt bằng nước biển rồi mới tráng qua nước ngọt. Mùa khô có khi 7-10 ngày lính nhà giàn không có nước tắm.

"Để tiết kiệm và tái sử dụng, chúng tôi phải ngồi trong chậu tắm tráng nước ngọt sau khi tắm nước biển. Rồi dùng nước đó để giặt quần áo" - trung tá Dong nhớ lại. Đợt El Nino kỷ lục năm 1997- 1998, lính nhà giàn suốt một tháng trời không có khái niệm tắm là gì, cho đến khi có tàu cấp nước ra tiếp tế.

Rau xanh là thứ thiếu thốn thứ hai với các chiến sĩ nhà giàn ngày đó. Vì thiếu rau xanh nên hầu hết người lính nhà giàn ai cũng bị bệnh đường ruột, sỏi thận. 

"Hồi đó mới ra, chúng tôi bỡ ngỡ vì chưa ở trên biển lâu ngày bao giờ. Nhà giàn ngày đó khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Những ngày đầu lính nhà giàn chưa biết câu cá nên phải ăn đồ khô, đồ hộp: thịt hộp, dứa hộp, giá hộp, rau muống khô, củ cải khô, su hào khô" - trung tá Bùi Đình Dong kể.

"Những cột mốc chủ quyền thiêng liêng"

chuan do doc pham khac luong

Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 5-7-2019, phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập tiểu đoàn DK1, chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng, tư lệnh Vùng 2 Hải quân (ảnh), xúc động ôn lại thời kỳ đầu gian khó của nhà giàn DK1. Đó là thiếu rau xanh, nước ngọt, phương tiện thông tin chỉ là chiếc đài bán dẫn.

Nhưng bằng ý chí tự lực tự cường, khắc phục mọi phong ba, bão táp, hiểm nguy, những thế hệ người lính nhà giàn DK1 đã trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, thể hiện lòng trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. 30 năm qua, trên thềm lục địa phía Nam, trước sự khắc nghiệt, tàn phá của thiên nhiên, năm nhà giàn đã bị đổ và tám cán bộ chiến sĩ DK1 đã hi sinh.

"Sự hi sinh của cán bộ, chiến sĩ DK1 đã hóa thành những cột mốc chủ quyền thiêng liêng bất tử hiên ngang trên biển" - chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng đúc kết.

30 năm mãi mãi thành đồng Biển Đông

TTO - 30 năm, thành đồng DK1 là minh chứng hùng hồn, mạnh mẽ của con dân nước Việt trong hoạt động giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

ĐÔNG HÀ - MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên