05/10/2011 07:40 GMT+7

Đìu hiu khu kinh tế cửa khẩu - Kỳ cuối: Sẽ rà soát toàn bộ

BẠCH HOÀN
BẠCH HOÀN

TT - Trong 28 khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) đã ra đời, hiện chỉ có vài nơi như Móng Cái (Quảng Ninh), Đồng Đăng (Lạng Sơn)... hoạt động tương đối hiệu quả.

Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cần rà soát lại các KKTCK, trước mắt chỉ tập trung cho những nơi có tiềm năng phát triển thật sự.

t1k1HpCH.jpgPhóng to
Nhà lồng chợ và những dãy phố ở khu kinh tế cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) từ năm 2004 tới nay luôn đóng cửa im ỉm, mặt sân biến thành nơi phơi lúa - Ảnh: Đức Vịnh

Theo quy hoạch phát triển KKTCK đến năm 2015, chỉ thành lập 27 KKTCK. Thế nhưng, việc phát triển các KKTCK đã bị “vỡ kế hoạch”, bởi hiện nay có tới 28 KKTCK được “khai sinh”.

Không như kỳ vọng

Lý giải điều này, ông Lưu Quang Khánh, vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch - đầu tư), cho rằng không phải phá vỡ quy hoạch của Chính phủ mà chỉ là đi trước một chút. Một vài địa phương do cần có điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nên phải thành lập KKTCK. “Thậm chí, nếu phía ta chưa mở thì nước bạn cũng đề nghị nên bắt buộc phải làm” - ông Khánh cho hay.

Tuy nhiên, đáng lưu ý là số lượng vượt quy hoạch nhưng hoạt động thực tế mới chỉ đạt được một phần nhỏ của quy hoạch. Cụ thể năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các KKTCK được lên “kế hoạch” là 13,5-14 tỉ USD, nhưng con số trên thực tế chỉ đạt 5,44 tỉ USD. Và theo Tổng cục Hải quan, hiện xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới vẫn chỉ chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch. Đó là chưa kể hàng xuất nhập khẩu từ những vùng kinh tế khác vận chuyển đến. Hàng tại các khu công nghiệp nằm trong KKTCK chiếm tỉ lệ không nhiều.

Cơ quan phụ trách chiến lược phát triển các KKTCK là Vụ Kinh tế dịch vụ cũng thừa nhận thực trạng hoạt động còn ảm đạm của các KKTCK. Hiện chỉ có các KKTCK ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai đang hoạt động nhộn nhịp cả về thương mại dịch vụ, công nghiệp, xuất nhập khẩu. Đây là những khu kinh tế có cửa khẩu thông thương với Trung Quốc. Vì vậy điều kiện để một KKTCK trở nên sôi động còn phụ thuộc vào phía bên kia biên giới. Với các KKTCK chậm phát triển, không thu hút được đầu tư, ông Khánh cho rằng các khu này chủ yếu nằm ở biên giới với Lào và Campuchia. Lý do là kinh tế hai nước bạn chưa phát triển, trao đổi thương mại ít. “Nhưng nếu không xây dựng ở thời điểm hiện nay, chuẩn bị sẵn và đón đầu thì tiềm năng, hiệu quả kỳ vọng trong tương lai sẽ không được khai thác” - ông Khánh nói.

Nên dừng thành lập mới

PGS-TS Võ Đại Lược (Viện Khoa học xã hội - thuộc Bộ Kế hoạch - đầu tư) cũng tỏ ra lo lắng trước thực trạng phát triển ồ ạt của các KKTCK. “Tôi đã đến một KKTCK rộng hơn 20.000ha nhưng thấy ở đó hầu như không có hoạt động gì. Quy hoạch đủ các ngành. Công nghệ thì lạc hậu”, ông Lược nói. Theo nhìn nhận của ông, việc phát triển ồ ạt như hiện nay, những nơi chưa cần thiết cũng đầu tư xây dựng là hoàn toàn sai lầm, rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Do đó cần phải rà soát lại các KKTCK, trước mắt phải dừng thành lập mới. Tương tự, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng không chỉ hàng ngàn tỉ đồng vốn ngân sách đầu tư không hiệu quả, mà lãng phí lớn hơn là hàng trăm ngàn hecta đất nông nghiệp bị lấy đưa vào quy hoạch rồi bỏ hoang. Nhiều địa phương vì lợi ích cục bộ, đề xuất quy hoạch các KKTCK quá lớn.

Trước thực trạng hiện nay, ông Lưu Quang Khánh cho biết Vụ Kinh tế dịch vụ đang tiến hành rà soát lại hoạt động của các KKTCK. Trên cơ sở nắm được khu nào hoạt động hiệu quả, khu nào chưa hiệu quả, các nguyên nhân tác động tới việc thu hút đầu tư và hoạt động của khu thương mại trong KKTCK, cơ quan này sẽ có báo cáo tổng hợp lên Bộ Kế hoạch - đầu tư, đề xuất hướng điều chỉnh phù hợp.

“Chúng ta đang đầu tư lãng phí”

ATTUiGRH.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Mại - Ảnh: C.V.K.
Trước tình trạng “lạm phát khu kinh tế cửa khẩu”, tiền tỉ “phơi nắng”, trao đổi với Tuổi Trẻ, GS. TS Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, phân tích:

- Các KKTCK mọc lên khắp nơi nhưng vắng lặng, hiệu quả thấp chỉ là một trong những vấn đề của tình trạng đầu tư, nhất là việc thành lập các khu kinh tế để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Chúng ta đã có trên 260 khu công nghiệp, 15 khu kinh tế, cả chục KKTCK nhưng tỉ lệ lấp đầy không cao, vẫn còn hàng vạn hecta đất chưa có người đầu tư. Trong khi đó, còn nhiều địa phương muốn mở thêm các khu công nghiệp mới, chúng ta lại sắp cấp phép cho ba khu kinh tế nữa...

* Thực tế rất nhiều KKTCK đã được đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng bao năm qua vẫn không đạt mục tiêu phát triển kinh tế khu vực, tăng xuất khẩu, thưa ông?

- Tôi từng nhiều lần phát biểu về tình trạng đầu tư theo phong trào. Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, KKTCK cũng là một dạng đó. Chúng ta đang có nền kinh tế của 63 tỉnh, thành chứ không có nền kinh tế vùng cũng như tổng thể nền kinh tế quốc gia. Vì từ khi phân cấp, các tỉnh chạy đua rầm rộ, đâu cũng muốn xây sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, rồi có biên giới thì có KKTCK. Lập ra các khu kinh tế không khó, nhưng tạo “phần mềm” thế nào để thu hút được đầu tư, quản lý nhằm đạt được mục tiêu đề ra của các khu kinh tế mới khó. Chúng ta đang đầu tư khá lãng phí, trong khi đó ngay khu kinh tế đầu tiên là Chu Lai giờ nhìn lại cũng chưa đạt được mục tiêu ban đầu.

* Có rất nhiều KKTCK đang tồn tại phập phù, gây lãng phí. Cần giải quyết bài toán này thế nào?

- Các KKTCK và khu kinh tế nói chung vắng lặng không chỉ gây lãng phí lớn về đất đai, nguồn lực mà còn có thể gây tác động lâu dài. Các khu công nghiệp chiếm vài trăm hecta, khu kinh tế thì chiếm tới 15.000-20.000ha, KKTCK cũng chiếm dụng diện tích rất lớn. Nếu không giải quyết, cứ để tình trạng phập phù như thế, tiền tiếp tục đổ vào đây sẽ tác động xấu đến lạm phát vì hiệu quả thấp. Nhiều ý kiến cho rằng nên tiến hành rà soát lại, dự án nào hoạt động không hiệu quả thì bãi bỏ, dự án nào cấp đất mà chưa hoạt động thì thu hồi. Tôi cũng cho rằng cần có biện pháp dứt khoát. Tuy nhiên, để giải quyết một cách tổng thể, cần có định hướng lại về đầu tư nước ngoài cũng như chiến lược chung của đất nước.

Chúng ta cần xác định phải có một nền kinh tế quốc gia, nghĩa là trong đó có những điểm nhấn lớn chứ không phải tỉnh nào cũng làm. Trăm hoa đua nở, rất khó có hiệu quả với số lượng lớn như thế.

BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên