Dự án hạ tầng Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn tại xã Vạn Yên đã hoàn thành, đủ điều kiện sử dụng từ năm 2020, nhưng do chưa tìm được nhà đầu tư, nơi này hiện vẫn đìu hiu, bỏ hoang.
Nhà máy sản xuất giống nhuyễn thể trăm tỉ làm xong để đó
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, dự án đầu tư xây dựng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung và vùng ươm, nuôi giống chất lượng cao tại đảo Lỗ Hố, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt từ năm 2011, với tổng mức đầu tư hơn 230 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ 2012-2016.
Đến năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quyết định điều chỉnh dự án với thời gian thực hiện từ 2015-2019, tổng mức đầu tư giảm còn hơn 213 tỉ đồng (bao gồm 115 tỉ đồng từ nguồn vốn trung ương và hơn 38 tỉ đồng vốn địa phương, còn lại hơn 59 tỉ đồng là nguồn vốn khác).
Dự án có tổng diện tích 300ha mặt nước vịnh Bái Tử Long và 7,6ha mặt đất, với mục tiêu thu hút nhà đầu tư sản xuất khoảng 1,5 tỉ giống nhuyễn thể sạch bệnh, chất lượng cao cung cấp cho vùng nuôi thương phẩm của tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh ven biển Bắc Bộ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh được giao làm chủ đầu tư dự án, đã hoàn thành xây dựng hạ tầng và được nghiệm thu, quyết toán từ năm 2020 với tổng kinh phí xây dựng hạ tầng trên 136 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn không thấy bóng dáng nhà đầu tư nào.
Khu vực nhà máy với hàng loạt hạng mục bao gồm: tuyến kè biển, hệ thống cấp điện nước, hệ thống thoát nước và xử lý rác, nạo vét luồng tàu, phao tiêu, nhà điều hành,… đã thành hình nhưng đang trong tình cảnh "đắp chiếu", thậm chí có dấu hiệu xuống cấp.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tường bao của nhà máy đã có dấu hiệu xuống cấp, nứt vỡ theo thời gian dù chưa đưa vào sử dụng. Khu vực xung quanh nhà điều hành trong khuôn viên nhà máy cây cỏ mọc um tùm.
Một người dân được thuê trông coi nhà máy cho biết khu vực này vẫn chưa được đưa vào vận hành kể từ năm 2020 đến nay, dù đã có một vài đoàn công tác đến khảo sát nhưng sau đó lại "án binh bất động".
Dự án tồn tại nhiều vi phạm
Liên quan dự án này, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cũng đã thanh tra theo chỉ đạo của UBND tỉnh và đưa ra kết luận chỉ ra hàng loạt vi phạm tại dự án.
Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ tối đa không quá 50% đối với ba hạng mục: giao thông, thủy lợi và xử lý chất thải, nhưng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh lại tham mưu, đề xuất hỗ trợ xây dựng toàn bộ cơ sở hạ tầng bằng 100% ngân sách. Bên cạnh đó, 300ha mặt nước vẫn chưa được loại ra khỏi Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Đặc biệt, thời điểm chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh khởi công dự án vào tháng 6-2016, dự án vẫn chưa được UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định giao đất, chưa được bàn giao đất tại thực địa.
Là chủ đầu tư dự án nhưng sở đã không lập quy hoạch chi tiết 1/500 theo quy định, khi triển khai xây dựng trên thực địa không đúng quy hoạch tổng mặt bằng đã được phê duyệt. Dự án đã được phê duyệt quyết toán 136,56 tỉ đồng, tuy nhiên ba gói thầu số 09, 11 và 13 quyết toán chưa chính xác số tiền 761 triệu đồng, cần phải thu hồi.
Tại gói thầu số 09, chất thải được nạo vét đổ sai vị trí được duyệt, nên chủ đầu tư cùng nhà thầu đã phải nộp 910 triệu đồng tiền "chênh lệch" vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra để khắc phục.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Minh Sơn - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh - cho biết đơn vị đã có báo cáo UBND tỉnh và hiện nay đang khắc phục các tồn tại đã được cơ quan thanh tra chỉ ra.
Việc nhà máy dù đã hoàn thành nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư là do bị vướng về cơ chế. Dự án trước đây thực hiện theo mô hình đối tác công - tư quy định tại nghị định 63/2018 và nghị định 15/2015, nhưng từ tháng 1-2021 Luật Đầu tư theo phương thức trên có hiệu lực đã quy định các lĩnh vực đầu tư, trong đó bao gồm nuôi trồng thủy sản không thuộc danh mục đối tác công - tư, nên việc triển khai dự án gặp khó khăn.
Hiện nay Thanh tra tỉnh Quảng Ninh kiến nghị triển khai phương án lựa chọn nhà đầu tư theo hướng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tối đa không quá 50% giá trị cơ sở hạ tầng. Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tham mưu điều chỉnh lại mức hỗ trợ đầu tư và phần giá trị đã đầu tư vượt quá mức 50% sẽ phải thu hồi về ngân sách nhà nước, nhà đầu tư được lựa chọn phải cam kết hoàn trả ngân sách trong thời gian nhất định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận