Chị Nga với công việc thường ngày trên đôi chân bằng ghế gỗ - Ảnh: B.D. |
Lớn lên, cô gái ấy không thể đứng trên đôi chân như những đứa trẻ khác mà phải lê lết bằng hai bàn tay.
Giữa chiều, gian hàng nhỏ của chị Đoàn Thị Nga (thôn Ngọc Phúc, Đắk Sú, Ngọc Hồi, Kon Tum) chộn rộn người ra vào mua hàng. Chủ quán là một cô gái đặc biệt khi không thể đứng để phục vụ khách mà phải trượt từng bước trên đôi ghế gỗ. Thấy khách vào, Nga bật người từ trên chiếc giường, cúi gập người xuống đặt hai bàn tay lên đôi ghế gỗ để sẵn phía dưới. Thoăn thoắt trong chốc lát, đôi ghế gỗ ấy di chuyển khắp gian hàng, nhanh nhẹn và thành thục chẳng kém gì đôi chân của người bình thường.
Từ ngày còn nhỏ, Nga đã không được đi lại như những đứa trẻ bình thường khác mà phải lớn lên với một thân hình dị thường: cơ thể nuôi mãi chẳng lớn lên được, đôi chân teo lại và đôi tay cũng ngắn cũn. Không thể đi lại, việc học hành của Nga cũng vì thế phải gác lại. Thương con gái phải gánh nhiều thiệt thòi, mẹ Nga mỗi lúc rảnh rỗi lại viết chữ lên tường để tập đánh vần cho con. “Mấy chữ cái của mẹ là hành trang vô giá cho mình đến tận bây giờ” - chị Nga nói.
Chị Nga cho biết thân hình dị dạng và đôi chân không thể dùng để đi lại đã khiến chị gần như bất lực trước cuộc sống, đã có lúc tự khóc với chính mình. Rồi một ý định trong đầu lóe lên: Nga sẽ làm chủ một cửa hàng tạp hóa, vừa có niềm vui lại vừa có thu nhập, không trở thành gánh nặng cho người thân. Ý định ấy nhanh chóng được tiếp sức, chỉ hai tháng sau, người làng, anh em của Nga đã góp công, góp vật liệu dựng cho cô gái tật nguyền một gian hàng nhỏ nằm giữa thôn Ngọc Phúc.
Có cửa hàng, Nga dành dụm tiền, vay mượn thêm rồi nhờ người ra phố lấy hàng về bán. Những ngày mới mở quán, việc đi lại của Nga hết sức khó khăn khi phải lê lết trên đôi ghế gỗ cao khoảng 30cm. Chị kể nhiều lúc tập lết đi cho quen việc mà ngã lăn xuống nền đến thâm bầm da thịt, gọi mãi không thấy người đến giúp nên phải mất hàng chục phút mới có thể ngồi lên lại được.
Dù vậy, khó khăn cũng là thử thách ý chí cho Nga, chị dần quen với những cú ngã, quen với di chuyển rồi tự đứng lên. Cửa hàng của Nga dần quen khách, cô chủ quán tí hon vừa bán hàng vừa tự lo cho cuộc sống của mình, từ việc nấu ăn, lau dọn nhà cửa đến làm tất cả mọi việc để không phải nương nhờ đến người khác.
Cửa hàng của “người lùn” 46 tuổi giờ đây là điểm mua bán tập trung của dân làng. Ngoài việc đến mua rau cá, muối mắm... bà con cũng đến để được nhận một món quà đặc biệt khác: nụ cười tràn ngập niềm vui và những câu chuyện của cô chủ quán. Họ là người thân quen, không máu mủ nhưng biết rõ và chia sẻ với Nga như những người thân yêu trong gia đình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận