10/05/2018 18:29 GMT+7

Dinh Thượng Thơ: Chứng tích trăm năm giữa Sài Gòn

NGUYỄN ĐỨC HIỆP
NGUYỄN ĐỨC HIỆP

TTO - Nằm ở góc đường Đồng Khởi và Lý Tự Trọng thuộc quận 1, TP.HCM, dinh Thượng Thơ có lịch sử lâu đời từ hồi Pháp đặt chân đến Sài Gòn và chiếm các tỉnh Nam Kỳ.

Dinh Thượng Thơ: Chứng tích trăm năm giữa Sài Gòn - Ảnh 1.

Hình ảnh dinh Thượng Thơ xưa

Dinh Thượng Thơ còn gọi là Bureaux du Directeur de l’intérieur (Văn phòng giám đốc nội vụ, 1863-1891) hay Bureaux du Secrétariat du gouvernement de la Cochinchine (Văn phòng ban thư ký chính phủ Nam Kỳ, 1894-1945) dưới thời Pháp thuộc.

Tòa soạn báo quốc ngữ đầu tiên

Dinh Thượng Thơ là cơ quan đầu não quản lý Nam Kỳ thi hành các nghị định, chính sách của chính phủ, chi thâu tài chánh cho các công sở, trả lương cho các công nhân viên, chi phí cho lễ hội, di chuyển, đi xa công tác, phát hành các công báo về các nghị định, quyết định, lập bản báo cáo hàng năm chi thâu tường trình cho thống đốc và Hội đồng quản hạt.

Tờ Gia Định báo, báo quốc ngữ đầu tiên Việt Nam cũng được phân bố từ dinh Thượng Thơ tới các tỉnh thành, làng xã khắp lục tỉnh.

Thời kỳ có nhiều cải cách và phát triển của Văn phòng giám đốc nội vụ là dưới thời giám đốc Noel Pardon, và Béliard từ năm 1881 với mục đích để tăng nguồn thu ngân sách.

Theo đề nghị của giám đốc nội vụ, năm 1887, thống đốc Filippini ra nghị định 439 (ngày 30-9-1887) thiết lập trạm quan thuế ở đảo Phú Quốc, Côn Sơn và giao cho giám đốc thực hiện (Bulletin officiel de l'Annam et du Tonkin 1887).

Ngoài ra các công ty chính phủ độc quyền như công ty rượu (Régie d’Alcohol), công ty thuốc phiện (Régie d’Opium) cũng đem được nhiều nguồn lợi tài chánh.

Dinh Thượng Thơ: Chứng tích trăm năm giữa Sài Gòn - Ảnh 2.

Sau một tuần lấy ý kiến độc giả Tuổi Trẻ Online (tính từ 3 đến 10-5), hiện có 5.980/6.723 lượt bình chọn đưa dinh Thượng Thơ vào danh sách di tích để bảo tồn...

Tài trợ các nghệ nhân, nghệ sĩ đi Pháp

Theo lệnh của thống đốc Nam Kỳ, Văn phòng giám đốc nội vụ ở dinh Thượng Thơ đã tài trợ các nghệ nhân, nghệ sĩ đi qua Pháp triển lãm các sản phẩm Nam Kỳ, văn hóa, công nghệ và trình diễn hát bội ở Hội chợ thế giới Paris năm 1889; trong đó có ông Trương Minh Ký - nhà giáo và nhà văn quốc ngữ trong giai đoạn đầu (tác phẩm Như Tây Nhựt trình kể lại chuyến đi này).

Trước đó, qua thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Viliers, văn phòng giám đốc nội vụ đã tài trợ nhà giáo Trương Minh Ký dẫn các học sinh trong đó có ông Nguyễn Trọng Quản (tác giả Truyện thầy Lazaro phiền - tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên), Diệp Văn Cương (sau này giáo sư trường Chasseloup-Laubat) qua Algier du học.

Năm 1894, nghị định của bộ trưởng thuộc địa Pháp Delcassé đổi tên Bureaux du sécrétériat générale (Văn phòng tổng thư ký) thành Bureaux du sécrétariat du gouvernement (Văn phòng thư ký chính phủ) và thuộc quyền trực tiếp của phó soái Nam Kỳ (sau này là thống đốc).

Khi phó soái vắng mặt, toàn quyền Đông Dương có quyền đề nghị với tổng trưởng chỉ định người thay thế (Bulletin officiel du Ministère des colonies, L. Baudoin (Paris), Imprimerie nationale (Paris), 1894).

Năm 1900, đoàn ca tài tử Nguyễn Tống Triều ở Mỹ Tho được tài trợ từ Văn phòng thư ký chính phủ do ông Nguyễn Hữu Vang dẫn qua Paris để dự hội chợ Paris.

Dinh Thượng Thơ: Chứng tích trăm năm giữa Sài Gòn - Ảnh 3.

Dinh Thượng Thơ nay là trụ sở của 2 sở: Thông tin truyền - thông và Sở Công thương TP.HCM

Cấp tiền cho các lễ, hội

Một trong những nhiệm vụ của Văn phòng giám đốc nội vụ là báo cáo chi tiêu, thu nhập tài chính trong các bản tường trình hàng năm cho phó soái hay thống đốc và hội đồng quản hạt.

Các tập san báo cáo của văn phòng giám đốc nội vụ cho ta biết nhiều chi tiết về chi tiêu như bảo trì, bổ dụng, trợ cấp cho nhân viên, các hạt, tỉnh, sinh hoạt lễ lạc, hội chợ …

Ban đầu Văn phòng giám đốc đốc nội vụ tự thiết lập và quản lý nhà in chính phủ (Imprimerie imperiale sau là Imperimerie nationale) trên đường Route National (nay là Hai Bà Trưng). 

Nhưng sau này vì tốn kém nên nhà in đóng cửa và khoán lại cho tư nhân in ấn các Tạp chí Nam Kỳ (Bulletin de la Cochinchine) và các công báo.

Văn phòng giám đốc nội vụ ngoài ra còn cấp tiền cho các quận, hạt tổ chức hội trong các ngày lễ (theo Bulletin officiel de la Cochinchine française, Imprimerie nationale, Saigon 1863-1878). Trong các phiên họp của Hội đồng quản hạt, các bản báo cáo về tình hình tài chánh, kinh tế, thương mại, hành chánh ở Nam Kỳ đều phải có.

Dinh Thượng Thơ: Chứng tích trăm năm giữa Sài Gòn - Ảnh 4.

Dinh Thượng Thơ thời Pháp thuộc - Ảnh tư liệu

Nơi cấp bằng sáng chế ở Nam Kỳ

Như đã nói trên, đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Văn phòng giám đốc nội vụ được đổi tên là Sécrétariat du gouvernement de la Cochinchine, hàng năm báo cáo hoạt động của ban thư ký được ghi trong các số tập san vẫn còn lưu trữ ở thư viện quốc gia Pháp như sau: Bulletin du Secrétariat du gouvernement de la Cochinchine (Tập san ban thư ký chính phủ Nam Kỳ, 1891, 1905-1945), Bulletin administratif de la Cochinchine (Tập san hành chánh Nam Kỳ, 1902, Imprimerie coloniale)

Ngoài các báo cáo hoạt động của ban thư ký cho chính phủ Nam Kỳ còn có các báo cáo gởi cho toàn quyền Đông Dương được ghi trong báo cáo hằng năm của chính phủ Đông Dương, Bulletin officiel de l’Indochine française (Tập san chính thức của Đông Dương thuộc Pháp) như năm 1889, tập san được in ở nhà in Imprimerie coloniale, Saigon, có phần riêng về Nam Kỳ (Cochinchine) và Cam Bốt (Cambodia).

Ngoài ra Văn phòng ban thư ký chính phủ ở dinh Thượng Thơ cũng đảm nhiệm nhiệm vụ liên quan đến các luật nghị định ở Pháp.

Thí dụ nghị định ngày 13-3-1911 về cấp bằng sáng chế ở Đông Dương đặt cơ quan văn phòng ban thư ký chính phủ Nam Kỳ (dinh Thượng Thơ) là nơi cấp bằng sáng chế ở Nam Kỳ theo luật sáng chế ở chính quốc năm 1844 và 1902.

Các thí sinh học hàm thụ các trường ở Pháp, sau khi thi tốt nghiệp, bằng được gởi từ Pháp đến dinh Thượng Thơ, nơi đây sau khi đăng ký thí sinh đến nhận.

Trong thời chiến tranh Việt Pháp, dinh Thượng Thơ có một thời gian ngắn là dinh của chính phủ Nam Kỳ tự trị của thủ tướng Nguyễn Văn Thinh thành lập và sau 1954 là bộ nội vụ của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Và ngày nay là trụ sở của Sở Thông tin - truyền thông và Sở Công thương.

Dinh Thượng Thơ: Chứng tích trăm năm giữa Sài Gòn - Ảnh 5.

Bản đồ vị trí các cơ sở ở trung tâm Sài Gòn vào năm 1870, 1878 và 1882 cho thấy dinh Thượng Thơ hiện nay có vào khoảng năm 1882 - Nguồn: Tim Doling

Dinh Thượng Thơ được xây dựng khi nào?

Tòa nhà dinh Thượng Thơ từ năm 1865 đến 1891 thường được gọi là Hôtel de directeur de l'intérieur (Dinh giám đốc nội vụ). Trên bản đồ chi tiết trong trung tâm Sài Gòn cho thấy trước năm 1882, hình dáng tòa nhà rất khác với tòa nhà hiện nay.

Ngân sách chính phủ vào năm 1881 cho ta biết dinh Thượng Thơ được chính phủ trợ cấp tiền bảo trì và thắp sáng, trước khi đại trùng tu vào năm 1882.

Bản đồ vị trí các công sở ở trung tâm Sài Gòn vào các năm 1870, 1878 và 1882 cho ta biết tòa nhà dinh Thượng Thơ ở góc đường rue Catinat (Đồng Khởi) và rue de Lagrandière (Lý Tự Trọng) có hình dáng như tòa nhà dinh Thượng Thơ trong bản đồ năm 1882 (xem hình 1).

Như vậy tòa nhà dinh Thượng Thơ như ta biết ngày nay là chỉ có từ năm 1882 sau khi đã được xây cất lại.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, phương án tốt nhất với dinh Thượng Thơ là...

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Nguy cơ dinh Thượng Thơ bị đập bỏ:  Cần lắng nghe ý kiến của dân

TTO - Chỉ sau hơn 20 giờ Tuổi Trẻ Online thăm dò về 'phương án tốt nhất với dinh Thượng Thơ', đã có 2.020 bạn đọc bỏ phiếu đưa công trình này vào danh sách bảo tồn, 150 bạn đọc đồng ý với phương án chỉ nên cải tạo một số hạng mục...

NGUYỄN ĐỨC HIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên