Đây là lần đầu tiên Đảng ta quy định về các khái niệm: tiêu cực; vụ án tiêu cực; vụ việc tiêu cực; vụ án, vụ việc tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm... và quy định các hành vi nào là hành vi tiêu cực.
Công tác phòng chống tiêu cực phải gắn liền với phòng chống tham nhũng; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Về cơ bản, nội dung của các hành vi này đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định tại bản quy định những điều đảng viên không được làm. Đây cũng là những hành vi được tổng kết lại từ quá trình đấu tranh trong thực tế đối với các vi phạm thời gian qua, nhất là trong bối cảnh một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Việc quy định những hành vi này là rất cần thiết và là lời cảnh báo, mang tính răn đe để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức soi xét lại hành vi của mình để tránh những hành vi vi phạm.
Hướng dẫn cũng đã quy định "các hành vi tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp khác do Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định". Đây là quy định "mở" để tạo cơ sở cho Ban Chỉ đạo tổng kết thực tiễn, đánh giá mức độ, tính chất của các hành vi vi phạm để sửa đổi, bổ sung vào hướng dẫn trong thời gian tới.
Ban Chỉ đạo cũng đã xác định rõ nhiệm vụ trong thời gian tới là "ban hành, tham mưu ban hành các chủ trương, chính sách pháp luật, giải pháp phòng chống tiêu cực" để cụ thể hóa các hành vi tiêu cực nhằm quy định những "thước đo", các chuẩn mực cụ thể để đấu tranh phòng chống tiêu cực đạt hiệu quả.
Điều quan trọng là phải tổ chức phổ biến, học tập, quán triệt nội dung hướng dẫn của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý các vi phạm một cách kịp thời, nghiêm minh và công khai kết quả xử lý để răn đe các hành vi vi phạm.
Trong đó, cần quan tâm có cơ chế, phát huy và tạo điều kiện cho cả hệ thống chính trị tham gia kiểm tra, giám sát từ cơ sở và vai trò giám sát của đông đảo quần chúng nhân dân và báo chí, công luận, dư luận xã hội là những kênh giám sát quan trọng có hiệu quả, cần được quan tâm và đẩy mạnh. Có như vậy, các hành vi vi phạm mới được "lộ sáng", và sẽ được pháp luật, dư luận xã hội đánh giá, xử lý kịp thời và nghiêm minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận