Ngày 21-12, hội nghị "Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030" được Bộ VH-TT&DL tổ chức. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá thực trạng, tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy thể thao Việt Nam phát triển. Mục đích để tránh tụt hậu, tiếp cận gần hơn với thể thao đỉnh cao ở châu Á và thế giới.
Thành công ở SEA Games, bết bát ở Asiad, Olympic
Báo cáo tại hội nghị, ông Đặng Hà Việt - cục trưởng Cục TDTT - thẳng thắn nhìn nhận dù thể thao Việt Nam đứng đầu SEA Games 31, 32 nhưng thành tích ở Asiad, Olympic thiếu bền vững, chưa đáp ứng được mong đợi của người hâm mộ. Đây là lý do khiến những nhà quản lý, hoạch định chính sách thể thao phải nhìn lại và tìm hướng đi phù hợp cho thể thao nước nhà.
Gần đây nhất tại Asiad 19 diễn ra vào tháng 9 ở Hàng Châu, Trung Quốc, đoàn thể thao Việt Nam giành được 3 HCV, đứng thứ 6 Đông Nam Á, thứ 21 châu Á. Với kết quả này, đoàn Việt Nam đứng sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore. Trong khi đó tại SEA Games 31, SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam đều đứng vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương đại hội. Kết quả trên đấu trường Asiad đã khiến người yêu thể thao hết sức thất vọng.
Tại Olympic London 2012, thể thao Việt Nam có 18 VĐV vượt qua vòng loại và giành được 1 HCĐ. Tại Olympic Brazil 2016, 23 VĐV Việt Nam vượt qua vòng loại và giành 1 HCV, 1 HCB. Vậy nhưng đến Olympic Tokyo 2020, Việt Nam chỉ có 18 VĐV vượt qua vòng loại và không giành được huy chương nào.
Còn ít HCV ở các môn Olympic
Theo GS Lâm Quang Thành (nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT), chỉ có 35% HCV của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 đến từ môn Olympic. Trong khi đó của thể thao Singapore là hơn 70%.
Cục TDTT cho rằng có ba nguyên nhân khiến thành tích của thể thao Việt Nam tốt ở SEA Games nhưng bấp bênh, kém ở Asiad, Olympic là: sự cạnh tranh giữa các nền thể thao ngày càng quyết liệt trên mọi đấu trường. Đầu tư cho thể thao thành tích cao còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu giành thành tích cao ở cấp độ châu Á và thế giới. Thể lực và tầm vóc người Việt Nam thua kém.
Hiện đang có 22.000 VĐV năng khiếu các lứa tuổi tập luyện ở các tỉnh, thành, trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Theo thống kê, năm 2023 ngân sách nhà nước chi cho thể thao thành tích cao là 710 tỉ đồng. Thiếu kinh phí khiến cho việc tuyển chọn, đào tạo, thi đấu... không được như kỳ vọng. Ví dụ như môn bắn súng (môn thể thao được đầu tư hàng đầu tại Việt Nam), mỗi năm được cấp ngân sách 3,3 tỉ đồng trong khi nhu cầu thực tế cần từ 10 - 12 tỉ đồng.
Lương thấp, tiền ăn thiếu thốn, thiếu khoa học kỹ thuật công nghệ cao
Nhiều tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý đã được trình bày tại hội nghị phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030. Các ý kiến cũng cho thấy những khó khăn đang bày ra trước mắt các VĐV, HLV và ngành thể thao nhưng chưa có hướng giải quyết.
Đó là việc: tiền lương và chế độ đãi ngộ với VĐV, HLV quá thấp; thiếu HLV và chuyên gia giỏi; thiếu trang thiết bị tập luyện hiện đại theo chuẩn quốc tế; không có sự áp dụng của khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong tuyển chọn, đào tạo VĐV thể thao...
Cơ chế tiền lương, tiền ăn thấp là điều đang khiến các VĐV, HLV trăn trở nhất. Do thu nhập quá thấp, lao động nặng nhọc, nhiều rủi ro nên thể thao khó thu hút phụ huynh cho con em theo tập luyện. Với các VĐV đang tập luyện, do chế độ thấp khiến họ không có động lực lớn để phấn đấu.
Theo nghị định 152 quy định một số chế độ đối với VĐV, HLV trong quá trình tập huấn và thi đấu thì lương trung bình của HLV đội tuyển quốc gia được hưởng vào khoảng 13,1 triệu đồng/người/tháng. HLV đội trẻ quốc gia được hưởng 9,7 triệu đồng/người/tháng.
Với VĐV đội tuyển quốc gia, họ được hưởng lương 270.000 đồng/người/ngày. Trừ đi những ngày nghỉ trong tháng, mức lương mà một VĐV đội tuyển quốc gia được nhận trung bình từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Ngay cả những VĐV hàng đầu của thể thao Việt Nam như: Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Phạm Quang Huy (bắn súng), Nguyễn Văn Khánh Phong (thể dục dụng cụ)... số tiền lương mỗi tháng họ được nhận ở đội tuyển quốc gia cũng tương tự, không có sự khác biệt nào so với các VĐV khác.
Về tiền ăn, theo thông tư 86 của Bộ Tài chính, VĐV đội tuyển quốc gia được hưởng chế độ tiền ăn 320.000 đồng/người/ngày. VĐV đội tuyển tỉnh được hưởng chế độ 240.000 đồng/người/ngày. VĐV đội trẻ tỉnh, thành được hưởng chế độ dinh dưỡng 200.000 đồng/người/ngày.
Các VĐV được triệu tập vào đội tuyển quốc gia dự SEA Games, Asiad, Olympic sẽ được hưởng chế độ tiền ăn 480.000 đồng/người/ngày, trong thời gian không quá 90 ngày. VĐV có khả năng giành HCV Asiad, HCV Olympic trẻ, đạt chuẩn tham dự Olympic sẽ được hưởng chế độ 640.000 đồng/người/ngày.
Tiền ăn cho VĐV được đánh giá là thấp, khiến VĐV thiếu dinh dưỡng, thực phẩm hỗ trợ để đáp ứng được nhu cầu tập luyện cường độ cao.
Chọn SEA Games hay Asiad, Olympic?
Theo báo cáo của Cục TDTT, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành từ 15 - 18 suất tham dự Olympic Paris 2024, trên 20 suất tham dự Olympic 2028. Ở đấu trường Asiad, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành từ 5 - 6 HCV tại Asiad 2026, từ 7 - 8 HCV tại Asiad 2030. Đặt mục tiêu đứng trong top 3 SEA Games 2025, 2027, 2029.
Ngành thể thao hy vọng sẽ được Nhà nước đầu tư từ 800 - 850 tỉ đồng/năm cho thể thao thành tích cao trong giai đoạn 2024 - 2026. Trong giai đoạn 2026 - 2030 cần 850 - 900 tỉ đồng/năm. Trong đó, một phần số tiền này sẽ dùng để đầu tư trọng điểm cho khoảng 30 VĐV xuất sắc có khả năng tranh chấp HCV Asiad và chuẩn Olympic ở 5 - 6 môn.
Chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh (nguyên trưởng đoàn thể thao Việt Nam) khẳng định những năm qua chúng ta đã quá tập trung, say sưa với SEA Games mà đầu tư không đủ cho Asiad, Olympic. Trong điều kiện nguồn lực thiếu, bộ cần xác định rõ tập trung vào đấu trường nào là chính. Chọn SEA Games hay Asiad, Olympic? Phải trả lời cho được câu hỏi này bởi để một VĐV có thành tích cần được đào tạo từ 10 - 12 năm, gian khổ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng - bộ trưởng Bộ VH-TT&DL - cho biết ngành thể thao phải dũng cảm thừa nhận thiếu sót, nghe lời thẳng thắn. Dù vậy không phê phán một chiều, tranh công đổ lỗi, tìm hướng đi cho thể thao Việt Nam. Trong thời gian tới, Cục TDTT sớm xây dựng kế hoạch tập trung nâng tầm thể thao Việt Nam ở đấu trường Asiad, Olympic.
Chuyên gia giỏi không đến Việt Nam vì lương thấp
Một trong những rào cản khiến thể thao Việt Nam không phát triển được chính là việc thiếu HLV nội giỏi, không có chuyên gia nước ngoài đạt trình độ cao. Theo thống kê của Cục TDTT, từ năm 2018 đến nay, trung bình mỗi năm cục thuê từ 28 - 30 chuyên gia nước ngoài huấn luyện cho các đội tuyển quốc gia.
Mức lương trung bình của các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam dao động chủ yếu từ 2.500 - 3.000 USD/năm. Đây là mức lương rất thấp đối với lao động nước ngoài có trình độ đại học và 3 năm kinh nghiệm chuyên môn trở lên so với Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia.
Ngành thể thao và các liên đoàn quốc gia hiện không có đủ kinh phí thuê chuyên gia giỏi trên thế giới. Để có chuyên gia đủ tầm ở các môn (ngoài bóng đá), theo khảo sát, phải trả mức lương tối thiểu từ 8.000 USD/tháng trở lên. Lương thấp, điều kiện làm việc kém khiến cho thể thao Việt Nam không thu hút được chuyên gia giỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận