05/09/2024 14:30 GMT+7

Định hình thế hệ nhân tài công nghệ của Việt Nam trong tương lai

Từ mô hình robot chuột có thuật toán tự tìm đường, giải mã mê cung, tự tính toán quãng đường, các bạn trẻ đã đến gần hơn ước mơ sản xuất robot giao hàng và ô tô tự lái.

Robot giao hàng định hình sau một cuộc thi

Định hình thế hệ nhân tài công nghệ của Việt Nam trong tương lai - Ảnh 1.

Giây phút hồi hộp chờ robot tìm đường về đích

Ông Phạm Quyền Anh - giảng viên Trường đại học Duy Tân - chia sẻ ngay sau khi cùng các bạn sinh viên trẻ tham gia Cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ "Innovation Tech Challenge - 2024". Cuộc thi này nằm trong khuôn khổ dự án Phát triển nhân tài công nghệ - Samsung Innovation Campus năm học 2023 - 2024 (SIC 2023 -2024) vừa được tổng kết tại Hà Nội.

Ông Quyền Anh chia sẻ thử thách tại cuộc thi lần này khó khăn hơn cuộc thi lần thứ nhất rất nhiều. Nếu như mô hình robot năm thứ nhất do chính các bạn sinh viên điều khiển thì năm nay con "chuột" phải tự tìm đường đến đích, rồi tìm đường về hoàn toàn tự động.

Điểm khiến con chuột robot của DTU30 vượt mặt đối thủ là tính ổn định, khả năng tính toán và ghi nhớ được quãng đường nhanh nhất để di chuyển. "Quãng đường nhanh nhất trong mê cung thì chúng tôi không dám chắc, nhưng giải pháp của chúng tôi đưa ra được quãng đường ngắn nhất từ vị trí xuất phát đến đích trong phạm vi mà robot đã khám phá được" - ông Phạm Quyền Anh tiết lộ.

Đại học Duy Tân cũng là một trong hai nơi đặt trung tâm thực nghiệm SIC Lab của dự án Samsung Innovation Campus.

Ngay sau cuộc thi, bốn thành viên trẻ của đội phấn khởi trở về bắt tay vào dự án nghiên cứu robot giao hàng ở Đại học Duy Tân.

Định hình thế hệ nhân tài công nghệ của Việt Nam trong tương lai - Ảnh 2.

Hai lần gặp sự cố nhưng robot của đội Đại học Duy Tân xuất sắc giành giải nhất

Ở khối trung học phổ thông, đội thi Jerry của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vượt qua 10 đội thi khác giành giải nhất của cuộc thi. Robot của đội Jerry không chạy băng băng như nhiều robot khác, mà "điềm nhiên" về đích.

"Mới đầu các bạn học sinh thiết kế để robot chạy rất nhanh. Nhưng khi cho thiết bị chạy thử nghiệm trực tiếp ở cuộc thi thì xuất hiện lỗi. Với kiểu thiết bị này, lỗi một chút sẽ dẫn đến "sai một ly đi một dặm" nên các bạn ấy đã thống nhất phương án "chậm mà chắc", thầy giáo Nguyễn Thanh Tùng - giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho hay.

Thầy Tùng cho biết thêm đây là năm đầu tiên các bạn học sinh của trường tham gia cuộc thi này. Năm học 2023 - 2024, trường được lựa chọn tham gia khóa học của SIC. Trong số các học viên đặc biệt này, thầy Tùng chọn các bạn đủ tiêu chí và thêm một vòng phỏng vấn để lựa chọn được 4 bạn phù hợp nhất. Hai bạn có thế mạnh về phần cứng và hai bạn mạnh về lập trình. Thầy trò hào hứng chuẩn bị từ rất sớm, say sưa với lập trình robot quên cả ngày nghỉ.

"Trường chúng tôi có một số câu lạc bộ robot và STEM rồi, tôi cũng chủ nhiệm một câu lạc bộ về lập trình - thầy Tùng nói - Trước giờ tôi cũng mới cho các con tham gia về lập trình thôi, chưa làm về robot nhiều. Trong năm học tới, tôi sẽ mở rộng cho các con trải nghiệm nhiều hơn về robot, như vậy sẽ thực tế và bổ ích hơn nhiều".

Những gương mặt trẻ sẵn sàng với thách thức mới

Định hình thế hệ nhân tài công nghệ của Việt Nam trong tương lai - Ảnh 3.

Ông Choi Joo Ho, tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: VŨ TUẤN

Ông Choi Joo Ho, tổng giám đốc Samsung Việt Nam, không giấu được sự ngạc nhiên và vui mừng vì đây là những minh chứng sống cho chất lượng và tính hiệu quả từ các khóa học trong dự án.

"Hôm nay chúng ta đã trực tiếp thấy được hoạt động vô cùng đáng ngạc nhiên của những thiết bị robot do các em học sinh Việt Nam chế tạo nhờ áp dụng những công nghệ mới nhất như lập trình, trí tuệ nhân tạo, IoT, … giống như chúng ta đang nhìn một phiên bản thu nhỏ của chiếc ô tô tự hành vậy", ông Choi Joo Ho chia sẻ.

Dự án Phát triển nhân tài công nghệ - Samsung Innovation Campus năm học 2023 - 2024 được chính thức khởi động vào tháng 10- 2023. Dự án gồm bốn khóa học về Vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT), Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), Dữ liệu lớn (Big Data) và 1 khóa học kỹ năng Lập trình cơ bản (Coding & Programming - C&P).

Các khóa học được kết hợp giữa 2 hình thức đào tạo trực tuyến (E-Learning) và trực tiếp nhằm tiếp cận các em học sinh tại nhiều tỉnh thành và vùng miền trên cả nước. Cùng với các kiến thức chuyên môn, dự án còn cung cấp nội dung kỹ năng hướng nghiệp và kỹ năng mềm nhằm bổ trợ và nâng cao năng lực cho người học xuyên suốt chương trình.

SIC 2023-2024 cũng đã xây dựng 2 "SIC Lab" tại Đại học Duy Tân và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Tại đây, các học viên SIC sẽ có cơ hội học tập và thực hành, nghiên cứu trong điều kiện tốt nhất.

Định hình thế hệ nhân tài công nghệ của Việt Nam trong tương lai - Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc trao giải nhất cho đội Jerry - Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdams

Tại lễ tổng kết dự án SIC 2023-2024 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay bà thực sự ấn tượng vì dự án đã cống hiến trí tuệ, thời gian, công sức để xây dựng một chương trình đào tạo có hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị nguồn lực của đất nước trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0.

"Tôi tin rằng các bạn sẽ đồng quan điểm đối với tôi. Đó là những kiến thức, kỹ năng ngày hôm nay sẽ là hành trang để các bạn chinh phục những bước cao hơn, những thách thức lớn hơn trong thời gian tới - Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.

Là một trong những học viên tham gia chương trình, Nguyễn Đình Khánh Vy, sinh viên năm thứ 3 ngành công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông - Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho hay cô theo đuổi định hướng nghề nghiệp chuyên sâu về công nghệ "Vạn vật kết nối" (Internet of Things - IoT). Khánh Vy có cơ hội đặc biệt nghiên cứu, thực nghiệm IoT ở một trung tâm công nghệ danh tiếng như Samsung.

Khánh Vy đặc biệt ấn tượng với học phần về Raspberry Pi 4 Model B, một thiết bị mà trước đây cô chưa từng có cơ hội tiếp xúc. "Đây là trải nghiệm quý giá, giúp em mở rộng kiến thức và khả năng thực hành trong lĩnh vực IoT" - Khánh Vy bày tỏ.

Đến nay sau gần một năm thực hiện, dự án SIC 2023 - 2024 đã được triển khai tại 67 trường học, bao gồm các trường THCS, THPT và đại học ở 13 tỉnh thành trên cả nước và ghi nhận kết quả đột phá với gần 6.400 học viên tham gia - gần gấp đôi số lượng học viên trong dự án SIC 2022 - 2023, đã có gần 21.000 giờ học được giảng dạy tại 227 lớp học cùng với 16.320 giờ học E-learning đã được hoàn thành.

Dự án Samsung Innovation Campus được ra mắt chính thức trên toàn cầu vào năm 2019. Đây là một trong những chương trình trách nhiệm xã hội tiêu biểu của Samsung và đã mở rộng tới 36 quốc gia trên toàn thế giới như: Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Singapore, Malaysia, Thái Lan…

Tại Việt Nam, chương trình cũng được triển khai từ năm 2019. Đến nay, dự án đã mở rộng ra tại khoảng 90 trường học và 30 tỉnh thành trên toàn quốc, cung cấp cho hơn 12.000 thanh thiếu niên Việt Nam các khóa học như: C&P, AI, Big Data, IoT.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên