TTCT - Dinh dưỡng tốt giúp cơ thể của người đã khỏi bệnh COVID-19 xây đắp lại những tổn thương càng nhanh càng tốt. Người mới khỏi bệnh cần nhiều năng lượng, protein, vitamin và chất khoáng để đẩy nhanh tốc độ hồi phục, tăng cường miễn dịch và lấy lại thể lực, năng lượng, bên cạnh bảo đảm giấc ngủ và nghỉ ngơi. F0 được chăm sóc, ăn uống đầy đủ tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP.HCM). -Ảnh: DUYÊN PHAN Bất cứ ai từng chịu đựng tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 cùng với các căng thẳng đi kèm trong khoảng thời gian này, các than phiền thường gặp trong giai đoạn hồi phục là mệt mỏi, yếu ớt, thiếu năng lượng, mất cảm giác ngon miệng, giảm khối cơ, sụt cân... Con đường dẫn đến hồi phục hoàn toàn có thể rất mệt nhọc.Năng lượngĐủ năng lượng là cần thiết để giảm stress cho cơ thể. Nhờ có năng lượng, thức ăn được sử dụng để tái tạo sức khỏe. Ăn không đủ, bạn sẽ gây căng thẳng cho chính cơ thể mình do tình trạng dị hóa (thoái hóa). Người bệnh COVID-19 mới xuất viện nên tiêu thụ 35 - 45 kcal/1kg cân nặng. Một người nặng 60kg cần ăn vào 2.100 - 2.700 kcal. Con số này cần thiết để bù đắp các tiêu hao trong giai đoạn bệnh. Khi bạn đã khôi phục được cân nặng và khối cơ, có thể giảm lượng năng lượng ăn vào.Đây không phải là lúc áp dụng ăn kiêng để giảm cân. Một khi trở lại cân nặng trước bệnh, hoặc đạt cân nặng ổn định hợp lý nếu bạn thừa cân, hãy duy trì vừa đủ lượng calorie. Điều quan trọng là tập trung vào việc ăn uống để hỗ trợ phục hồi cơ thể, chức năng miễn dịch, lấy lại khối cơ. Năng lượng ăn vào nên chia đều cho các bữa ăn trong ngày, thay vì ăn một bữa ăn lớn còn các bữa khác thì ăn thiếu.Các điểm cần lưu ý để ăn vào đủ năng lượng: ăn ba bữa ăn chính và 2 - 3 bữa phụ trong ngày; uống nước hoặc thức uống khác vào cuối bữa ăn để tránh cảm giác no; chọn thức uống có năng lượng (sữa, nước trái cây) để đưa thêm năng lượng vào trong trường hợp bạn không ăn đủ; chọn các thức đậm đặc năng lượng.Sử dụng dầu oliu, bơ đậu và các loại chất béo tốt khác để tăng cung cấp năng lượng.ProteinViệc ăn đủ thực phẩm giàu protein cũng là nền tảng để xây dựng lại khối cơ. Nằm tại giường và bất động trong giai đoạn bệnh, sẽ giảm khối cơ, làm tổn thương chức năng miễn dịch, chức năng các cơ quan và kéo dài thời gian phục hồi. Các yếu tố ảnh hưởng đến lượng protein cần ăn vào mỗi ngày gồm tuổi, đặc điểm di truyền, hoạt động thể lực, chiều cao, cân nặng. Cần ăn vào 25 - 35g protein cho mỗi bữa ăn chính và 10 - 20g protein cho 2 - 3 bữa ăn phụ trong ngày. 100g thịt, cá có khoảng 15 - 25g protein tùy loại.Để hỗ trợ quá trình phục hồi cơ được tốt hơn, nên ăn protein đều trong các bữa ăn thay vì ăn lượng lớn protein trong một bữa, vì vậy hãy bảo đảm mỗi bữa ăn đều có thành phần protein. Ăn đủ protein, kết hợp tập luyện thể lực giúp cải thiện sức cơ theo thời gian. Bạn nên phối hợp tập sức mạnh cơ (để tăng khối cơ) với tập tim mạch (cần thiết cho sức bền, sức khỏe tim, phổi).Các chất dinh dưỡng hỗ trợ hệ miễn dịchHiện có rất nhiều sản phẩm được tiếp thị là có khả năng “tăng cường” hệ miễn dịch. Thực ra hệ miễn dịch không thể được “tăng cường”, nó chỉ đang hoạt động tốt hoặc bị ức chế ở các mức độ (như hóa trị, thuốc ức chế miễn dịch, bệnh tự miễn). Bạn đừng trở thành con mồi cho những người bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc.Vitamin CVitamin C có trong nhiều loại rau và trái cây. Bạn nên sử dụng vitamin C cùng với bữa ăn để bảo đảm cơ thể được cung cấp đều trong ngày bằng cách kết hợp các loại rau, trái cây với các bữa ăn. Lượng khuyến nghị là 95mg ở nam và 75mg ở nữ/ngày. Nếu bạn hút thuốc hoặc tập luyện thường xuyên, cần bổ sung thêm 35mg nữa.Một số bằng chứng cho thấy có thể dùng 200 - 500mg mỗi ngày từ thức ăn (hoặc sản phẩm bổ sung) để bảo đảm các mô có đủ vitamin C và được xem là an toàn. Nhưng mức độ hấp thu sẽ giảm nếu dùng vitamin C bổ sung liều cao hơn 1.000mg, gây khó chịu đường tiêu hóa: tiêu chảy, buồn nôn, đau quặn bụng...KẽmLà chất khoáng cần thiết cho hoạt động miễn dịch. Thiếu kẽm tăng nguy cơ nhiễm trùng nhưng thừa kẽm cũng ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch, gây thiếu đồng, giảm cholesterol (tốt) trong HDL, làm giảm hiệu lực của một số thuốc như kháng sinh. Triệu chứng thiếu kẽm gồm tổn thương chức năng miễn dịch, rụng tóc, tiêu chảy, bất thường vị giác, bất lực, chậm lành vết thương. Lượng khuyến nghị ở người lớn là 11mg với nam, 8mg với nữ/ngày. Một viên bổ sung đa vitamin/chất khoáng cung cấp khoảng 5 - 10mg. Đối với người thiếu kẽm, có thể bổ sung 20 - 40mg kẽm/ngày trong 2 tuần.Khi dùng kẽm bổ sung tránh dùng với sữa hoặc thức ăn nhiều xơ do chúng can thiệp vào sự hấp thu kẽm. Các thuốc làm giảm acid dạ dày (omeprazole, famotidine...), điều trị tăng huyết áp như ức chế men chuyển, lợi tiểu thiazide có thể làm tăng nhu cầu kẽm. Người ăn chay cần tăng 50% lượng kẽm do các phytate và chất xơ trong thực phẩm thực vật có thể can thiệp hấp thu kẽm. Uống rượu quá nhiều cũng ảnh hưởng đến hấp thu kẽm.Vitamin DVitamin D còn là một hormon và tham gia vào chức năng nhiều hệ cơ quan khác nhau, từ sức khỏe xương đến chức năng cơ, cả hệ miễn dịch. Cơ thể chúng ta có thể tổng hợp được vitamin D ở da nhờ ánh sáng cực tím từ mặt trời. Chúng ta nên ra ngoài trời ít nhất 3 lần/tuần trong 30 phút, bộc lộ bàn tay, cánh tay, chân và mặt. Càng lớn tuổi, khả năng chuyển vitamin D từ mặt trời thành dạng hoạt động cũng giảm. Người thừa cân, béo phì có nồng độ vitamin D trong máu thấp. Lượng vitamin khuyến nghị mỗi ngày là 600 IU (15µg) ở tuổi 1 - 70, và 800 IU (20µg) từ 71 tuổi trở lên.Vitamin D có trong một số thực phẩm nhưng nguồn thực phẩm có vitamin D rất hạn chế. Người làm việc trong nhà cần bổ sung 400 - 800 IU/ngày. Nếu nồng độ vitamn D trong máu thấp cần bổ sung 1.000 - 2.000 IU/ngày, nhưng cần thầy thuốc theo dõi. Không nên dùng trên 2.000 IU mỗi ngày do nguy cơ biến chứng, trừ khi có chỉ định của thầy thuốc. Nên dùng vitamin với thức ăn, ưu tiên bữa ăn có chất béo vì sẽ hỗ trợ hấp thu. Có thể dùng một lần mà không chia nhỏ liều. Cả vitamin D2 hoặc D3 đều sử dụng được, tuy nhiên vitamin D3 hấp thu tốt hơn. Các thuốc steroid như prednisone có thể làm giảm chuyển hóa canxi, vitamin D. Ông Cao Hữu Phước (57 tuổi) được xuất viện sau 11 ngày điều trị tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Phú Nhuận (TP.HCM). Ông cho biết vì triệu chứng nhẹ nên không ảnh hưởng đến việc ăn uống. Ảnh: DUYÊN PHAN Sức khỏe đường ruột và pre/probioticCùng với da, đường ruột là hàng rào đầu tiên bảo vệ chống lại các tác nhân nhiễm khuẩn. Sức khỏe đường ruột liên quan đến đặc điểm di truyền, thức ăn, thuốc, môi trường. Càng lớn tuổi, cơ thể càng khó khăn trong việc duy trì môi trường khỏe mạnh cho đường ruột. Probiotic là các vi sinh vật tốt đối với sức khỏe đường ruột. Có nhiều chủng probiotic, tác dụng làm giảm nguy cơ tiêu chảy, táo bón, nhiễm trùng hô hấp trên... như lactobacillus, bifidobacterium, Saccharomyces boulardii... Probiotic có nhiều trong thức ăn lên men như sữa chua, dưa chua, kim chi...Prebiotic là thức ăn cho probiotic, có từ trái cây, rau, đậu, ngũ cốc nguyên. Ăn các thực phẩm này giúp đường tiêu hóa, hệ miễn dịch khỏe mạnh. Việc bổ sung probiotic có thể có ích hoặc không, do có quá nhiều chủng khác nhau và cũng khó biết nên dùng loại nào. Người có cơ địa ức chế miễn dịch, việc dùng bổ sung probiotic còn có hại, nên dùng thức ăn có pre và probiotic.Acid béo omega-3Các acid béo omega-3 giúp ngăn ngừa hiện tượng viêm quá mức. Khi bạn hồi phục, cơ thể đang trải qua mức độ viêm đáng kể do phải chiến đấu với tình trạng nhiễm virus. Việc sử dụng thức ăn có omega-3 mang lại lợi ích. Có 3 loại acid béo omega-3. Acid alpha-linolenic (ALA) có trong thực vật như hạt lanh, hạt chia, hạnh nhân...ALA có thể chuyển thành EPA (acid eicosatetraenoic) và DHA (acid docosahexaenoic), nhưng mức độ thế nào thì chưa rõ. Lượng khuyến nghị của ALA ở nữ là 1,1g và ở nam là 1,6g.EPA và DHA là các chất béo quan trọng nhất để duy trì sức khỏe não bộ, thúc đẩy quá trình chống viêm trong cơ thể. Hai acid béo này có nhiều trong cá có mỡ và động vật có vỏ (tôm, cua...). Lượng EPA và DHA được khuyến nghị ở người lớn ít nhất 500mg/ngày. Các khuyến cáo về dinh dưỡng hướng đến tiêu thụ cá có mỡ 2 lần/tuần, ăn với các loại hạt nhiều lần trong tuần. Các acid béo omega-3 có trong các loại thức ăn bổ sung: sữa chua, sữa, sản phẩm từ sữa... Không tiêu thụ quá 3g EPA và DHA phối hợp mỗi ngày (tối đa 2g từ các sản phẩm bổ sung) do dùng lượng nhiều có thể gây chảy máu (nhất là khi bạn đang dùng kháng đông) và có thể ức chế hệ miễn dịch.NướcỞ người cao tuổi, khi bị bệnh và khi vị giác giảm, cảm giác khát không còn chính xác khiến chúng ta có thể uống không đủ nước. Do đó bạn cần ghi nhận và lên kế hoạch cho lượng nước uống trong ngày. Nên uống nước đều trong ngày thay vì uống lượng lớn vào một lần. Nước uống vào gồm nước lọc, sữa, thức uống giải khát, canh, xúp... Nếu bạn đi tiểu mỗi 3 - 4 giờ và lượng nước tiểu đủ, như vậy bạn đang uống đủ nước. Nếu nước tiểu vàng sậm và đặc, lượng nước uống chưa đủ và bạn cần uống thêm. Nếu bạn có tiêu chảy hoặc ói, cần uống thêm nước để bù vào lượng mất. Tags: Dinh dưỡngFONgười sau bệnh covid-19Chăm sóc FO sau bệnhNạp năng lượng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).