Trong điều trị tiêu chảy, điều quan trọng nhất là tránh mất nước, nhanh chóng điều trị mất nước và chú ý chế độ ăn của trẻ.
Để phòng mất nước khi trẻ bị tiêu chảy thì cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường với các loại nước như: Oresol, nước đun sôi để nguội, cháo, nước cháo muối, nước gạo rang, nước cơm...
Chế độ ăn của trẻ khi bị tiêu chảy là vấn đề rất quan trọng để đề phòng trẻ bị sút cân và không bị suy dinh dưỡng.
Các loại thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy
- Gạo (bột gạo), khoai tây.
- Thịt gà nạc, thịt lợn nạc, sữa đậu nành.
- Dầu ăn.
- Cà rốt, hồng xiêm, chuối.
Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ: vẫn tiếp tục cho trẻ bú bình thường và tăng số lần bú.
Trẻ trên 6 tháng tuổi: ngoài sữa mẹ cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và từng ít một các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như: thịt trứng, cá, sữa... và cần cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần. Thức ăn cần mềm, nấu kỹ, nấu loãng hơn bình thường và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bào vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm. Nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã được nấu sẵn thì cần phải đun lại trước khi cho ăn. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả chín như chuối, cam, chanh, xoài, đu đủ... để tăng lượng kali.
Một số loại thực phẩm và đồ uống nên tránh khi trẻ bị tiêu chảy
- Không dùng các loại nước giải khát công nghiệp vì chúng có thể làm tăng tiêu chảy.
- Tránh các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như các loại rau thô, tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ...) khó tiêu hóa.
- Không dùng các loại thức ăn có nhiều đường vì những loại thức ăn này có thể làm tiêu chảy nặng hơn.
- Cần khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt. Trẻ nhỏ cho ăn 6 lần/ngày hoặc nhiều hơn.
- Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp cho trẻ phục hồi nhanh và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa trong hai tuần liền. Với trẻ bị tiêu chảy kéo dài thì phải cho trẻ ăn thêm mỗi ngày một bữa, tối thiểu trong một tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận