Bệnh nhân F0 nhận thức ăn tại Bệnh viện dã chiến quận Phú Nhuận - Ảnh: DUYÊN PHAN
ThS.BS Bùi Phạm Minh Mẫn và BS Dương Phan Nguyên Đức, Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3 TP.HCM, cho biết hội chứng hậu COVID-19 là hậu quả của việc nhiễm COVID-19, diễn ra sau khi nhiễm virus này từ 4 tuần trở lên, các triệu chứng thường gặp nhất là khó thở, mệt mỏi, đau nhức cơ...
Chế độ dinh dưỡng được xem là có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống miễn dịch và do đó có thể được xem như một biện pháp hỗ trợ trong điều trị hội chứng hậu nhiễm COVID-19.
1. Người cao tuổi sau nhiễm COVID-19 cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng các nhóm chất đường, đạm, béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Các phản ứng miễn dịch trong cơ thể để chống lại COVID-19 đã tiêu tốn của cơ thể rất nhiều chất dinh dưỡng, vì vậy cần phải cung cấp đầy đủ những chất này trong khẩu phần ăn.
2. Ở người cao tuổi, hệ tiêu hóa hoạt động kém hơn, kèm theo các biểu hiện mệt mỏi, mất vị giác và khứu giác trong khi nhiễm cũng như sau nhiễm COVID-19, ngoài ra còn do tác dụng phụ của một số thuốc điều trị COVID-19 làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa khiến người bệnh chán ăn, đầy bụng, ăn không ngon. Do đó, nên hạn chế sử dụng các thức ăn nhiều dầu mỡ, nhất là các loại thức ăn chiên, xào.
3. Đối với việc bổ sung vitamin và các chất vi lượng, các nghiên cứu hiện tại vẫn còn chưa thống nhất về lợi ích của việc bổ sung các chất này dưới dạng thuốc. Do đó, người bệnh nên sử dụng nhiều rau xanh và các loại trái cây.
Ví dụ, những loại rau có màu xanh đậm như rau chân vịt, bắp cải, bông cải xanh... cung cấp nhiều vitamin loại C, A, B, K và nhiều chất khoáng như sắt, kẽm, canxi... Ngoài vitamin và khoáng chất, các loại rau củ quả còn cung cấp một lượng chất xơ lớn giúp hỗ trợ tiêu hóa.
Sữa cũng là một nguồn cung cấp vitamin D và canxi dồi dào, tuy nhiên do sữa chứa nhiều đạm có thể gây khó tiêu, do đó chỉ nên uống khoảng 300 - 500ml sữa mỗi ngày, tương đương với 1 - 2 ly sữa.
4. Các triệu chứng sốt và tiêu chảy khi nhiễm COVID-19 gây ra tình trạng mất nước cho cơ thể. Tuy nhiên, ở người cao tuổi cảm giác khát bị suy giảm dẫn đến khó khăn trong việc nhận biết tình trạng thiếu nước.
Do đó, cần cung cấp ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để duy trì trạng thái cơ thể bình thường. Lượng nước này có thể đến từ các nguồn bên cạnh nước lọc như nước ép trái cây, nước canh...
5. Đối với những bệnh nền kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mãn, cần tiếp tục duy trì chế độ dinh dưỡng để kiểm soát các bệnh này theo như hướng dẫn trước đây.
6. Một số loại gia vị có thể được bổ sung vào bữa ăn như tỏi, gừng, chanh, nghệ... để hỗ trợ tiêu hóa, kích thích vị giác.
7. Nếu các triệu chứng hậu COVID-19 nhẹ, người bệnh có thể sử dụng các thực phẩm đã kể trên kết hợp một số phương pháp như tập dưỡng sinh, luyện thở... để dần dần hồi phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận