Tuy nhiên, khâu triển khai chắc chắn gặp rất nhiều thách thức.
Vì môi trường số văn minh hơn
Ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS, cho biết thực tế người dùng Việt đang thực hiện qua mạng ngày càng nhiều hơn hoạt động mua hàng, thanh toán các loại phí dịch vụ... hoặc đơn giản chỉ là mượn, trả tiền, trao đổi công việc, hỏi thăm nhau qua mạng... Khi đó, việc xác thực một cá nhân cụ thể được chuyển đổi từ gặp mặt trực tiếp sang tài khoản mạng xã hội hoặc số điện thoại, email...
Do đó, theo ông Sơn, việc định danh các tài khoản số bao gồm các tài khoản mạng xã hội, mạng chia sẻ, mạng OTT và các dịch vụ online khác là rất cần thiết vì một môi trường mạng lành mạnh, văn minh, giống như đời sống thực. Đồng thời, "Việc quản lý, định danh các tài khoản số sẽ giúp hệ thống luật pháp được áp dụng một cách thống nhất, bình đẳng, không phân biệt đời thực hay trên mạng.
Từ đó góp phần loại bỏ các nội dung xấu, sai trái, vi phạm pháp luật hoặc gây hại cho xã hội trên không gian mạng. Nó giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi tham gia không gian mạng", ông Sơn nhận định.
Với thực trạng các vấn nạn lừa đảo, tin giả ngày càng xuất hiện tràn lan và hoành hành trên không gian mạng Việt Nam hiện nay, gây thiệt hại không nhỏ về vật chất lẫn mất niềm tin của nhiều người dân, chuyên gia truyền thông Dy Khoa cho rằng: "Chủ trương định danh tài khoản trên mạng xã hội là rất đáng hoan nghênh và chắc chắn tất cả người dân Việt Nam sẽ ủng hộ".
Bên cạnh lừa đảo và tin giả, ông Khoa còn cho rằng định danh tài khoản sẽ giúp hạn chế các chiêu trò câu kéo người dùng trên mạng xã hội.
"Trong chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội hiện đa số sử dụng chiêu thức seeding (thả bình luận mồi) nhằm kéo tương tác. Các tài khoản này chắc chắn do nhân viên của doanh nghiệp tạo ra. Những người trong ngành đều biết họ là ai nhưng tên hiển thị không phải tên thật. Vậy nếu yêu cầu định danh tất cả tài khoản sẽ giúp hạn chế các chiêu trò câu kéo người dùng trên nền tảng đó", ông Khoa cho biết.
Thách thức không hề nhỏ
Về phía người dùng, theo ông Trần Viết Quân, nhà sáng lập kiêm giám đốc dịch vụ chuyển đổi số Tanca.io, các mạng xã hội là nơi cung cấp dịch vụ, người dùng có thể được xem là khách hàng hoặc người sử dụng. Người dùng có quyền lựa chọn việc dùng hay không hoặc cung cấp thông tin mà họ cho rằng là hợp lý.
"Nếu các mạng xã hội yêu cầu buộc người dùng cung cấp nhiều thông tin cá nhân, họ chỉ có lựa chọn là dùng tiếp hoặc dừng. Nếu dùng tiếp họ có thể chấp nhận việc các thông tin này có thể được sử dụng theo thỏa thuận với mạng xã hội hoặc nguy cơ dữ liệu cá nhân được sử dụng cho bên thứ ba hoặc bị lộ lọt do hack", ông Quân phân tích.
Với các mạng xã hội vốn kiếm doanh thu từ hoạt động khai thác quảng cáo, ông Quân cho rằng: "Nếu buộc người dùng cung cấp nhiều thông tin không hợp lý, mạng xã hội hay ứng dụng OTT có thể mất số lượng người dùng lớn và có thể ảnh hưởng mô hình kinh doanh. Ngoài ra chưa rõ việc định danh cá nhân ở mức độ nào để định hình ra tính phức tạp. Việc xác thực định danh eKYC (giải pháp định danh xác thực khách hàng điện tử) tương tự như ngân hàng hay tổ chức tài chính là vấn đề không đơn giản với mạng xã hội, nơi có hàng trăm triệu người dùng".
Chưa hết, theo ông Vũ Ngọc Sơn, các nền tảng xuyên biên giới phục vụ người dùng trên toàn cầu. Do đó sẽ rất khó để các nền tảng này tuân theo một quy định riêng nếu nó không phải là một tiêu chuẩn được thừa nhận trên toàn cầu. "Điều này đòi hỏi các quy định, luật pháp liên quan của Việt Nam cũng cần chú ý đến tính phù hợp với các thông lệ quốc tế, các hiệp ước đa phương, song phương mà Việt Nam đã tham gia", ông Sơn chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Sơn còn cho biết hiện nay nhiều nền tảng đang sử dụng định danh thông qua tài khoản của một dịch vụ khác. Ví dụ như tài khoản mạng xã hội Facebook được lập thông qua email của Google, tài khoản game được lập thông qua nick Facebook...
"Việc chồng chéo này sẽ rất khó khăn khi chỉ cần một trong chuỗi các nền tảng liên quan không tuân thủ yêu cầu thì tính định danh sẽ bị phá vỡ", ông Sơn cho biết.
Nhiều nơi muốn định danh người dùng mạng xã hội
Vào đầu tháng 4 vừa qua, Hạ viện của cơ quan lập pháp tiểu bang Arkansas (Mỹ) đã thông qua dự luật cấp tiểu bang yêu cầu người dùng mạng xã hội chứng minh bản thân phải đủ 18 tuổi trở lên. Theo báo Arkansas Times, dự luật này nhằm mục đích bảo vệ trẻ vị thành niên khỏi tác hại của mạng xã hội. Những người trẻ tuổi có thể sử dụng các nền tảng, nhưng chỉ khi được cha mẹ đồng ý.
Vào tháng 4-2021, Chính phủ Úc đã cân nhắc việc yêu cầu người dân cung cấp 100 điểm nhận dạng để đăng ký tài khoản trên mạng xã hội. Theo báo Sydney Morning Herald, biện pháp này là một trong 88 khuyến nghị được đưa ra trong một báo cáo của ủy ban quốc hội liên bang nhằm giảm bạo lực gia đình và bạo lực tình dục. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ ngăn người dùng sử dụng tài khoản ẩn danh để lạm dụng và quấy rối người khác.
Nửa năm sau đó, trang web của Thượng viện Pháp đã công bố một dự luật mới đề xuất thành lập một cơ quan giám sát độc lập, chịu trách nhiệm thu thập danh tính người dùng khi họ đăng ký với các nền tảng trực tuyến.
Theo Thượng nghị sĩ Đảng Bảo thủ Pháp Alain Cadec, dự luật mới được kỳ vọng sẽ ngăn chặn nạn bắt nạt trên mạng gia tăng và giúp việc truy tố những kẻ phạm tội trở nên dễ dàng hơn. Đề xuất này cho rằng khi cung cấp căn cước công dân để đăng ký tài khoản, người dùng biết rằng họ có thể được xác định danh tính nhanh chóng và do đó e ngại làm những hành vi phạm pháp.
NGUYÊN HẠNH
Sẽ ngăn được lừa đảo, bát nháo?
Bạn đọc Tuổi Trẻ Online có nhiều ý kiến bàn luận về đề xuất tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh, áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok... và mạng xã hội trong nước.
Bạn đọc Mr Nam hoan nghênh đề xuất rất hữu ích. Phải quản lý mạng xã hội, đừng để náo loạn như cái chợ, đặc biệt là tài khoản của người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng vô tội vạ. Bạn đọc Thu Thảo "đề nghị cần phải làm quyết liệt, nghiêm khắc để bớt rác mạng".
Theo bạn đọc Rose Phuc, định danh tài khoản mạng xã hội sẽ ngăn được tài khoản có nội dung độc hại, lừa đảo. "Việc này đáng ra phải được làm từ lâu rồi mới phải. Tuy nhiên, nay cũng chưa muộn và nên làm càng sớm càng tốt nhằm hạn chế sự bát nháo hiện nay trên các nền tảng mạng xã hội" - bạn đọc Tuan Le có ý kiến.
Trong khi đó bạn đọc Mike cho rằng định danh tài khoản mạng xã hội là điều nên làm, nếu như thông tin cá nhân được bảo mật an toàn. Phải chấm dứt tình trạng thông tin cá nhân được rao bán cho môi giới nhà đất, quảng cáo rác... như hiện nay thì người dùng mới đồng thuận khai báo định danh tài khoản mạng xã hội.
"Tài khoản mạng xã hội cần phải được định danh, nhưng vẫn không thể dẹp hết tài khoản ảo. Ngoài ra không thể không lo lắng việc trộm cắp thông tin từ tài khoản mạng xã hội đã được định danh" - một bạn đọc khác băn khoăn.
E ngại về tính khả thi của đề xuất trên, bạn đọc Vân Quân đề nghị cơ quan hữu quan phải nghiên cứu kỹ hơn các giải pháp, vì người dùng có thể tạo tài khoản mạng xã hội từ nước ngoài để lách việc định danh trong nước. Khi đó việc mua bán tài khoản mạng xã hội sẽ bát nháo và cơ quan chức năng khó kiểm soát được!
Bạn đọc Vũ Nguyên gợi ý giải pháp có thể áp dụng ngay: "Chỉ cần quyết liệt định danh được số điện thoại thì mọi dữ liệu cá nhân sẽ được chuẩn hóa, trong đó có tài khoản mạng xã hội. Bởi tất cả dữ liệu số đều gắn với số điện thoại và bắt buộc các mạng xã hội thực hiện việc chuẩn hóa, sẽ bớt nhiêu khê hơn định danh từng tài khoản".
CÔNG DŨNG tổng hợp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận