TTCT - Mặc dù trí tuệ nhân tạo (AI) có thể trở thành một công cụ rất hiệu quả để tăng cường khả năng sáng tạo của con người và thúc đẩy thịnh vượng chung của xã hội, lợi ích đó sẽ không xảy ra trừ khi người lao động có tiếng nói về cách sử dụng nó. Ảnh: MediumCông nghệ phát triển thì năng suất lao động tăng, xã hội đi lên - có người sẽ cho rằng đây là điều tất yếu. Đúng vậy, nhưng không có nghĩa là điều đó sẽ tạo ra một xã hội thịnh vượng. Trái lại, nó có thể đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo. Một số nhỏ các ông chủ có thể tận dụng công nghệ AI để giảm chi phí, tăng lợi nhuận và một vài người nắm công nghệ AI tiên tiến trong tay sẽ hưởng lợi khổng lồ, song toàn bộ giá trị xã hội tạo ra sẽ ngày càng tập trung vào một số ít người mà thôi. Kết quả là, phân hóa giàu nghèo sẽ càng lớn so với hiện nay, một tác động tiêu cực ngoài dự kiến của những người sáng chế và áp dụng AI.Từ chuyện người viết đình côngTừ tháng 5-2023, các nhà biên kịch thuộc Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) với 11.500 thành viên, trải dài ở các mảng truyền hình, điện ảnh, talk show... đã tiến hành các đợt đình công. Sau 148 ngày, họ đã trở lại làm việc hôm27-9, khi WGA đã đạt được thỏa thuận lao động sơ bộ với Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình Mỹ (AMPTP) liên quan đến thu nhập và khả năng bị AI thay thế hay làm giảm thù lao.Trong khi đó, một cuộc đình công khác do các diễn viên điện ảnh tại Hollywood tiến hành từ giữa tháng 7, thông qua liên minh Hiệp hội Diễn viên màn ảnh - Liên đoàn Nghệ sĩ truyền hình và phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA), vẫn tiếp diễn vì AMPTP chưa đồng ý thương lượng với họ.Các cuộc đình công này xuất phát từ việc giới biên kịch lo sợ AI sẽ thay họ trong nhiều khâu viết kịch bản, trong khi giới diễn viên thì lo ngại các công ty giải trí đang định tạo ra những bản sao kỹ thuật số của họ và sử dụng vĩnh viễn.Daron Acemoglu, một ứng viên sáng giá của giải Nobel kinh tế trong tương lai và là tác giả của quyển sách nổi tiếng Tại sao các quốc gia thất bại?, cùng đồng nghiệp là giáo sư Simon Johnson và nhà nghiên cứu trẻ Austin Lentsch, đã dùng bối cảnh cuộc đình công của các biên kịch và diễn viên Mỹ để dẫn nhập vào một bài viết thú vị: "Cuộc chiến của các biên kịch Hollywood quanh vấn đề AI là cuộc chiến của mọi người".Theo nhóm nghiên cứu của ông Acemoglu, thịnh vượng cho cả xã hội chỉ có thể được tạo ra khi hai nguyên tắc cốt lõi sau được thỏa mãn. Đầu tiên, sự ứng dụng của AI trong việc thay đổi tiến trình sản xuất sẽ tạo ra nhiều việc làm mới cần tới con người. Một ví dụ là sự thay đổi trong ngành ô tô đã tạo ra rất nhiều việc làm mới sau khi những sáng kiến tự động hóa của Henry Ford được áp dụng. Năm 1899, ngành công nghiệp ô tô của Mỹ chỉ sản xuất ra khoảng 2.500 chiếc xe và thuê mướn vài nghìn công nhân. Đến năm 1929, Ford và General Motors mỗi hãng sản xuất 1,5 triệu ô tô mỗi năm và ngành này đã sử dụng hơn 400.000 người, gấp vài trăm lần của năm 1899.Trụ cột thứ hai là khả năng thương lượng của người lao động. Thịnh vượng cho toàn xã hội chỉ đạt được khi cả người sử dụng lao động và người lao động đều được hưởng lợi từ việc tăng năng suất. Acemoglu và các đồng tác giả cho rằng "trong vài thập niên, sự cân bằng mới phát triển giữa quản lý và công nhân trong ngành sản xuất ô tô đã góp phần làm tăng tiền lương nhanh chóng".Tóm tắt bài viết, họ nhận định "Tất cả những người lao động tri thức nên hy vọng rằng các nhà văn nổi tiếng của Hollywood thành công trong việc ngăn chặn các hãng phim tự động hóa phần lớn công việc họ làm. Mặc dù AI có thể trở thành một công cụ rất hiệu quả để tăng cường khả năng sáng tạo của con người và thúc đẩy thịnh vượng chung của xã hội, lợi ích đó sẽ không xảy ra trừ khi người lao động có tiếng nói về cách sử dụng nó".Hiểu nôm na, nếu các ông chủ và những người nắm giữ công nghệ AI có thể tùy thích làm bất cứ cái gì với công nghệ AI trong tay của họ, lợi ích sẽ đặc biệt mất cân bằng và những ông chủ sẽ lấy hết lợi ích. Không chỉ như vậy, lợi ích tổng thể của nền kinh tế cũng có thể bị ảnh hưởng.Thành viên WGA tại một buổi biểu tình. Ảnh: Getty ImagesAi giàu, ai nghèo vì AI?Một nhà kinh tế học khác là Dani Rodrik cũng đã cảnh báo công nghệ mới chưa hẳn là làm tăng năng suất toàn xã hội. Ông cho rằng trong khi một số doanh nghiệp lớn sẽ tận dụng được đột phá trong công nghệ để trở nên hiệu quả và giàu có hơn, họ lại chiếm tỉ trọng ngày càng nhỏ trong việc tạo ra việc làm mới cho lực lượng lao động của nền kinh tế.Trong khi đó, phần còn lại của nền kinh tế, mà đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sẽ ngày càng trở nên kém hiệu quả hơn vì không tiếp cận được với công nghệ mới. Kết quả cuối cùng là khu vực doanh nghiệp nhỏ sẽ ngày càng trở nên yếu kém hơn.Theo lý luận của ông Rodrik, đột phá công nghệ có thể dẫn đến nhiều doanh nghiệp nhỏ sụp đổ vì khả năng cạnh tranh ngày càng yếu. Đi cùng với sự sụp đổ của họ là nhiều việc làm của nhân công kỹ năng thấp, không theo kịp nhu cầu đổi mới.Nói cách khác, cả ông Rodrik và nhóm nghiên cứu của ông Acemoglu đều đã chỉ ra những vấn đề tương tự nhau: khả năng xảy ra một kịch bản là một số rất ít người sẽ hưởng hết các giá trị do những đột phá của việc tự động hóa nhiều công việc qua AI và số còn lại thì sẽ nghèo đi.Điều thú vị là song song với thời điểm mà một số biên kịch đang thương lượng để có thể có thu nhập trên mức nghèo ở một số thành phố lớn của Mỹ (vài chục nghìn đô la Mỹ), thì Netflix lại quảng cáo tìm kiếm chuyên gia công nghệ AI cho sản xuất chương trình, với thu nhập lên đến 900.000 đô la Mỹ. Những nỗi lo của các ông Rodrik và Acemoglu đã được minh họa quá rõ ràng qua hai thái cực đối lập đó.Vì vậy, rủi ro phân cực sâu sắc giàu nghèo và một đợt bất ổn xã hội là rất có khả năng xảy ra do áp dụng AI thiếu kiểm soát. Ông Rodrik chỉ ra rằng thường các chính sách thúc đẩy công nghệ của chính phủ lại sai lầm ở chỗ là càng đẩy nhanh lợi ích của các công ty tiên tiến và quy mô lớn nhất, trong khi bỏ qua "khoảng cách năng suất" của số ít công ty đó với số đông nền kinh tế.Thay vào đó, một chính sách hợp lý là phải cung cấp các hỗ trợ về kiến thức, đào tạo và dịch vụ tư vấn chi phí thấp cho khu vực doanh nghiệp nhỏ. Nâng đỡ phần đáy lớn thay vì lo đẩy phần đỉnh nhọn và nhỏ thì mới tạo ra lợi ích bền vững và bao trùm toàn xã hội. Điều này tất nhiên nói dễ hơn làm, vì chọn công ty mạnh để hỗ trợ thì dễ nhìn thấy thành tích nhanh. Mà những người làm chính sách thì muốn sớm thấy thành quả và ghi nhận công trạng.Người ta thường viết nhiều về cuộc tranh đấu của những người biên kịch và diễn viên ở Hollywood như một cuộc chiến giữa người với máy nhưng sự thật nó vẫn là một cuộc chiến giữa người làm thuê và các ông chủ mà thôi.■ Những lo ngại tương tự đã xuất hiện khi Google hồi tháng 7 công bố đang thử nghiệm Genesis, AI có thể lấy thông tin về các sự kiện hiện tại và tạo ra nội dung tin tức từ đó. Mặc dù nhiều chuyên gia về truyền thông và AI cho rằng những công cụ này không thể thay thế hoàn toàn phóng viên, và có thể đóng vai trò trợ lý để thúc đẩy năng suất lao động, người ta im lặng về một chủ đề nhạy cảm hơn: "Nó có làm giảm thu nhập của phóng viên không?".Khi mà AI được cho là đã "làm sẵn" một số công đoạn, các ông chủ tòa soạn báo ở Mỹ (một số niêm yết trên thị trường chứng khoán) sẽ có thể chỉ đồng ý trả một khoản tiền nhỏ hơn cho công sức của một nhà báo bởi vì họ chỉ đóng một vai trò ít ỏi hơn trong cả công đoạn tạo ra bài báo. Tuy đó chỉ là một khả năng nhưng nó chỉ ra một vấn đề lớn hơn: AI có thể thúc đẩy lợi nhuận của một số công ty nhờ tối ưu hóa và cắt giảm chi phí nhưng lại khiến một số người nghèo đi. Minh họa: GREG CLARKE/HOLLYWOOD REPORTERMột số điểm đáng lưu ý trong hợp đồng ba năm dự kiến giữa WGA và các hãng phim, theo New York Times: lần đầu tiên, các biên kịch sẽ nhận tiền thưởng thêm từ các dịch vụ streming dựa trên phần trăm số người thuê bao. Các hãng phim phải thuê ít nhất ba biên kịch - nhà sản xuất trong nhóm biên kịch với các chương trình có mùa đầu tiên dài 20 tuần hoặc lâu hơn. Nhân sự tối thiểu cho các phần tiếp theo sẽ phụ thuộc vào số tập.Hợp đồng dự kiến cũng có điều khoản đảm bảo rằng AI sẽ không xâm phạm uy tín và thù lao của người viết. Các studio không thể sử dụng AI để viết lại tài liệu gốc. Tuy nhiên người viết có thể sử dụng công nghệ để hỗ trợ nếu công ty họ đang làm việc cho phép (hãng phim không thể ép biên kịch dùng AI). Các hãng phim sẽ có thể sử dụng kịch bản phim và truyền hình mà họ đã sở hữu để tinh chỉnh và thử nghiệm các công cụ AI, đây được xem là sự nhượng bộ trong đàm phán của WGA.Trong các cuộc đàm phán vào tháng 4, các hãng phim đã từ chối thảo luận chủ đề AI vì cho rằng có quá nhiều điều chưa biết về công nghệ này, đợi đến kỳ đàm phán hợp đồng vào năm 2026 hãy bàn. Đây là một trong những lý do khiến WGA kêu gọi đình công.WGA cho biết hợp đồng dự kiến bao gồm các khoản cải thiện thu nhập khoảng 233 triệu USD hằng năm. Trong cuộc thương lượng trước khi đình công, nghiệp đoàn này đưa ra con số 429 triệu đô la, trong khi các hãng phim chỉ đồng ý 86 triệu đô la. Mặc dù không nhận được mọi thứ mình yêu cầu nhưng WGA đã đạt được những thành tựu đáng kể.T.A. Tags: Trí tuệ nhân tạoKhả năng sáng tạoNăng suất lao độngTruyền hình MỹAIWGAHiệp hội biên kịch Mỹ
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.