16/05/2014 03:25 GMT+7

Đình công và bạo loạn sau tai nạn sập hầm mỏ

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - Công đoàn lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi một cuộc đình công quy mô trong bối cảnh giận dữ đang gia tăng sau tai nạn hầm mỏ tồi tệ nhất nước này, theo BBC.

“Những ai duy trì chính sách tư nhân đe dọa cuộc sống của người lao động để giảm chi phí... là thủ phạm của vụ thảm sát Soma và họ phải chịu trách nhiệm” - Liên đoàn Công nhân công cộng Thổ Nhĩ Kỳ (KESK), đại diện cho 240.000 công nhân, cáo buộc.

Theo AFP, tuyệt vọng và giận dữ leo thang khi hi vọng cứu sống những công nhân mắc kẹt trong hầm mỏ bị cháy và sập tại thị trấn phía tây Soma thuộc tỉnh Manisa giảm dần. Ngày trước đó, hàng ngàn người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát tại thủ đô Ankara và thành phố chính Istanbul, cáo buộc chính phủ và ngành công nghiệp khai thác mỏ cẩu thả trong công tác bảo vệ an toàn lao động. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay cùng vòi rồng để giải tán 3.000-4.000 người biểu tình tại quảng trường trung tâm thành phố Ankara là Kizilay cũng như hàng ngàn người biểu tình khác tại Istanbul.

Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan cam kết thúc đẩy điều tra để tìm ra nguyên nhân thảm họa, trong khi cả nước bắt đầu ba ngày quốc tang, nhưng bác bỏ tội của chính phủ khi cho rằng “những tai nạn như vậy từng xảy ra”. Hàng trăm gia đình cùng bạn bè của các thợ mỏ đã tập trung quanh tòa nhà nơi Thủ tướng Erdogan tổ chức họp báo và kêu gọi ông từ chức. Nhiều người kích động đã ném đá vào xe của ông.

Ông Erdogan cho biết bên chủ khai thác mỏ không chắc chắn về số công nhân bị mắc kẹt trong hầm mỏ sau vụ nổ thứ ba do rò rỉ điện nhưng cho rằng con số này là 120 người. Trong khi đó báo cáo từ nhân viên cứu hộ tại hiện trường cho thấy con số này có thể cao hơn nhiều. Hầu hết nạn nhân tử vong (ít nhất 282 người) do ngộ độc khí CO.

“Có túi khí nhưng đó chỉ là tia hi vọng nhỏ nhoi bởi vì đến nay... chúng tôi chỉ tìm ra những người đã chết” - bác sĩ Erdem Bakin, thuộc tổ chức tìm kiếm cứu nạn, chia sẻ. Bác sĩ Bakin cho biết đội tìm kiếm không thể tiếp cận phần đáy dài hơn 100m của khu mỏ do có nguy cơ ngạt thở từ khí độc.

Nhóm cứu hộ đã tìm thấy các máy biến áp bị nổ và là nguyên nhân dẫn đến sập khu hầm mỏ. Khoảng 70-80 người sống sót ở khúc giữa lối vào khu mỏ và máy biến áp. Bác sĩ Bakin cho biết những người ở phía bên kia máy biến áp bị lửa bao vây và họ đều đã chết.

Các báo cáo trước đó cho thấy 787 công nhân đang làm việc trong hầm mỏ khi vụ nổ xảy ra. Theo nhà điều hành khu mỏ, vào cuối ngày 14-5, lực lượng cứu hộ đã giải thoát gần 450 công nhân nhưng nhân viên cứu hộ tại khu mỏ nghi ngờ con số này.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên