Cụ thể, trung tá Phạm Thanh Xuân - phó trưởng Công an xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ - bị tạm đình chỉ công tác vì liên quan vụ bốc biển số đẹp. Bước đầu cơ quan chức năng xác định ông Xuân có dấu hiệu thực hiện không đúng quy trình hướng dẫn đăng ký, cấp biển số xe.
Trong một diễn biến khác, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an cũng đã làm việc với một số cán bộ, chiến sĩ ở Công an huyện Cẩm Mỹ được giao nhiệm vụ đăng ký, tổ chức bấm biển số xe cho dân. Đồng thời, công an mời hai vợ chồng bấm biển số đẹp lên làm việc.
Trước đó, trên mạng xã hội xôn xao việc hai người dân đem bốn xe máy đến Công an xã Sông Nhạn bấm chọn biển số và đều chọn được các biển số rất "đẹp".
Cụ thể, người đàn ông bấm được hai biển số 60B6-88.889 và 60B6-88.886, còn người phụ nữ bấm được hai biển số 60B6-88.888 và 60B6-88.868. Điều bất ngờ hơn nữa khi họ là hai vợ chồng.
Khi thông tin được lan truyền trên mạng xã hội, một số người hoài nghi về quy trình bấm biển số.
Trước vụ việc có dấu hiệu bất thường, Công an tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ phối hợp Công an huyện Cẩm Mỹ trực tiếp đến trụ sở Công an xã Sông Nhạn để xác minh thông tin.
Một số máy móc, thiết bị phục vụ việc bấm biển số tại đây cũng bị niêm phong để phục vụ điều tra.
Trong khi công an đang xác minh vụ hai vợ chồng bấm được bốn biển số xe "đẹp" bất thường thì tại trụ sở Công an xã Sông Nhạn bất ngờ xuất hiện một xe máy biển số 60B6-888.88. Đặc biệt, số xe này trùng với một trong bốn biển số xe "đẹp bất thường" mà hai vợ chồng ở xã Sông Nhạn đã bốc được trước đó.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, quy trình đăng ký, cấp biển số xe rất chặt chẽ. Cụ thể, chủ xe sau khi đóng thuế sẽ đưa xe tới công an để kiểm tra số máy, số khung và xe. Sau đó, chủ xe mới được làm thủ tục bấm số xe ngẫu nhiên.
Khi có số xe thì cán bộ giao biển số và đưa giấy hẹn ngày lấy giấy chứng nhận đăng ký xe (thường là 3 ngày).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận