Đái tháo đường type 1 là bệnh gì?
Đái tháo đường type 1 là một bệnh mạn tính, khiến cơ thể không thể sản xuất đủ hoặc không có insulin, một loại hormone giúp điều hòa lượng đường trong máu.
Ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 1, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào beta ở tuyến tụy. Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 không còn sản xuất ra loại hormone này nữa. Người bệnh thường phải tiêm insulin hằng ngày để duy trì sự cân bằng của đường huyết, nhưng vẫn có thể gặp phải các cơn hạ hoặc tăng đường huyết đột ngột.
Đái tháo đường type 1 cũng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, như suy thận, mù lòa, bệnh tim mạch.
Có thể điều trị đái tháo đường type 1 mà không cần tiêm insulin thường xuyên?
Một phương pháp điều trị mới được nghiên cứu, đó là cấy ghép tế bào đảo tụy, một phương pháp đầy hứa hẹn để điều trị đái tháo đường type 1.
Phương pháp này không những giúp bệnh nhân không phải tự tiêm insulin thường xuyên, mà còn được kỳ vọng giúp bệnh nhân nhận biết rõ các triệu chứng lượng đường trong máu thấp để ngăn chặn hạ đường huyết nghiêm trọng - một biến chứng thường gặp khi tiêm insulin.
Tuy nhiên, một trở ngại lớn đối với phương pháp này là khi các tế bào được cấy ghép, cuối cùng chúng sẽ hết oxy và ngừng sản xuất insulin.
Để vượt qua rào cản đó, các nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ đã thiết kế một thiết bị cấy ghép mới không chỉ mang hàng trăm nghìn tế bào đảo tụy sản xuất insulin, mà còn có nhà máy sản xuất oxy riêng, tạo ra oxy bằng cách tách hơi nước có trong cơ thể.
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu cấy vào chuột mắc bệnh đái tháo đường, kết quả cho thấy thiết bị này có thể giữ mức đường huyết của chuột ổn định trong ít nhất một tháng. Các nhà nghiên cứu hiện hy vọng sẽ tạo ra phiên bản lớn hơn của thiết bị, có kích thước bằng một thanh kẹo cao su, cuối cùng có thể được thử nghiệm ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 1.
Chúng ta có thể hình dung đây là một thiết bị y tế sống được tạo ra từ tế bào tụy tiết insulin.
Hầu hết bệnh nhân mắc đái tháo đường type 1 phải theo dõi lượng đường trong máu một cách cẩn thận và tự tiêm insulin ít nhất một lần một ngày. Dù cố gắng hết sức, bệnh nhân cũng không thể có được mức đường máu ổn định như người bình thường có tuyến tụy khỏe mạnh.
Trước đây, một số bệnh nhân đái tháo đường đã được cấy ghép tế bào tiểu đảo tụy từ những người hiến tạng để kiểm soát đường máu lâu dài. Tuy nhiên, những bệnh nhân này phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn cơ thể đào thải các tế bào được cấy ghép.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã chứng minh thành công tương tự với các tế bào tiểu đảo tụy có nguồn gốc từ tế bào gốc, nhưng những bệnh nhân nhận được những tế bào này cũng cần dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã tìm cách đóng gói các tế bào tụy cấy ghép này vào một thiết bị để tránh sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Nhưng do chúng cần oxy để hoạt động, nên phải thêm buồng đệm nạp định kỳ rất bất tiện.
Tin vui là mới đây, các nhà nghiên cứu đã tìm ra một phương pháp khác có khả năng tạo ra oxy vô thời hạn bằng cách tách nước trong cơ thể. Vì vậy, thiết bị cấy ghép này không yêu cầu bất kỳ dây nối trực tiếp hoặc pin nào, mà chỉ cần một ăng ten nhỏ gắn trên thiết bị và một cuộn dây từ tính rời dán ngoài da bệnh nhân truyền năng lượng đến ăng ten.
Hiện các nhà nghiên cứu đang lên kế hoạch để thử nghiệm trên động vật lớn hơn và cuối cùng là trên con người. Nếu thành công, phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường type 1 mới sẽ ra đời, tiện lợi, an toàn cho bệnh nhân. Phương pháp này cũng đầy hứa hẹn đối với những bệnh khác.
Những ai cần cân nhắc việc cấy ghép tế bào đảo tụy?
Không phải tất cả những người mắc đái tháo đường type 1 đều phù hợp cho việc cấy ghép đảo tụy. Nên cân nhắc ở một số trường hợp mắc đái tháo đường type 1 và có những vấn đề sau:
- Có đường huyết khó kiểm soát, bị hạ đường huyết nghiêm trọng và không nhận biết được tình trạng hạ đường huyết.
- Đã hoặc đang có kế hoạch ghép thận để điều trị suy thận. Ghép đảo tụy có thể được thực hiện cùng lúc hoặc sau khi ghép thận. Những người được ghép thận sẽ phải dùng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn ngừa đào thải thận được ghép. Vì vậy, việc cấy ghép đảo tụy không gây thêm nhiều rủi ro.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận