Chụp X-quang tuyến vú. Ảnh minh họa. Nguồn: bftt.org
Ung thư vú là loại bệnh phổ biến nhất ở nữ giới nhiều nước trên thế giới. Có nhiều nguy cơ dẫn tới ung thư vú. Đầu tiên là tuổi tác, bệnh hay gặp ở những phụ nữ có gia đình tuổi từ 35 trở lên. Thứ hai là yếu tố di truyền, những người có liên quan trực hệ với người bị ung thư vú thì cũng dễ bị ung thư vú. Thứ ba là những yếu tố liên quan đến nội tiết. Những phụ nữ có hoạt động nội tiết không bình thường bao gồm: Có kinh muộn, hay bị rối loạn kinh nguyệt; lấy chồng muộn, sinh con muộn, sống độc thân, đời sống tình dục không được điều hòa, cũng dễ có nguy cơ bị ung thư vú. Tiêu chuẩn chẩn đoán ung thư vú dựa vào 3 yếu tố chính: Lâm sàng, xét nghiệm tế bào học và chụp X-quang tuyến vú.
Lâm sàng: Khối u vú thường không gây đau đớn. Một số trường hợp có chảy dịch đầu vú. U có mật độ cứng rắn, mặt gồ ghề, ranh giới có thể rõ hoặc không. Ở giai đoạn sớm khi u chưa xâm lấn lan rộng thì di động dễ dàng, trong những trường hợp đến muộn u có thể xâm lấn vào thành ngực làm hạn chế di động hoặc xâm nhiễm da tạo hình ảnh sần da cam, hoặc vỡ loét. Đôi khi ung thư vú cũng biểu hiện như một viêm tấy lan toả vùng vú. Trong nhiều trường hợp bệnh nhân thường có hạch nách từng bên. Hạch có những mức độ tổn thương từ mềm đến cứng hoặc xâm nhiễm dính vào xung quanh, tuỳ theo mức độ tiến triển bệnh. Trong mọi trường hợp đều phải lưu ý khám hạch thượng đòn và tuyến vú đối bên.
Xét nghiệm tế bào học: Chọc hút bằng kim nhỏ thường thấy các tế bào ung thư mất sự kết dính, đa hình thái, tỉ lệ nhân, nguyên sinh chất tăng, nhiều nhân quái, nhân chia, bào tương kiềm tính.
Chụp X quang tuyến vú: Tổn thương điển hình có dạng hình sao, nhiều chân, co kéo tổ chức tuyến vú, có nhiều chấm vi can xi hóa tập hợp thành đám. Nếu cả 3 phương pháp trên đều dương tính thì có thể chẩn đoán xác định. Nếu 1 trong 3 phương pháp trên nghi ngờ, thì có thể chỉ định sinh thiết để chẩn đoán.
Điều trị ung thư vú dựa vào giai đoạn bệnh, giải phẫu bệnh lý và hóa mô miễn dịch, tuổi, thể trạng để lựa chọn phương pháp điều trị như: Phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, nội tiết, điều trị đích. Có tới 50% số ca ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn muộn nên có rất nhiều biến chứng và di chứng như: Biến chứng tái phát tại chỗ, loét ngực ác tính, phù bạch mạch, di căn não, di căn phổi, màng phổi, di căn gan, di căn xương…
Chăm sóc bệnh nhân ung thư vú
Các phương pháp điều trị ung thư thường dẫn đến sự tàn phá lớn đối với cơ thể. Bên cạnh đó chẩn đoán ung thư cũng là một điều dễ dàng gây ra những sang chấn tâm lý cho người bệnh. Do đó công tác chăm sóc làm giảm các tác dụng phụ của điều trị cũng như nâng đỡ về tinh thần cho người bệnh cũng rất quan trọng, giúp người bệnh nhanh chóng ổn định tinh thần, trở về với cuộc sống bình thường. Đối với những truờng hợp tái phát, di căn, ung thư giai đoạn cuối, mối quan tâm hàng đầu là chăm sóc điều trị chống đau và giảm nhẹ triệu chứng, nhằm đem lại cuộc sống dễ chịu thoải mái hơn cho người bệnh, mục đích chủ yếu là kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân. Kiến thức về bệnh lý chỉ nhằm giúp cho việc hiểu về triệu chứng và dự đoán tiên lượng bệnh. Cần nắm vững diễn biến tâm lý của bệnh nhân vì cuộc sống tâm lý và điều trị hỗ trợ có vai trò rất quan trọng. Thường thì người mắc ung thư và gia đình có những rối loạn về tâm lý, tuy nhiên quá lo lắng, sợ hãi, buồn phiền không những ảnh hưởng xấu tới quá trình điều trị mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.
Trong giai đoạn bệnh đã ổn định, chế độ ăn rất cần cung cấp đầy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng để đảm bảo nâng cao sức khỏe cho người bệnh. Cần ăn nhiều hoa quả, nhất là đu đủ, dứa, tỏi, rau xanh... Ngoài ra cũng có thể sử dụng vitamin tổng hợp hoặc chất khoáng hàng ngày với liều nhỏ. Cũng như trong dự phòng ung thư, quá trình điều trị ung thư nên chế biến thực phẩm bằng cách luộc, hấp, hầm, kho nhỏ lửa, không dùng các cách chế biến như nướng, hun khói hay rán. Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, thịt nguội và đồ hộp. Không nên dùng đồ ăn quá ngọt, cay, mùi nồng... vì dễ kích thích gây nôn. Nếu đang truyền hoá chất, nên ăn nhẹ và chia làm nhiều bữa trước hoặc sau khi truyền hoá chất từ 3 đến 4 tiếng.
Trong điều trị bệnh ung thư cần luôn tránh giảm cân và giữ cân nặng lý tưởng cho phép. Khi bệnh nhân chấp nhận phối hợp lựa chọn điều trị ung thư nên cho bệnh nhân ăn một chế độ giàu chất dinh dưỡng, nhưng chú ý ăn uống phải điều độ, không nên ăn quá độ. Ăn quá bổ dưỡng làm cho cơ thể tăng cân có ảnh hưởng bất lợi cho việc điều trị bệnh.
Quan điểm nhịn ăn để khối u không phát triển được hoặc chỉ cần ăn theo chế độ người bình thường là quan điểm sai lầm vì tế bào ung thư có cơ chế tự dưỡng. Chúng vẫn sẽ lấy chất dinh dưỡng của cơ thể, của những tế bào lành để phát triển. Người bình thường có nhu cầu năng lượng từ 25-30 Kilocalo/kg cân nặng và 0,8 g đạm/1 kg cân nặng. Trong khi đó người bệnh ung thư cần 30-40 kilocal/kg cân nặng và 1,2-1,5 g đạm/kg cân nặng. Khi dinh dưỡng kém sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, giảm cân nặng và dẫn tới suy kiệt. Suy kiệt gây ra những ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng như đáp ứng điều trị kém, làm trầm trọng thêm các tác dụng của điều trị, hoá, xạ, gián đoạn điều trị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và quan trọng là giảm thời gian sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận