Hầu hết các trường hợp vảy nến là thể nhẹ, một số trường hợp thể vừa và thể nặng đã được dùng những phác đồ điều trị mới nhất của thế giới trong điều trị.
Hiện nay các phương pháp điều trị bệnh vảy nến ở Việt Nam cũng đã tiếp cận được với thế giới.
Về công tác điều trị, hiện nay tại Bệnh viện Da liễu Trung ương đã có những hướng dẫn điều trị cập nhật từ 2017 các phác đồ điều trị của thế giới. Các thuốc từ đơn giản nhất như là thuốc bôi cho đến thuốc toàn thân, các phương pháp điều trị ánh sáng đến các thuốc sinh học mới nhất thì tại Việt Nam cũng đã có.
Chính vì vậy, việc quản lý điều trị bệnh vảy nến ở Việt Nam đều đáp ứng được.
Một trong những phương pháp được ưu tiên trong điều trị bệnh vảy nến hiện nay tại bệnh viện đó là điều trị bằng UVB dải hẹp toàn thân. Đây là phương pháp sử dụng tia tử ngoại UVB mới phát hiện và được coi là phương pháp ưu tiên trong điều trị vảy nến, bạch biến.
Đối với kiểm soát trường hợp bệnh nhân vảy nến mức độ vừa và nặng thì UVB dải hẹp đáp ứng tốt. Khoảng 80% các trường hợp được nghiên cứu là đáp ứng tốt đến rất tốt, một số trường hợp khác cần chuyển phác đồ điều trị tùy đáp ứng của bệnh nhân.
Đây là phương pháp mới, ổn định bệnh lâu dài hơn so với các phương pháp trước đây là điều trị ánh sáng UV, UVA dải rộng.
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và của Bệnh viên Da liễu Trung ương cho thấy, khoảng gần 50% bệnh nhân vẫn ổn định bệnh sau 6 tháng.
Bệnh vảy nến không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể được kiểm soát rất tốt.
Đặc biệt, có tới 42% người mắc bệnh vảy nến cũng mắc bệnh viêm khớp vảy nến, gây đau đớn, xơ cứng, sưng tại các khớp và có thể dẫn đến biến dạng và mất chức năng vĩnh viễn nếu điều trị không đúng cách.
Các chuyên gia cho biết, hiện nguyên nhân gây bệnh vảy nến vẫn chưa được xác định rõ, có thể là liên quan đến gen, yếu tố môi trường, dị nguyên, vi khuẩn, virus…
Vì vậy, người bệnh khi thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào về da thì nên đến các cơ sở chuyên khoa da liễu để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Ước tính có khoảng 2-3% dân số thế giới mắc bệnh vảy nến. Ở Việt Nam tuy chưa có số liệu điều tra chính xác nhưng theo ước tính có từ 1,5-2% dân số mắc bệnh vảy nến.
Người bệnh vẩy nến cần thận trọng với các món ăn lạ dễ gây dị ứng nhất là những đồ ăn chứa nhiều protein và tanh như tôm, cua, ghẹ, măng, lạp sườn, xúc xích, thịt gà, đồ hộp, trứng... Đồ uống có chất kích thích: bia, cà phê, trà...
Người bệnh vẩy nến phải hạn chế tiếp xúc với hóa chất như xà phòng, dầu gội, sữa tắm... Thận trọng khi sử dụng nước hoa, son phấn, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận