Phóng to |
Các bệnh nhân tâm thần được vận động trong phòng phục hồi chức năng (ảnh chụp tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ngày 9 và 10-9, Trường đại học Văn Hiến (TP.HCM) phối hợp với Viện Sức khỏe xã hội Đại học Worcester (Anh) tổ chức hội thảo khoa học và tập huấn chuyên đề “Tham vấn và trị liệu tâm lý”. Ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo này đều đánh giá trị liệu tâm lý rất quan trọng trong việc giúp bệnh nhân tâm thần sớm phục hồi sức khỏe, giảm nhập viện, dễ hòa nhập cộng đồng.
Cần phát triển tâm lý trị liệu
Trị liệu tâm lý bằng âm nhạc Báo cáo về việc ứng dụng phương pháp trị liệu bằng âm nhạc cho 20 bệnh nhân bị các loại tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (thuộc Bộ Y tế) và Viện Tâm lý thực hành (TP.HCM), PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ cho biết nghiên cứu cho thấy có 12/20 bệnh nhân có kết quả điều trị rõ rệt sau khi được trị liệu bằng âm nhạc. Âm nhạc đã khơi gợi bệnh nhân bộc lộ cảm xúc, nội tâm mâu thuẫn cần được giải quyết, đưa đến giải quyết được trạng thái bệnh của bệnh nhân. |
Báo cáo tình hình phát triển ngành tâm lý trị liệu ở VN, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Thọ - trưởng khoa khoa học xã hội và nhân văn Đại học Văn Hiến, nguyên giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 - cho biết tâm lý trị liệu (còn gọi là liệu pháp tâm lý) giúp cải thiện tình hình sức khỏe cả về tâm lý lẫn thể chất người bệnh tâm thần, người có vấn đề rối nhiễu tâm lý. Tuy nhiên, tại VN chuyên ngành trị liệu tâm lý còn rất non trẻ, chưa phát triển so với nhu cầu. Việc điều trị nặng về thuốc hơn trị liệu tâm lý.
Theo PGS Nguyễn Văn Thọ, tâm lý trị liệu ở VN áp dụng một số liệu pháp tâm lý như liệu pháp giải thích hợp lý, ám thị lúc thức, liệu pháp thôi miên, liệu pháp thư giãn luyện tập, liệu pháp âm nhạc... Các hoạt động tâm lý trị liệu nói trên chủ yếu thực hiện tại những cơ sở điều trị của hệ thống nhà nước.
Còn về đào tạo, PGS Nguyễn Văn Thọ cho rằng hệ thống nhà trường đào tạo chuyên ngành tham vấn và trị liệu tâm lý một cách bài bản, chính quy chưa nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong khi đó, TS Trì Thị Minh Thúy - giảng viên Đại học Văn Hiến, người có thời gian nghiên cứu và làm việc tại Philippines - cho biết tại Philippines người dân còn e dè trong việc tìm kiếm hỗ trợ từ các nhà tham vấn và trị liệu bởi họ xấu hổ. Đối với đa số người dân Philippines, chỉ những ai bị tâm thần mới tìm kiếm nhà tham vấn và trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, hiện Philippines có đến 23 trường đại học có chuyên ngành về tham vấn tâm lý và tâm lý trị liệu.
Kết hợp tâm lý và thuốc
Báo cáo về tham vấn và trị liệu tâm lý, TS tâm lý Phạm Toàn, nguyên trưởng khoa tâm lý trị liệu Trung tâm sức khỏe tâm thần Hamilton - Madison House New York, Mỹ, cho biết phương pháp chữa trị nhiều bệnh rối loạn tâm thần tại Mỹ là phối hợp giữa tâm lý liệu pháp và dược lý liệu pháp (dùng thuốc).
Cụ thể, bệnh nhân vừa được uống thuốc vừa được trị liệu tâm lý. Khác với các bệnh về thể chất, bệnh tâm thần là loại bệnh, trong rất nhiều trường hợp, thường khó phát hiện được nguyên nhân gây bệnh. Thể chất (thân xác) và tinh thần (tâm lý) là hai thực thể không thể tách rời được trong một con người. Vì thế, một bệnh nhân trầm cảm khi được chữa trị phối hợp sẽ luôn tốt hơn. Thuốc giúp gia tăng giấc ngủ, thư giãn tâm trí và chặn đứng các cơn loạn thần có thể xảy ra, còn tâm lý liệu pháp giúp hóa giải những ký ức buồn khổ, những chấn thương tinh thần, những ám ảnh sâu kín, những cảm giác tội lỗi, hay ngay cả những suy nghĩ, niềm tin sai lệch nếu có của người bệnh. Nói khác hơn, tâm lý liệu pháp tạo ra những yếu tố giúp các mặt tri giác, tình cảm và hành động của người bệnh có điều kiện để hòa nhập và cân bằng trở lại.
Theo TS Phạm Toàn, một số nghiên cứu tại Mỹ những năm qua cho thấy kết quả điều trị bệnh nhân bị trầm cảm sau sáu tháng như sau: số bệnh nhân bị bệnh trở lại là 30% với những người chỉ chữa bằng thuốc, 6% với những người chỉ chữa bằng tâm lý liệu pháp; và 0% với những người được chữa phối hợp cả thuốc và tâm lý liệu pháp. Sau hai năm, con số tái bệnh là 78% cho những người chỉ dùng thuốc, 23% cho những người chỉ chữa bằng tâm lý liệu pháp và 21% cho những người được chữa trị phối hợp cả hai phương pháp.
Tăng số lượng tìm được việc làm
Trình bày tại hội thảo, GS Joanna E. Smith, Hội Can thiệp sớm về tâm thần Anh, Viện Sức khỏe xã hội Trường đại học Worcester, cho biết những năm 1984, 1985, nhiều bệnh viện tâm thần tại Anh đã đóng cửa để chuyển sang một mô hình mới, mô hình chăm sóc sức khỏe bằng trị liệu tâm lý tại nhà, theo nhóm và can thiệp sớm. Những đội chuyên gia trị liệu tâm lý với những chức năng cụ thể: đội tiếp cận năng động, đội giải quyết khủng hoảng, điều trị tại nhà và đội can thiệp sớm. “Đội tiếp cận năng động là những chuyên gia tâm lý học, họ tìm đến nhà và tìm hiểu những khó khăn để giúp đỡ người bệnh” - GS E. Smith chia sẻ. Để giảm bớt bệnh nhân nội trú, đội giải quyết khủng hoảng sẽ đến đánh giá việc gia đình bệnh nhân có cáng đáng nổi hay không, đánh giá tình trạng bệnh. Đội can thiệp sớm gồm những bác sĩ tâm lý, giúp phát hiện những người có dấu hiệu bệnh từ rất sớm.
Trị liệu tâm lý với những mô hình theo đội, nhóm và can thiệp sớm nói trên đã cho kết quả cao. GS E. Smith cho biết khi bà mới vào làm thì 80% trường hợp phát hiện bệnh phải nhập viện, nay giảm chỉ còn 6%. Đặc biệt, liệu pháp tâm lý theo phương thức can thiệp sớm cũng giúp Chính phủ Anh ngăn ngừa vấn nạn tự tử. “Đồng thời, trước đây, người có biểu hiện tâm thần sau khi chữa bệnh kiếm được việc làm chỉ chiếm 8-18% thì nay đã lên đến 55%” - GS E. Smith cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận