Diễn biến sự việc - Đồ họa: Tấn Đạt |
Thông báo từ Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 cuối ngày 6-2 (giờ Mỹ) cho biết đúng 15h ngày 7-2 (giờ bờ tây nước Mỹ, tức khoảng 7h sáng 8-2 giờ Việt Nam), tòa sẽ tổ chức phiên điều trần trực tuyến để lắng nghe ý kiến và tranh luận của bên kháng cáo (Bộ Tư pháp Mỹ) và bên bị kháng cáo (bang Washington, Minnesota) trong vụ việc liên quan tới quyết định của thẩm phán liên bang James Robart đình chỉ thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump trên toàn quốc.
Trước đó, thông báo từ Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 cho hay tòa đã nhận được đầy đủ hồi đáp từ hai bang Washington, Minnesota cũng như Bộ Tư pháp Mỹ.
Buổi điều trần sẽ là cuộc chạm trán đầu tiên giữa hai phe, một bên ủng hộ sắc lệnh gây tranh cãi của ông Trump (Bộ Tư pháp) và bên còn lại đang thể hiện sự quyết tâm đình chỉ vĩnh viễn nó (bang Washington và Minnesota).
Chủ trì và lắng nghe cuộc tranh luận trực tuyến sẽ là ba thẩm phán của Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9. Bộ Tư pháp Mỹ, bang Washington và bang Minnesota sẽ có khoảng 30 phút để trình bày các lập luận của mình, thư ký Tòa phúc thẩm cho biết.
Theo báo New York Times, việc tổ chức tranh luận miệng giữa các bên qua điện thoại trong một sự vụ được đánh giá là “chấn động” như lần này là điều rất bất thường.
Trong văn bản hồi đáp dài 15 trang của mình, Bộ Tư pháp Mỹ tiếp tục bảo vệ Tổng thống Trump, nhấn mạnh sắc lệnh cấm nhập cảnh được ông Trump ký ngày 27-1 là sự “thực thi pháp luật” và nó nằm trong thẩm quyền của một tổng thống.
Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Tòa phúc thẩm phải đình chỉ quyết định ngày 3-2 của thẩm phán Robart.
Trước đó, trong văn bản kháng cáo đầu tiên gửi đến Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 cuối ngày 4-2 (giờ Mỹ), Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra hai yêu cầu trong đó có việc phải khôi phục ngay lập tức sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, yêu cầu này sau đó đã bị Tòa phúc thẩm bác bỏ và ra thời hạn 2 ngày để các bên liên quan củng cố hồ sơ sự việc.
Trong khi đó, hai bang Washington và Minnesota trong văn bản hồi đáp dài 28 trang đã đưa ra 5 lập luận chính, khẳng định quyết định đình chỉ thực thi của thẩm phán Robart là hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của ông này.
Hai bang này đồng thời nhấn mạnh lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump sẽ gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia, của nhân dân và tranh luận rằng Bộ Tư pháp đã không thể đưa ra, cũng như chứng minh được những thiệt hại không thể bù đắp đối với nước Mỹ từ việc đình chỉ sắc lệnh cấm nhập cảnh gây ra.
Áp lực đang ngày càng đè nặng Tổng thống Trump. Theo tờ Washington Post, hôm 6-2 (giờ Mỹ), 10 cựu quan chức ngoại giao và cố vấn an ninh quốc gia cấp cao dưới thời các chính quyền tiền nhiệm đã cùng ký vào một tuyên bố chung chống lại sắc lệnh cấm nhập cảnh.
Trước đó, gần 100 tập đoàn công nghệ lớn tại Thung lũng Silicon, hơn 280 giáo sư luật cùng “liên minh” 16 tổng chưởng lý các bang và địa hạt của nước Mỹ và nhiều tổ chức nhân quyền khác đã lên tiếng phản đối sắc lệnh của ông Trump.
Giọt nước mắt đoàn tụ Những ngày này, người ta như đang chứng kiến một hiện tượng lạ tại nhiều sân bay quốc tế của nước Mỹ: nhiều người ôm nhau và khóc. Những giọt nước mắt của hạnh phúc, của niềm vui đoàn tụ đã lăn dài trên má của những con người mà trước đây mấy ngày thôi còn chìm trong nỗi sợ của sự chia cắt vĩnh viễn khỏi người thân bởi một sắc lệnh được người đứng đầu nước Mỹ - nơi họ đặt trọn niềm tin và hi vọng - ký ngày 27-1. Quyết định của thẩm phán James Robart đình chỉ tạm thời sắc lệnh cấm nhập cảnh đã mở ra cánh cửa hi vọng cho nhiều người từ 7 quốc gia bị nêu tên trước đó. Thông báo từ Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh nội địa Mỹ trước đó cũng đã khẳng định thủ tục đối với việc nhập cảnh vào Mỹ của những công dân thuộc 7 nước này, những người có thị thực hợp lệ vẫn sẽ tiến hành bình thường trong thời gian đợi phán quyết cuối cùng từ tòa án. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận