Một góc hạ tầng khu công nghiệp Long Đức nằm trên khuôn viên 270 ha đất công được cho là bị “phù phép” - Ảnh: S.Đ.
Bộ Công an vừa yêu cầu tỉnh Đồng Nai cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan để điều tra việc mua bán cổ phần, đầu tư tại Công ty cổ phần đầu tư Long Đức và các hồ sơ liên quan đến việc xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Long Đức (huyện Long Thành).
Đây cũng là vụ việc âm ỉ nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh này chưa được "điểm mặt chỉ tên".
Bán cổ phần hưởng chênh lệch
Theo tài liệu, Nông trường Tam Lợi từng được Ban tài chính quản trị Tỉnh ủy Đồng Nai quản lý. Sau đó, Cục Quản lý vốn nhà nước có văn bản đồng ý giao cho Công ty Donafoods quản lý và được UBND tỉnh Đồng Nai giao đất, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cho Công ty Donafoods sử dụng vào mục đích nông nghiệp với thời hạn 50 năm.
Năm 2004, tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho công ty này chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng hạ tầng theo phương thức cổ phần hóa.
Từ đây, Công ty Donafoods đã thành lập Công ty cổ phần đầu tư Long Đức () với vốn điều lệ 30 tỉ đồng (tương đương 300.000 cổ phần) trong đó Công ty Donafoods đóng góp 12 tỉ đồng (40% vốn điều lệ, chiếm 120.000 cổ phần) và mỗi cá nhân ông Huỳnh Văn Mạnh, bà Huỳnh Thị Kim Lưu ngụ ở TP.HCM đóng góp 9 tỉ đồng (mỗi người chiếm 30% vốn điều lệ).
Sau khi kéo hai cổ đông ở TP.HCM đóng góp vào vốn điều lệ, tháng 11-2004 Công ty Long Đức được UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục cho phép lập thủ tục kinh doanh hạ tầng KCN Long Đức.
Đến tháng 11-2008, khi UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định cho Công ty Long Đức thuê đất sử dụng vào mục đích kinh doanh hạ tầng KCN Long Đức với diện tích 270ha cũng là lúc xảy ra những điều bất thường.
Cụ thể, ngay sau đó hội đồng quản trị Công ty Long Đức đã thống nhất cho 2 cổ đông Huỳnh Văn Mạnh và Huỳnh Thị Kim Lưu được chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần (180.000 cổ phần) cho ông Huỳnh Quang Báu, Huỳnh Tấn Lộc và Công ty TNHH đầu tư xây dựng Lộc Thịnh (cùng ở TP.HCM).
Điều đáng nói, khi các cá nhân trên chuyển nhượng cổ phần, đại diện Công ty Donafoods và UBND tỉnh Đồng Nai không nắm được giá chuyển nhượng bao nhiêu.
Tháng 5-2011, các sở ngành ở tỉnh Đồng Nai tiếp tục cho Công ty Donafoods (công ty đại diện vốn nhà nước) chuyển nhượng tiếp 28% trong số 40% cổ phần ở Công ty Long Đức cho Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản).
Đồng thời, ông Huỳnh Quang Báu, Huỳnh Tấn Lộc và Công ty TNHH đầu tư xây dựng Lộc Thịnh chuyển nhượng luôn tổng cộng 180.000 cổ phần cho Tập đoàn Sojitz.
Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, trước những bất thường trong việc "phù phép" trên diện tích 270ha , Tỉnh ủy Đồng Nai từng lập đoàn kiểm tra và xác định sau khi chuyển nhượng Công ty Donafoods chỉ còn 12% và 88% vốn điều lệ còn lại do Tập đoàn Sojitz mua lại.
Vào thời điểm kiểm tra, tỉnh Đồng Nai đã xác định dấu hiệu vi phạm pháp luật của hội đồng quản trị Công ty Long Đức.
Cụ thể, theo quy định của Luật doanh nghiệp và điều lệ của công ty, hội đồng quản trị quyết định thời điểm, phương thức, giá bán cổ phần.
Tuy nhiên cả hai lần chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông, hội đồng quản trị không biết giá chuyển nhượng ra sao (?).
Các dấu hiệu sai phạm cần làm rõ
Theo tài liệu, mục tiêu của Tỉnh ủy Đồng Nai giao đất cho Công ty Donafoods để lai tạo giống cây điều có năng suất cao, nâng sản lượng hạt điều xuất khẩu.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó Công ty Donafoods chưa thực hiện chủ trương trên thì UBND tỉnh Đồng Nai đã cho phép Công ty Donafoods chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN.
Mặt khác, theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005, sau 90 ngày được cấp giấy chứng nhận kinh doanh, các cổ đông phải có nghĩa vụ thanh toán đủ số cổ phần cam kết nhưng công ty này thực hiện sai quy định.
Cụ thể, năm 2004 công ty này thành lập nhưng đến năm 2010 Công ty Donafoods mới góp vốn đủ 12 tỉ đồng, còn ông Huỳnh Văn Mạnh và bà Huỳnh Thị Kim Lưu đến năm 2006 góp đủ 9 tỉ đồng.
Một cán bộ từng tham gia đoàn kiểm tra dự án trên cho biết: "Theo quy định của Bộ Tài chính về cơ chế tài chính do Nhà nước làm chủ thì các trường hợp chuyển nhượng khoản đầu tư tài chính có giá trị trên 10 tỉ đồng phải thực hiện đấu giá qua sở giao dịch chứng khoán. Dưới 10 tỉ phải thuê tổ chức tài chính trung gian bán đấu giá, hoặc tổ chức bán đấu giá tại công ty.
Thế nhưng, thời điểm đó Công ty Donafoods chuyển nhượng trực tiếp vốn cổ phần không qua hình thức đấu giá nào là phạm luật".
Theo vị này, dự án KCN Long Đức hình thành từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ cây công nghiệp sang làm đất dự án nên sinh lợi trên đất rất cao.
Ngoài ra, Bộ Công an còn yêu cầu cung cấp hồ sơ pháp lý trong việc xây dựng đường giao thông từ quốc lộ 51 đến KCN Long Đức.
Theo tài liệu, trong lúc Công ty Long Đức triển khai dự án chậm và không đủ điều kiện thu hút đầu tư, UBND tỉnh Đồng Nai đã cho làm đường giao thông kết nối vào KCN với tổng mức đầu tư trên 73 tỉ đồng. Trong đó, chủ đầu tư chỉ đóng góp 5 tỉ đồng, còn hơn 68 tỉ là ngân sách nhà nước.
Thời điểm này cũng là lúc 2 cổ đông tham gia góp vốn vào Công ty Long Đức đã chuyển nhượng cổ phần cho người khác mà không xác định được giá chuyển nhượng.
Sai quy định, gây thiệt hại ngân sách
Đầu năm 2010, Thanh tra Chính phủ kết luận: Việc áp giá bồi thường đất công tại dự án này là sai quy định, gây thiệt hại ngân sách nhà nước, nợ tiền bồi thường đất công, lãi chậm nộp với tổng số tiền hơn 48 tỉ đồng.
Đây là số tiền Công ty cổ phần đầu tư Long Đức phải nộp và cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với Công ty cổ phần đầu tư Long Đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận