NASA không bao giờ tuyên bố "biến đổi khí hậu do quỹ đạo Trái đất thay đổi chứ không phải do con người". Trong ảnh là ảnh vệ tinh NASA quan sát cháy rừng ở Nga vào tháng 2-2019 - Ảnh: NASA
Tin giả (fake news) có khi chỉ là trò đùa vô hại nhưng cũng có thể nhằm phục vụ cho mục đích chính trị nào đó.
Tháng 8-2019, mạng xã hội ở Mỹ lan truyền thông tin Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) khẳng định khí hậu Trái đất nóng dần lên là do quỹ đạo Trái đất thay đổi chứ không phải do khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 do con người thải ra.
Để "vẽ bùa" cho nội dung này, thông tin trên giải thích rằng NASA tuyên bố như trên dựa theo học thuyết "chu kỳ Milankovitch" của nhà vật lý thiên văn Milutin Milankovitch đưa ra năm 1941. Thật ra đó là tin ba xạo, NASA không bao giờ tuyên bố như thế.
Điều tệ hại sẽ còn tiếp tục xảy ra. Chúng ta đang sống trong cơn dịch tin giả và thực sự không có thuốc chữa”
Kết quả cuộc điều tra “Tin giả năm 2019”
Ở đâu cũng xuất hiện tin giả
Trong năm 2019, những tin giả tương tự như trên xuất hiện như nấm mùa mưa trên mạng. Mấy trang web ở Senegal tung tin Giáo sư bác sĩ da liễu Fatimata Ly (người Senegal) khẳng định 71% dân Senegal đã đi tẩy trắng da.
Nếu quả đúng như thế thì thật nguy hiểm vì làm trắng da có thể dẫn đến nhiễm trùng, suy thận, rối loạn thần kinh hoặc thậm chí ung thư.
Đài phát thanh France Info (Pháp) đã đi xác minh. Giáo sư Fatimata Ly giải thích phát biểu của bà đã bị "thêm mắm dặm muối".
Thật ra bà chỉ nghiên cứu ở ba thành phố và tỷ lệ 71% chỉ liên quan đến một thành phố. Ngoài ra, nghiên cứu chỉ tập trung đối tượng phụ nữ chứ không phải toàn bộ người dân.
Giáo sư bác sĩ da liễu Fatimata Ly người Senegal không bao giờ nói “71% dân Senegal đã đi tẩy trắng da” - Ảnh: YOUTUBE
Tại Algeria, phong trào biểu tình Hirak bùng nổ từ tháng 2-2019 để phản đối Tổng thống Abdelaziz Bouteflika ứng cử thêm nhiệm kỳ thứ năm.
Thế là fake news tung tin trên mạng bức ảnh cựu Tổng thống Barack Obama mỉm cười cầm bức chân dung Hocine Aït Ahmed (người anh hùng trong thời kỳ Algeria giành độc lập) rồi tung tin ông Obama ủng hộ người biểu tình Algeria. Thật ra bức ảnh đã bị tẩy xóa và thay bằng chân dung Hocine Aït Ahmed.
Nhiều trang web ở châu Phi đưa tin "đảng dân chủ bảo thủ" tại Thụy Sĩ chuẩn bị một dự luật cấm đàn ông châu Phi kết hôn với phụ nữ Thụy Sĩ nhằm "bảo tồn văn hóa da trắng Thụy Sĩ".
Bài viết còn phịa ra 70% số người được hỏi trên đường phố ủng hộ dự luật. Trên thực tế đó là tin giả và Thụy Sĩ cũng chẳng có đảng nào tên là "đảng dân chủ bảo thủ".
Bức ảnh trong tay cựu Tổng thống Barack Obama đã bị tẩy xóa và thay bằng chân dung Hocine Aït Ahmed - Ảnh: TSA
Tin giả năm 2019 phát tán nhiều hơn năm ngoái
Cuối tháng 11-2019, Công ty Visibrain chuyên phân tích dữ liệu trên Internet và Công ty tư vấn truyền thông quốc tế Heiderich Consultant ở Pháp đã công bố kết quả điều tra "Tin giả năm 2019".
Kết quả khảo sát cho thấy trong năm 2019, tin giả tiếp tục gia tăng, đặc biệt trên Twitter. Tổng cộng trong năm có hơn 45,5 triệu tin giả được phát tán hoặc được bình luận trong khi năm 2018 chỉ 35,4 triệu tin giả.
Cuộc điều tra "Tin giả năm 2019" kết luận hết sức bi quan: Tin giả gây ô nhiễm xã hội đến mức bằng chứng nói ngược lại cũng khó tái lập sự thật.
Tin giả liên quan đến đủ mọi lĩnh vực nhưng nhiều nhất là chính trị và y tế. Các thương hiệu bị thiệt hại nghiêm trọng vì tin giả như tin nhà sản xuất Ferrero (Ý) thu hồi 625.000 lọ Nutella nhiễm vi khuẩn salmonella, hoặc tin hãng hàng không Air France tặng vé miễn phí.
Đáng lo ngại hơn là tình trạng không đủ chứng cứ để loại trừ tin giả, đặc biệt là tin giả liên quan đến sức khỏe. Ví dụ cho dù đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh lợi ích của tiêm chủng nhưng Pháp vẫn là quốc gia chống vắc xin tiêm chủng hăng nhất thế giới.
Không có chuyện nhà sản xuất Ferrero (Ý) thu hồi 625.000 lọ Nutella nhiễm vi khuẩn - Ảnh: secretnews.fr
Không chia sẻ thông tin nếu chưa xác minh
Visibrain và Heiderich Consultants đã đưa ra khuyến cáo quan trọng rằng người dùng Internet không nên chia sẻ thông tin nếu không xác minh trước, đặc biệt các nhân vật truyền thông, những người có ảnh hưởng hoặc các nhà chính trị cần cẩn trọng hơn.
Trước tiên người dùng Internet phải có ý thức tích hợp tin giả vào danh mục các nguy cơ rủi ro để kiểm tra nghiêm ngặt. Điều cần thiết là phải có cách tiếp cận tổng quát đối với rủi ro tin giả để ngăn chặn ngay từ đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận