Diều, "chị Hai" và ngoại yêu thương và đùm bọc nhau trong nghèo khó - Ảnh: T.T.D.
Cảnh bé Diều được ngoại mang đi cho vì cuộc sống khó khăn và muốn cháu mình có tương lai - Video: T.T.D.
"Diều ơi" ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng
Vở kịch kể về cuộc đời của Nhớ (NSƯT Thoại Mỹ), một người con gái nông thôn ít học, đem lòng yêu một người đàn ông ở thành phố. Cô trao trọn đời con gái cho họ mà không biết rằng đằng sau những yêu thương, ngọt ngào lại chính là một âm mưu. Vì người vợ bị vô sinh, người đàn ông này đã tìm cách để có được trái tim của Nhớ, hòng để cô sinh cho vợ chồng anh ta một đứa con với mục đích sâu xa là để hưởng gia sản của gia đình vợ. Khi phát hiện sự thật, Nhớ tuyệt vọng đến hóa điên và luôn bị ám ảnh về kẻ muốn bắt cóc con mình.
Nhớ (góc phải) phát hiện âm mưu mình bị lợi dụng để sinh con cho họ - Ảnh: NGUYỆT NHI
Nhờ tình yêu thương của ngoại (NSƯT Quỳnh Hương), Bé Diều (bé Gia Hân) ra đời và lớn lên từng ngày trong vòng tay của ngoại và "chị Hai". Mặc dù không tỉnh táo, nhưng "chị Hai" rất thương yêu và bảo vệ bé Diều một cách tuyệt đối. Trong cơn điên, tâm hồn cô vẫn lấp lánh tình mẫu tử cao cả đối với đứa con bé bỏng của mình. Cô tìm hạnh phúc trong lòng nhân hậu, sự bao dung của người mẹ quê và đứa "em gái" - bé Diều.
"À ơi, con chim se sẻ nó đẻ cột đình
Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình, em biết không?"
Mỗi khi câu hát ấy vang lên, khán giả lại quặn thắt, xót thương cho một đời con gái lầm lỡ và sự hi sinh của người mẹ quê - "con dại cái mang", lo hết con rồi đến cháu.
"Hai chị em" Nhớ - Diều hát ru cho nhau - Ảnh: NGUYỆT NHI
NSƯT Thoại Mỹ thể hiện nhân vật Nhớ với nỗi đau tột cùng của một người mẹ mất con. Ngọn lửa của tình mẫu tử giúp cô âm thầm chờ đợi ngày đứa "em gái" trở về. Sau nhiều năm du học, Diều khi trưởng thành (Tuyết Oanh - Diều lúc lớn) biết được sự thật về người sinh ra mình. Cảnh Diều trở về quê được đạo diễn sắp xếp đan xen giữa hình ảnh lúc nhỏ và lớn hiện ra trước mặt người mẹ mà bao năm nay Diều vẫn hay gọi là "chị Hai", đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả.
Con diều - sợi dây gắn kết
Mở đầu, sân khấu hiện ra trước mắt khán giả một không gian đồng quê, có bóng dừa, ngọn lau, có đám trẻ trong làng tung tăng đùa giỡn. Tiếp đến là cảnh mẹ con Nhớ cùng vui chơi với con diều giấy. Từ lúc mở đầu đến kết thúc vở diễn, có thể thấy, con diều không chỉ là trò chơi tuổi thơ mà còn là vật gắn kết giữa mẹ con Nhớ. Con diều gắn với bó với tuổi thơ, con diều giúp bé Diều nhớ về mẹ, về bà và nuôi hy vọng trở về nhà. Nói về hình ảnh con diều, đạo diễn NSƯT - Hữu Quốc chia sẻ: "Con diều chính là hình ảnh gắn liền với tuổi thơ, nơi mà tất cả những đứa trẻ đều thường mơ ước được bay cao bay xa trên khung trời cao rộng. Nhưng chúng có biết rằng ở phía đầu dây thả là một sợi dây ân tình của mẹ luôn luôn giữ chặt để con diều của con được thăng bằng trong giông gió."
Diều lớn lên hồi ức lại tuổi thơ của mình - Ảnh: T.T.D.
Diều già dặn trước tuổi khi nói chuyện với ngoại - Ảnh: NGUYỆT NHI
Hơn 2 tiếng vừa lắng đọng cảm xúc, có lúc lại được hưởng những trận cười thỏa thích, khán giả khi bước ra khỏi phòng vẫn còn vương vấn nhiều tầng cảm xúc về vở "Diều ơi" giàu ý nghĩa - tình yêu thương, lòng hiếu thảo với cha mẹ là bổn phận và trách nhiệm của những đứa con dù họ là ai và họ thế nào.
Những tình huống hài hước khi Nhớ "bắt cóc" con hàng xóm về chăm khi Diều đi du học xa - Ảnh: T.T.D - NGUYỆT NHI
Diều trưởng thành về quê sum họp với mẹ - Ảnh: T.T.D.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận