Chỉ với chín tác phẩm, triển lãm đã lấp đầy và làm sống động toàn bộ không gian tầng trệt của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM với những sắp đặt ý niệm và ánh sáng ấn tượng, công phu.
Họa sĩ Lương Lưu Biên cảm nhận: "Một trải nghiệm thị giác tuyệt vời! Cả thế giới trong một hạt lúa. Một hạt lúa bé nhỏ là biểu tượng to lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là cả cuộc đời nghệ thuật của điêu khắc gia Bùi Hải Sơn".
Nghệ thuật còn là sự kết nối
* Ông cảm nhận thế nào trước sự đón nhận nồng nhiệt của người xem?
- Tôi rất xúc động khi có nhiều người đến với triển lãm trải rộng ở nhiều độ tuổi, cả giới chuyên môn lẫn đại chúng và khách nước ngoài. Càng thú vị hơn vì những nội dung mình chuyển tải được người xem cảm thông, chia sẻ.
Có nhiều bạn trẻ không chuyên về nghệ thuật nhưng đọc được thông điệp khi đứng trước tác phẩm. Đó là điều đáng mừng, vì nghệ thuật không chỉ đẹp mà còn là sự kết nối.
* Sau triển lãm đầu tay "Nguồn" năm 2010, ông đã chuẩn bị cho "Khải huyền" từ lúc nào?
- "Khải huyền" là một ý tưởng dài hơi đã manh nha từ năm 2017. Tôi dùng từ "Khải huyền" trong Kinh Thánh nhưng không mang nghĩa thánh kinh mà là sự hé mở, tỏa lộ những cảm nhận của con người về cuộc sống, từ những điều nhỏ nhất trước mắt mà đôi khi vì bận bịu mưu sinh khiến ta dễ bỏ qua. Tôi tiếp tục sử dụng hình tượng về hạt lúa đã gắn bó từ năm 1995 đến nay như một hướng đi cho bản thân mình. Nhưng lần này, hạt lúa không chỉ là hình tượng để tôn vinh mà trở thành một ngôn ngữ, một phương tiện nghệ thuật giúp tôi chia sẻ điều muốn nói.
Ví dụ với "Trầm tích", một phần tác phẩm là gỗ lũa chìm sâu dưới lòng sông, đã bị ăn mòn chỉ còn lại lõi cứng. Tôi mang về thành phố, kết hợp với vài vật liệu khác để thể hiện những thứ thuộc về quá khứ cho dù xưa cũ nhưng luôn có giá trị. Tất nhiên, chỉ những giá trị tốt đẹp thì mới trường tồn... Với tác phẩm "Âm dương", đó là cảm nhận về không gian sống trong quá khứ, hình ảnh cồn hay cù lao đặc thù của vùng quê tôi đã sống và lớn lên.
* Vậy có yếu tố bất ngờ nào xảy ra trong quá trình thực hiện tác phẩm của ông, hay tất cả đều nằm trong tính toán từ trước?
- Sau triển lãm "Nguồn", tôi cảm nhận các tác phẩm với chất liệu kim loại trắng luôn cho cảm giác thiên về lý trí. Sự tính toán chỉn chu về vật lý, kỹ thuật... không mang nhiều cảm xúc cho hình tượng. Từ đó, tôi quan tâm nhiều hơn về chiều sâu nội tâm, chỉ dự định hướng đi ban đầu và để cho tác phẩm tự chuyển dịch trong quá trình sáng tác. Những hạt lúa xanh nảy mầm trong tác phẩm "Đồng bằng" là một hướng đi như thế...
Giữ lại thăng bằng cho đời sống tinh thần
* Nhân nói về tuổi tác, làm thế nào để ông giữ được lửa nghề và sự cởi mở trong quá trình sáng tác?
- Tôi nghĩ là ở sự kiên trì, đi đến cùng điều đã vạch ra thì mới biết hiệu quả thế nào. Làm điêu khắc có khá nhiều thách thức: sức khỏe, thời gian, tài chính, điều kiện trưng bày... nếu khuất phục đồng nghĩa làm lại từ đầu! Tất nhiên cũng có lúc chao đảo, nhưng nhờ kiên định tôi mới có được câu chuyện nghệ thuật dài hơi như thế này.
Ngoài ra, với tuổi tác và lối sáng tác của tôi, không thể nào đi một mình... Sự đồng hành của các bạn kỹ thuật, những người tư vấn sẽ giúp mình đi vững hơn và xa hơn. Tôi cảm nhận để đi được đường dài, "cái tôi sáng tạo" cần phải kết hợp được với nhiều cá nhân khác.
* Còn điều gì khiến ông trăn trở trong quá trình thực hành điêu khắc sắp đặt?
- Tôi rất mong sẽ có thêm nhiều không gian nghệ thuật đương đại cho người trẻ. Chúng ta tôn trọng quá khứ với nhiều đài tưởng niệm là điều cần làm, nhưng không gian tinh thần cho thế hệ tương lai hầu như đang bị bỏ quên... Tôi hy vọng qua cuộc triển lãm này sẽ gợi mở ý thức về những không gian trưng bày như thế, nơi người xem đến không chỉ để chiêm ngưỡng tác phẩm mà để sống chan hòa cùng nghệ thuật.
Khi đời sống công nghiệp khiến con người mất dần đi cảm xúc, những không gian như thế sẽ giúp ta giữ lại thăng bằng cho đời sống tinh thần của đô thị.
Bùi Hải Sơn sinh năm 1957 tại cù lao Ông Chưởng, An Giang, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM, hiện sống và làm việc tại Sài Gòn.
Ông được đánh giá là một trong số vài điêu khắc gia tiêu biểu của Việt Nam thế hệ mới với nhiều tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, công viên Beasan (Iksan, Hàn Quốc) và Bảo tàng Takanabe (Miyazaki, Nhật Bản)... sưu tập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận