Lực lượng phòng thủ phóng xạ, hóa học và sinh học (RCBD) của Nga có lịch sử ra sao?
Lịch sử lâu đời
Theo Hãng tin Sputnik của Nga, ngày 13-11-1918, Hội đồng Quân sự cách mạng nước Nga Xô Viết đã ra lệnh thành lập lực lượng hóa học của Hồng quân, sau khi chứng kiến Đức dùng vũ khí hóa học chống lại Nga trong Thế chiến 1.
Trong thập niên 1920 và 1930, lực lượng hóa học huấn luyện cả quân đội và thường dân về phòng vệ hóa học, nhằm chuẩn bị cho một cuộc đại xung đột toàn cầu tiếp theo, đồng thời được phân công trực thuộc vào tất cả lực lượng súng trường và kỵ binh Nga.
Thế chiến 2, lo Đức lại sử dụng vũ khí hóa học, Hồng quân đã thành lập 19 lữ đoàn vũ khí hóa học chuyên dụng. Tuy nhiên, vũ khí hóa học không bao giờ được sử dụng và các đơn vị Nga đã bị giải tán sau khi cuộc chiến kết thúc.
Nhưng cuộc chạy đua vũ khí hủy diệt hàng loạt trong Chiến tranh lạnh Mỹ - Liên Xô đặt ra nhiệm vụ quan trọng mới cho lực lượng này, đó là chống lại nhiều loại vũ khí khác như vũ khí sinh học và hạt nhân, cộng thêm nhiệm vụ điều hành lực lượng mặt đất được trang bị súng phun lửa.
Lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết hậu quả thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986, với 10 trung đoàn và tiểu đoàn tham gia vào các hoạt động dọn dẹp và xây dựng "quan tài" khổng lồ che phủ lò phản ứng số 4 bị hư hại.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, năm 1992, lực lượng hóa học được đổi tên thành Lực lượng phòng thủ phóng xạ, hóa học và sinh học (RCBD).
Lực lượng không thể thiếu trong quân đội Nga
Lực lượng RCBD hiện đại luôn sẵn sàng chiến đấu ở mọi đơn vị của lực lượng vũ trang Nga, từ lực lượng mặt đất, lực lượng hàng không và tên lửa cho tới lực lượng hải quân phụ trách tàu ngầm hạt nhân. Họ cũng làm việc ở các trung tâm huấn luyện về phòng thủ xạ-sinh-hóa cho binh sĩ Nga.
Nhiệm vụ của RCBD là trinh sát để phát hiện mức độ phóng xạ cao và việc sử dụng vũ khí sinh học; khử nhiễm, khử khí độc, khử trùng với khu vực và đồng phục, thiết bị của lực lượng hoạt động trong khu vực bị ô nhiễm bởi vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Đồng thời vận hành súng phun lửa, bệ phóng tên lửa nhiệt áp TOS-1A Solntsepek và TOS-2 Tosochka.
Năm 2022, RCBD thu hút sự chú ý của quốc tế khi liên tiếp báo cáo về mạng lưới phòng thí nghiệm sinh học quân sự do Mỹ tài trợ và vận hành ở Ukraine, tại các khu vực thuộc Liên Xô cũ và trên khắp thế giới.
Họ cho rằng các hoạt động do Mỹ dẫn đầu đã tạo ra nhiều mầm bệnh như bệnh xuất huyết, bệnh xoắn khuẩn vàng da (leptospirosis), viêm màng não, virus Hanta và nghiên cứu các mẫu huyết thanh nhắm mục tiêu cụ thể đến các nhóm "dân tộc Slav".
Thành tích của RCBD đã được ghi nhận trong "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine, với hai lữ đoàn được phong tặng danh hiệu Cận vệ cao quý, bốn sĩ quan nhận được Huy chương Anh hùng Liên bang Nga và 310 binh sĩ nhận được Huân chương Dũng cảm.
Theo trang tin quân sự Defense Mirror, các nhà nghiên cứu RCBD đã phát triển loại vải "tàng hình", được giới thiệu tại Diễn đàn ARMY tổ chức tháng 8-2023 tại Nga.
Kết cấu của vải có ba lớp: lớp trong cùng ngăn bức xạ hồng ngoại từ cơ thể người mặc, lớp giữa hấp thụ bức xạ hồng ngoại và lớp ngoài cùng phản xạ bức xạ hồng ngoại từ môi trường.
Trang phục được làm từ vải "tàng hình" cùng với kính bảo hộ đặc biệt sẽ giúp quân đội Nga thực hiện các hoạt động giám sát mà không bị phát hiện bởi máy ảnh nhiệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận