21/05/2019 19:18 GMT+7

Điều hành giá điện, xăng dầu: Chính phủ chỉ đạo sát sao, cân nhắc nhiều yếu tố

N.AN
N.AN

TTO - Báo cáo Chính phủ đánh giá quá trình xây dựng phương án điều hành giá điện, ban hành quyết định đã được thực hiện theo đúng quy định, chỉ đạo của Thủ tướng.

Điều hành giá điện, xăng dầu: Chính phủ chỉ đạo sát sao, cân nhắc nhiều yếu tố - Ảnh 1.

Điều chỉnh giá bán lẻ điện được Chính phủ chỉ đạo sát sao - Ảnh: EVN

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo về tình hình điều hành , xăng dầu do Chính phủ gửi Quốc hội ngày 21-5. 

Báo cáo được ông Trần Tuấn Anh, bộ trưởng Bộ Công thương, thừa ủy quyền của Thủ tướng gửi Quốc hội sau 1 ngày Quốc hội có yêu cầu báo cáo.

Thực hiện đúng quy định về điều chỉnh giá điện

Theo đó, đối với việc điều hành giá điện, báo cáo Chính phủ cho biết việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 được thực hiện trên cơ sở các quy định liên quan như Luật điện lực, quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, quyết định 34/2017 của Thủ tướng về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 - 2020.

Thực hiện theo các quy định trên, trong quá trình xây dựng và ban hành giá, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có báo cáo, trên cơ sở đó Thủ tướng, Phó thủ tướng có ý kiến chỉ đạo. Việc lựa chọn thời điểm tăng giá (từ ngày 15 đến ngày 30-3) là theo đề xuất của liên bộ và Tổng cục Thống kê.

"Việc cân nhắc thời điểm điều chỉnh giá điện vào ngày 20-3 đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá tính toán tổng thể để đồng bộ với các điều chỉnh về giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, học phí, đảm bảo CPI của cả năm nằm trong khoảng từ 3,3 - 3,9%, thấp hơn 4% mức CPI chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua" - báo cáo nêu.

Báo cáo gửi Quốc hội cũng nêu rõ các chi phí được phép đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện và đưa vào tính toán điều chỉnh giá điện năm 2019, đã được kiểm toán độc lập và đoàn kiểm tra liên ngành gồm các bộ Tài chính, Lao động - thương binh và xã hội, Ủy ban Kinh tế, Văn phòng Chính phủ, Hội Điện lực, Hội Bảo vệ người tiêu dùng... tham gia, sau đó Bộ Công thương họp báo công bố, công khai trên website.

Đối với thông tin giá điện gánh chi phí ngoài ngành, Chính phủ dẫn báo cáo của EVN cho biết các khoản đầu tư ngoài ngành cơ bản đã được thoái hết vốn. Tổng giá trị thu về là 2.341 tỉ đồng, thặng dư 127 tỉ đồng và hiện chỉ còn khoản đầu tư tương ứng 7,5% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Tài chính Điện lực đang kinh doanh có lợi nhuận.

Dựa trên các thông số đầu vào, phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 8,36%, chưa bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá là 3.266 tỉ đồng. Nếu tính thêm khoản này giá có thể tăng là 9,26%, nhưng để tránh tác động lớn đến CPI và ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng 8,36%.

Những phản ánh của người dân về hóa đơn tiền điện tăng cao cũng được Bộ Công thương thực hiện kiểm tra tại các đơn vị điện lực. Theo đó, những phản ánh của khách hàng về hóa đơn tiền điện, giá điện chỉ chiếm tỉ lệ thấp và các thắc mắc đã được giải đáp thỏa đáng.

Báo cáo Chính phủ đánh giá, quá trình xây dựng phương án điều hành giá điện, ban hành quyết định đã được thực hiện theo đúng quy định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc niêm yết giá điện mới, ghi chốt chỉ số công tơ tính tiền điện, áp giá bán lẻ đến nay chưa phát hiện gian lận, cố tính tính sai tiền điện.

Sớm công bố kết luận thanh tra giá điện

"Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện ngày 20-3 vừa qua đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao, cân nhắc nhiều yếu tố, xem xét đánh giá tác động nhiều chiều và bảo đảm tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành" - báo cáo nêu.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận trong đợt điều chỉnh giá điện vừa qua, các bộ, ngành, EVN có lúc còn lúng túng chưa phối họp chặt chẽ và kịp thời để làm tốt công tác thông tin, công khai minh bạch giá điện.

Báo cáo Chính phủ cũng khẳng định tới đây sẽ chỉ đạo Ban điều hành giá tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%. Chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền về tiết kiệm điện, công bố kết quả kiểm tra điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá, thu tiền điện.

Bộ Kế hoạch và đầu tư đánh giá tác động điều chỉnh giá điện tới hộ kinh doanh, sản xuất; Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh gia giá điện, sớm công bố công khai; nghiên cứu sửa biểu giá điện lũy tiến, đẩy mạnh phát triển thị trường điện...

Nghiên cứu sửa thuế, khuyến khích dùng xăng E5, E10

Liên quan đến việc điều hành giá xăng dầu, báo cáo Chính phủ cũng cho biết diễn biến giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng, cộng thêm việc tăng thuế bảo vệ môi trường, song để giữ ổn định giá liên bộ Tài chính - Công thương đã chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu liên tục và ở mức cao, tránh tác động cộng hưởng trong đợt điều chỉnh tăng giá điện ngày 20 tháng 3 năm 2019) hoặc hạn chế mức tăng giá bán xăng dầu trong nước.

"Giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước hiện nay (sau kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 2-5) tăng khoảng 17,2 - 27,1% so với đầu năm 2019. Như vậy, có thể thấy mức tăng giá bán lẻ các mặt hàng trong nước từ đầu năm đến nay vẫn được liên bộ Công Thương - Tài chính điều hành tăng thấp hơn mức tăng của giá thành phẩm xăng dầu thế giới (30,6 - 46,2%), thông qua sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu" - báo cáo đánh giá.

Để đảm bảo điều hành xăng dầu, báo cáo Chính phủ cho biết liên bộ Công thương - Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp để điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến giá thế giới, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước. Đồng thời sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, bảo đảm cho việc bình ổn thị trường; tiếp tục khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5RON92.

Đối với nghị định 83/2014 về quản lý kinh doanh xăng dầu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công thương và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, đánh giá, xem xét sửa đổi các quy định về thuế, nghiên cứu quy định thuế bảo vệ môi trường cho riêng xăng sinh học E5, E10.

Đồng thời tiếp tục rà soát, cắt giảm một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu giúp doanh nghiệp tham gia thị trường để cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo nguồn cung. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị định số 83 để ngày càng hoàn thiện hơn công tác quản lý, điều hành thị trường xăng dầu.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên