Điều gì làm nên sự tử tế?

BÌNH MINH 25/07/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa Nature Medicine ngày 14-6 cho biết giữa ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, những tin nhắn, dự án gây quỹ và hoạt động kết nối cộng đồng xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết. Hoàn cảnh khó khăn trở thành “liều thuốc thử” cho sự tử tế và hào phóng của con người.

Những hành động tử tế như điểm sáng giữa đại dịch. Ảnh: Good Housekeeping

 

Nhiều bài báo khoa học chỉ ra tác dụng tích cực của sự tử tế lên tính cách, sức khỏe tinh thần và thể chất.

Tử tế từ đâu mà có?

Nhiều nghiên cứu chứng minh sự tử tế và lòng tốt nằm trong bản chất của mỗi người từ khi còn bé và dần thay đổi qua thời gian trong quá trình xã hội hóa của họ. Một trong những nghiên cứu nổi tiếng chứng minh lòng tốt ở trẻ nhỏ từng được hai nhà tâm lý học Felix Warneken và Michael Tomasello thực hiện năm 2007. 

Trong nghiên cứu, một người vờ như đánh rơi chiếc kẹp quần áo trong lúc phơi đồ và không thể lượm chiếc kẹp lên. Cậu bé trong thí nghiệm đã chủ động chạy lại nhặt và đưa chiếc kẹp cho người đàn ông. 

Với kịch bản thách thức hơn, một người lớn đang nỗ lực luồn tay qua khe hở phía trên chiếc hộp để lấy đồ nhưng không được. Trẻ tiến đến, không chỉ giúp đỡ mà còn chỉ cho người lớn cách xử lý hiệu quả hơn bằng việc mở nắp hộp phía bên hông. 

Kết quả chứng minh các trẻ 18 tháng tuổi sẵn sàng giúp đỡ người khác dù không được yêu cầu. Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Childhood Studies, các tác giả John-Tyler Binfet và Camilla Enns cho biết trẻ nhỏ thể hiện sự tử tế qua cách hành động về thể chất - như giúp đỡ ai đó đứng dậy khi bị ngã, hoặc bằng tình cảm - như việc kết bạn với những bạn mới chuyển đến, chia sẻ một bữa ăn, rủ chơi cùng.

Ở người trưởng thành, theo các nghiên cứu về lòng tốt ở thanh thiếu niên của Jessica Cotney và Robin Banerjee năm 2017, có 10 loại hành vi thể hiện sự tử tế, bao gồm việc hỗ trợ về tinh thần, sự giúp đỡ, hào phóng, tích cực xã hội, trung thực, tha thứ, khen ngợi, chủ động hỗ trợ, hòa nhập xã hội và lòng tốt dành cho người xa lạ.

Donna Cameron, tác giả quyển sách A Year of Living Kindly: Choices That Will Change Your Life and the World Around You (Một năm sống tử tế: Những lựa chọn sẽ thay đổi cuộc đời và thế giới xung quanh bạn) xuất bản năm 2018 nhấn mạnh khi trưởng thành, việc sống tử tế dường như trở nên khó khăn hơn do có những rào cản.

Rào cản đầu tiên là nỗi sợ. Chúng ta sợ lòng tốt của mình bị từ chối hoặc hiểu lầm, sợ làm sai, sợ thu hút sự chú ý và khiến ta xấu hổ. Bộ não của chúng ta có thể tìm ra bất kỳ lý do nào để từ chối phải làm một việc vừa thoáng xuất hiện trong suy nghĩ, thậm chí một ý nghĩ đang thôi thúc ta làm.

Tác phẩm gửi về Trung tâm Nội dung sáng tạo ứng phó COVID-19. Ảnh: Elizabeth Gu

 Một nghiên cứu do Phong trào Tử tế Singapore (Singapore Kindness Movement) thực hiện năm 2019 cho thấy rào cản đối với lòng tốt có thể thay đổi theo độ tuổi. Những người trẻ từ 15 - 24 tuổi từ chối mở rộng sự tử tế chủ yếu vì họ sợ bị xấu hổ, chứ không phải là họ không muốn tử tế. 

Nhiều người trong số những người trẻ tuổi này tình nguyện dành thời gian cho các tổ chức từ thiện hoặc quyên góp tiền cho những mục đích xứng đáng. Tuy nhiên, họ tránh thực hiện những hành động tử tế công khai vì sợ bị chế giễu, chỉ trích trên mạng xã hội.

Ngược lại, những người tham gia nghiên cứu ở độ tuổi lớn hơn không lo lắng về việc xấu hổ. Với họ, lý do chính để không thể hiện lòng tốt là vì họ không chắc chắn điều gì là nên làm, hoặc đơn giản là không nhận thấy rằng ai đó cần giúp đỡ.

Hầu hết các bậc cha mẹ muốn con cái coi trọng việc tử tế. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát quốc gia từ Making Caring Common, trẻ em tin rằng cha mẹ chúng quan tâm nhiều hơn đến việc chúng đạt điểm cao và làm những gì khiến chúng hạnh phúc chứ không nhất thiết là chúng làm cho người khác hạnh phúc. 

Theo bác sĩ David Fryburg, đồng sáng lập tổ chức Envision Kindness, những hành động đơn giản như mỉm cười, ôm ấp và ân cần có thể báo hiệu cho trẻ biết rằng lòng tốt là quan trọng. Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường dạy chúng cách hành xử tử tế sẽ trở nên tử tế hơn. 

Mark T. Greenberg - giáo sư tâm lý học và phát triển con người tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ), đồng tác giả của nghiên cứu kéo dài 20 năm ở các trẻ mẫu giáo - nhấn mạnh: “Những đứa trẻ hành xử tử tế và tốt bụng một phần nhờ vào việc cha mẹ làm gương”.

Nghiên cứu của Greenberg và các đồng sự theo dõi những đứa trẻ từ mẫu giáo cho đến khi chúng bước sang tuổi 25 tiết lộ những lợi ích đáng ngạc nhiên của hành vi ủng hộ xã hội. 

Theo đó, trẻ thể hiện những hành vi này từ sớm có xu hướng ở trường nhiều hơn, tránh những hoạt động phạm pháp, tránh lạm dụng ma túy hoặc rượu và có sức khỏe tâm thần tốt hơn khi trưởng thành.

Theo Harvard Business Review (HBR), ở những công sở nơi mà hành động tử tế trở thành chuẩn mực, tác động lan tỏa có thể nhân lên nhanh chóng. Khi mọi người nhận được một hành động tử tế, họ sẽ báo đáp, và không chỉ với cùng một người mà thường là với một người khác. Điều này dẫn đến văn hóa tử tế trong một tổ chức. 

Trong một nghiên cứu phân tích hơn 3.500 đơn vị kinh doanh với hơn 50.000 cá nhân, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các hành vi lịch sự, giúp đỡ và khen ngợi có liên quan đến các mục tiêu cốt lõi của tổ chức. Khi những hành vi này tăng lên thì năng suất và hiệu quả trong công việc của nhân viên được dự báo sẽ tăng lên, trong khi số người nghỉ việc giảm bớt.

Khi các lãnh đạo và nhân viên cư xử tử tế với nhau, họ tạo điều kiện cho một nền văn hóa hợp tác và đổi mới. Đặc biệt, lãnh đạo là những người nên dẫn dắt những hành vi tử tế. Bằng cách khen ngợi nhân viên và hành động tử tế, lãnh đạo có thể thúc đẩy các thành viên khác sao chép hành vi của họ và tạo ra các chuẩn mực về lòng tốt trong nhóm.

Tác phẩm gửi về Trung tâm nội dung sáng tạo ứng phó COVID-19. Ảnh:Si- Nister

 Lòng tốt giữa đại dịch

Tạp chí khoa học The Lancet đăng tải nhận định của bác sĩ, nhà dịch tễ học Sandro Galea (Trường Y tế công cộng Đại học Boston, Mỹ) cho thấy dịch COVID-19 tạo nên làn sóng những hành vi ủng hộ xã hội nhằm giúp đỡ người sống trong khu vực bị phong tỏa hoặc hỗ trợ cho các nhân viên tuyến đầu như bác sĩ, y tá, nhân viên chăm sóc sức khỏe. Đại dịch đã kéo các cộng đồng lại gần nhau.

Tháng 3-2020, Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi nguồn lực cộng đồng đóng góp cho Trung tâm Nội dung sáng tạo ứng phó COVID-19. Người sáng tạo từ khắp nơi trên thế giới gửi tác phẩm về nhiều chủ đề như vệ sinh cá nhân, tinh thần đoàn kết, nhận biết dấu hiệu... dưới các hình thức như minh họa và thiết kế đồ họa, âm thanh, video hay hình ảnh động. 

Trong đó, có hạng mục riêng về lan tỏa sự tử tế. Đến nay, hạng mục này đã nhận về 689 tác phẩm nghệ thuật từ nhiều quốc gia với các thông điệp tích cực như “Đừng sợ hãi”, “Xin cảm ơn vì đã hy sinh sức khỏe của các bạn vì chúng tôi”, “Hãy an toàn, hãy bình tâm”...

Hàng loạt hành động tử tế được ghi nhận ở khắp nơi trên thế giới. Tinh thần “pay it forward” (đáp đền tiếp nối) góp phần thúc đẩy những tin nhắn, các hoạt động gây quỹ và hỗ trợ cộng đồng. 

Các chiến dịch kêu gọi quyên góp hỗ trợ mua vaccine cho các quốc gia thu nhập trung bình và thấp cũng xuất hiện. Chiến dịch kêu gọi nguồn lực cộng đồng tại London (Anh) đã thu về hơn 1,5 triệu bảng Anh từ 20.000 người để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ phục hồi sau dịch COVID-19.

 
 *** Error ***

 Nhiều nhóm giúp đỡ dùng các chương trình “đáp đền tiếp nối” để cung cấp vật chất, lời khuyên hoặc động viên người khác trong địa phương. “Time banking” (ngân hàng thời gian), một phương thức hỗ trợ lẫn nhau, cho phép mọi người đóng góp thời gian để tình nguyện giúp đỡ người trong cộng đồng đang gặp khó khăn do dịch bệnh. 

Hành động này mang về cho họ các điểm thưởng hoặc một khoản tiền - có thể được dùng để yêu cầu hỗ trợ từ những tình nguyện viên khác. Ngân hàng thời gian dựa vào sự tử tế của cá nhân và cộng đồng để giải quyết các vấn đề về sức khỏe.

Một nghiên cứu công bố đầu năm 2021 trên tạp chí Transfusion Medicine cho thấy những người hồi phục sau khi mắc COVID-19 chọn cách hiến tặng huyết tương như một cách thể hiện lòng biết ơn vì đã sống sót. Họ mong đóng góp để chữa trị cho những bệnh nhân COVID-19 hiện tại và hỗ trợ các thử nghiệm đang diễn ra, như một cách “đáp đền tiếp nối”. ■

Theo Từ điển Tâm lý học của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), tử tế là hành động nhân từ và hữu ích có chủ đích hướng tới người khác. Hành động này được thúc đẩy bởi mong muốn giúp đỡ người khác chứ không phải để đạt được phần thưởng rõ ràng hoặc để tránh bị trừng phạt. Sự tử tế gồm ba thành tố chính: động lực đối xử tốt với người khác, khả năng ghi nhận lòng tốt của người khác và thực hiện hành vi tử tế hằng ngày.

Ngày thế giới tử tế được chọn là ngày 13-11 hằng năm với mục đích nêu bật, chia sẻ và tôn vinh những hành động tử tế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận