Báo Asia Times đánh giá trong bối cảnh hiện tại, cả Nga và Ukraine đều không sẵn sàng thỏa hiệp với các mục tiêu đã nêu, nhưng cả hai cũng không có lộ trình rõ ràng để đạt được các mục tiêu này.
Tất cả những gì hai nước đang làm là ngăn chặn đối phương giành chiến thắng, với cái giá phải trả là Ukraine biến thành bãi chiến trường.
Thế trận giằng co
Vào cuối năm 2022, Ukraine nắm nhiều lợi thế. Cuộc phản công thành công đã khiến nước này giành lại quyền kiểm soát lãnh thổ xung quanh Kharkov ở phía bắc và buộc Nga phải rút quân khỏi Kherson ở phía nam.
Trong những tháng tiếp theo, Nga thắng lợi khi kiểm soát Soledar vào tháng 1-2023 và Bakhmut vào tháng 5. Hai chiến thắng này khiến Matxcơva phải trả cái giá khá đắt về nhân sự.
Tới tháng 6, Ukraine tiến hành phản công diện rộng nhưng mất nhiều thời gian hơn dự định và không thể tái lập thành công. Cho tới cuối năm nay, Kiev chỉ có thể giành được một số lãnh thổ nhỏ dọc theo tiền tuyến tại Zaporizhzhia ở phía nam.
Trong vài tuần qua, các cuộc giao tranh khốc liệt nhất tập trung ở Donbass. Ngoài ưu thế về nhân lực, Nga còn được hưởng lợi từ tình trạng thiếu đạn pháo của Ukraine, tình trạng này có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh trong cuộc họp báo cuối năm thường niên vào ngày 14-12 rằng sẽ không có hòa bình cho đến khi Nga đạt được mục tiêu "phi quân sự hóa và thiết lập quy chế trung lập cho Ukraine".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thì tuyên bố rằng công thức hòa bình 10 điểm của ông là con đường duy nhất dẫn tới một nền hòa bình công bằng và ổn định. Zelensky cũng thừa nhận rằng ông không thể nhìn ra kết thúc rõ ràng cho cuộc xung đột.
Chiến sự Ukraine sẽ kéo dài?
Vẫn còn nhiều nghi ngại về tính bền vững trong ủng hộ của các nước phương Tây cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
Tờ Asia Times cho rằng phương Tây ủng hộ Ukraine khôi phục hoàn toàn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng đồng thời lại có sự do dự trong việc cung cấp cho Ukraine những nguồn lực cần thiết để giành chiến thắng trên chiến trường.
Điều này không chỉ cản trở nỗ lực giải phóng các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng của Ukraine mà còn có thể khiến Điện Kremlin từ chối tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào. Trừ khi có sự thay đổi đáng kể về số lượng và chất lượng hỗ trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine, nếu không cục diện hiện nay khó có thể thay đổi.
Mục tiêu khả dĩ lúc này của Ukraine là tập trung phòng thủ, ngăn Nga kiểm soát thêm lãnh thổ.
Việc kéo thêm thời gian tuy tốn kém nhưng sẽ mang lại cho Ukraine một số lợi thế. Đầu tiên là huấn luyện và sử dụng tốt nhất 500.000 binh sĩ mới được tuyển dụng để tăng cường lực lượng tiền tuyến đang kiệt sức.
Tiếp theo là giúp các đồng minh châu Âu của Kiev có thời gian tìm cách thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay về nguồn tài trợ. Đây không chỉ là huyết mạch quan trọng đối với nền kinh tế Ukraine,, mà còn là một nguồn dự phòng cần thiết nếu tài trợ của Mỹ tiếp tục bị chặn, đặc biệt là sau kỳ bầu cử tổng thống năm 2024.
Đồng thời, Ukraine đang cải thiện hoạt động sản xuất quốc phòng bằng liên doanh với các công ty vũ khí phương Tây.
Giống như hầu hết các cuộc chiến khác, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine rất có thể cũng sẽ kết thúc trên bàn đàm phán. Ngay cả khi điều này không xảy ra vào năm 2024, điều đó không có nghĩa là những nỗ lực ngoại giao sẽ không có đất dụng võ.
Để có thể cùng ngồi vào bàn đàm phán, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự ở Kiev cũng như các đồng minh phương Tây của Ukraine phải có cái nhìn nghiêm túc và trung thực về những gì họ thực sự muốn và có thể đạt được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận