Giáo viên tại Quảng Trị sẽ phải chấp hành quy chế điều động mới. Trong ảnh: một lớp học vùng khó khăn tại Quảng Trị - Ảnh: QUỐC NAM
Tỉnh Quảng Trị vừa ban hành quy chế điều động giáo viên sau khi thực hiện việc sáp nhập các trường trên địa bàn. Quy chế này có nhiều quy định mới, trong đó có việc ràng buộc giáo viên phải chấp hành việc điều động.
Thậm chí, nếu không chấp hành điều động, giáo viên sẽ bị buộc thôi việc. Liệu việc này có ổn không?
Trước hết, xin khẳng định việc điều động giáo viên để bảo đảm cho việc dạy học ổn định, điều hòa chất lượng giữa các trường trên địa bàn là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, không thể không có những băn khoăn sau:
1. Theo quy chế kể trên, giáo viên không chấp hành điều động sẽ bị áp dụng chính sách tinh giản biên chế hoặc cho thôi việc. Giáo viên là viên chức, kỷ luật viên chức thực hiện theo nghị định 27/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức, ban hành ngày 6-4-2012.
Theo nghị định này thì không có điều nào liên quan đến việc bị cho thôi việc nếu không chấp hành sự phân công, luân chuyển. Vậy, giáo viên không chấp hành việc điều động bị cho thôi việc có đúng theo nghị định 27/2012/NĐ-CP?
2. Theo quy chế của Quảng Trị vừa ban hành, giáo viên công tác tại vùng thuận lợi và giáo viên công tác tại vùng khó khăn sẽ được liên tục điều động để đổi chỗ cho nhau. Vậy, giáo viên vùng thuận lợi, ai sẽ được điều động đến vùng khó khăn? Tiêu chuẩn về sức khỏe - năng lực nghề nghiệp - trình độ chuyên môn cụ thể ra sao?
Đưa đến vùng khó khăn, cần giáo viên có nhiều kinh nghiệm mới có thể giúp đồng nghiệp tại đây hiệu quả. Số giáo viên này ở các trường thường là giáo viên cốt cán, có thể là tổ trưởng chuyên môn, tổ phó chuyên môn, phụ trách các đoàn thể. Điều động số này đi, lãnh đạo các trường có thuận tình hay không?
Chưa kể tới đây, các trường phổ thông công lập dần dần được phân cấp theo hướng tự chủ, điều động nhân sự không khéo lại vướng đấy! Điều động kiểu "tự động", có khi giáo viên yếu kém về chuyên môn, phẩm chất đạo đức được điều động đến các trường vùng khó khăn, họ chẳng giúp gì mà lại làm cho nơi đến... khó hơn!
Đối với giáo viên được điều về công tác tại vùng khó khăn, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nguyện vọng về trường vùng thuận lợi không được đáp ứng, trường hợp này sẽ giải quyết như thế nào?
3. Điều giáo viên vùng thuận lợi đi rồi sẽ trả về, ngày về trường cũ có còn chỗ trống xưa hay không? Bởi, khi đưa đi, trường cũ không thể chờ giáo viên quay về mà do yêu cầu công tác cần có người thay thế, đồng thời cấp trên cũng sẽ điều động giáo viên vùng khó về thay chỗ. Thực tế đó làm cho người đi không yên tâm công tác, rồi điều gì sẽ xảy ra...?
4. Trường học muốn nâng cao chất lượng thì đội ngũ phải ổn định; nay với quy chế mới, 2-3 năm có biến động về nhân sự, cả nơi đi và nơi có giáo viên đến, lãnh đạo trường ai cũng lo. Nơi giáo viên mới đến, việc bồi dưỡng cho họ về năng lực, trách nhiệm, giúp họ có cơ hội phát triển nhiều mặt, lãnh đạo trường liệu có mặn mà hay không?
5. Số lượng người điều đi tại một trường thuộc vùng thuận lợi là bao nhiêu? Có trường khó khăn nhưng không nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, giáo viên đến công tác không được tăng phụ cấp bao nhiêu, vậy để họ yên tâm công tác, ngành giáo dục Quảng Trị có biện pháp nào để động viên người đi về tinh thần và vật chất?
6. Thời hạn điều động là 2 năm đối với nữ và 3 năm đối với nam, đến trường mới, mất 1 học kỳ để làm quen, vài ba học kỳ còn lại giáo viên được điều động đến có kịp để lại dấu ấn về chuyên môn hay chưa? Giáo dục luôn cần sự ổn định về tâm lý giáo viên, điều kiện ăn ở, đi lại, công tác của họ. Nay dạy mà cứ thấp thỏm chờ đi hay đợi về, liệu có ổn hay không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận