07/11/2011 08:37 GMT+7

Điều đáng xấu hổ đã trở thành bình thường

TRẦN HUỲNH - HÀ BÌNH ghi TS ĐINH PHƯƠNG DUY (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM)
TRẦN HUỲNH - HÀ BÌNH ghi TS ĐINH PHƯƠNG DUY (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM)

TT - Việc học hộ, thi hộ có khuynh hướng ngày càng nhiều. Đó là tâm lý học sao cũng được, miễn có cái bằng vì mục tiêu nào đó như thăng quan tiến chức chẳng hạn. Sự kiện một phó giám đốc sở bị phát hiện có người thi hộ nếu không giải quyết thỏa đáng sẽ làm người ta suy nghĩ quan chức đi học được bảo bọc, che chở.

Thực tế, không ít trường hợp thi hộ trót lọt. Vì thế họ nghĩ sẽ không khó để làm việc này và coi đó là điều bình thường. Ngày trước, một học sinh quay cóp trong giờ thi cảm thấy xấu hổ và áy náy vô cùng. Nhưng bây giờ chuyện gian lận trong thi cử đang trở nên bình thường nên không ít người cố vượt qua bằng mọi cách.

Việc thi hộ cho thấy lâu nay chuyện học giả bằng thật là hiện tượng có thật. Điều này ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt là gieo cho người ta tâm lý thiếu tin tưởng vào những bằng cấp của hệ thống bằng cấp VN.

Chính cơ chế quản lý, kiểm soát trong giáo dục hiện nay chưa chặt chẽ nên học hộ, thi hộ vẫn có đất sống. Việc xử lý những người học hộ, thi hộ lại chưa rốt ráo.

Theo tôi, những người nhờ người khác học hộ, thi hộ chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt. Tình trạng sính bằng cấp đang hiện diện nhiều nơi nên nhiều người tìm mọi cách có được tấm bằng để giữ ghế... Đôi khi những người không có tài nhưng có sẵn một chỗ đứng trong xã hội thì họ vẫn thấy đó là cái lợi. Họ không quan tâm tới giá trị về mặt kiến thức mà chỉ nghĩ tới việc làm sao có tấm bằng.

Nhưng về lâu dài chắc chắn việc này không có lợi gì đối với bản thân họ. Bởi vì mục đích của việc đi học là để có thêm kiến thức, từ đó người học mới đủ năng lực để làm việc. Những người “học giả” như vậy sẽ thiệt thòi về mặt kiến thức, về giá trị nhân phẩm.

Muốn giải quyết việc này trước hết phải thực hiện quy chế đào tạo thật chặt chẽ, tuyệt đối không được xuê xoa, không có ngoại lệ nào cho bất kỳ ai. Cần nhanh chóng đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng thực tế nhiều hơn nữa. Làm được việc này sẽ hấp dẫn người học vì học sẽ không bỏ qua cơ hội được trang bị kiến thức, kỹ năng để làm được việc. Muốn vậy phải có đội ngũ quản lý giáo dục đủ sức, đủ tầm và các thầy cô giáo đủ năng lực, hết sức gương mẫu.

Bên cạnh đó cần phải lên án mạnh mẽ những vụ tiêu cực trong học hành, thi cử. Nếu phát hiện trường hợp “bằng giả, học giả” phải xử lý thật nghiêm. Đồng thời xây dựng và thực hiện đúng các tiêu chí tuyển dụng để chọn được người thật sự có năng lực, không nên coi trọng bằng cấp. Nếu làm nghiêm túc sẽ hạn chế rất nhiều hiện tượng “học giả bằng thật”.

TRẦN HUỲNH - HÀ BÌNH ghi TS ĐINH PHƯƠNG DUY (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên