Sơ đồ tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ được Bộ GTVT phê duyệt và phương án mới được đề xuất (màu đỏ) - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Dự án dự kiến sẽ được trình Chính phủ trong năm nay.
Phương án cũ: dự án đi qua nhiều khu dân cư
GS.TS Trần Công Hoàng Quốc Trang, viện trưởng Viện khoa học và công nghệ Phương Nam (Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam), trưởng Ban quản lý dự án đầu tư tuyến , cho biết theo phương án hướng tuyến cũ đã được Bộ GTVT phê duyệt ngày 7-8-2013, tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ có tổng chiều dài 173,677km với 14 ga.
Điểm đầu dự án là ga An Bình thuộc P.An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương, điểm cuối tuyến là ga Cái Răng, P.Phú Thứ, Q.Cái Răng, TP Cần Thơ.
Tuyến đường sẽ đi qua các địa phương Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Cũng theo phương án đã được duyệt này, đoạn qua tỉnh Long An và Tiền Giang phần lớn chạy qua các khu dân cư, đô thị đông đúc.
Cụ thể, đoạn qua Long An sẽ đi qua TP Tân An, còn đoạn qua Tiền Giang đi qua hầu hết các thành phố, thị xã đông dân cư nên việc giải tỏa sẽ rất khó khăn.
Đề xuất dời đường sắt vào sát đường bộ cao tốc
Tại buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang mới đây, đơn vị tư vấn đề xuất chia dự án ra 2 giai đoạn, giai đoạn 1 được thực hiện trước, làm từ ga Tân Kiên (Bình Chánh, TP.HCM) đến ga Cái Răng (Cần Thơ) có chiều dài khoảng 139km.
Theo ông Trang, cuối năm nay dự án sẽ được trình Bộ GTVT, Chính phủ và Quốc hội. Dự kiến năm 2019 triển khai dự án.
Một sự điều chỉnh lớn lần này là từ ga Tân Kiên đến hết địa phận tỉnh Tiền Giang tuyến đường sắt sẽ đi cặp chung hành lang với đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, thay vì đi vào các khu dân cư, đô thị như trước đây.
Riêng đoạn qua Vĩnh Long, Cần Thơ vẫn giữ nguyên.
Hơn 461ha tại huyện Châu Thành, Tiền Giang dự kiến sẽ được giải tỏa để giao cho nhà đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Tại buổi làm việc này, GS.TS Trần Công Hoàng Quốc Trang cho biết việc bố trí hướng tuyến đi chung hành lang với đường bộ cao tốc sẽ giảm thiểu khối lượng giải phóng mặt bằng; đảm bảo an toàn giao thông, tránh chia cắt nhiều lần các khu vực địa lý của địa phương.
Đổi lại, phương án mới lại thu hồi một diện tích đất rất lớn để giao cho nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP.
Cụ thể, 3 nhà ga ở Tiền Giang gồm ga Tam Hiệp (Châu Thành), ga Cai Lậy (huyện Cai Lậy) và ga Cái Bè (huyện Cái Bè) địa phương phải giải tỏa và giao cho nhà đầu tư trên 1.000ha đất để khai thác.
Nói về những thay đổi và đề xuất của Viện khoa học và công nghệ Phương Nam, ông Phạm Anh Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết đến nay về cơ bản tỉnh đã thống nhất chủ trương với đơn vị tư vấn hai việc.
Một là đồng ý không nghiên cứu tuyến cũ, thay vào đó sẽ là tuyến đường sắt chạy theo hướng bắc đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.
Hai là đồng ý về chủ trương thu hồi đất ngoài phần diện tích làm nhà ga để nhà đầu tư thực hiện các dự án đô thị, công nghệ cao nhằm thu hồi vốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận