24/10/2012 06:10 GMT+7

Điều chỉnh chương trình để phân luồng

T.T.
T.T.

TT - Nhiều chuyên gia tiếp tục đóng góp ý kiến thiết kế lại chương trình đào tạo.

PGS-TS Vũ Trọng Rỹ - PGS-TS Trần Kiều (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam): Xây dựng chương trình theo hướng “tiếp cận năng lực”

Cơ cấu này trên thực tế không tạo điều kiện cho phân luồng học sinh, góp phần gia tăng sự mất cân đối trong cơ cấu lao động (thừa thầy, thiếu thợ). Cơ cấu giáo dục hiện nay cùng với cách tổ chức nội dung chương trình không thể nào khắc phục được tình trạng quá tải cho học sinh.

Để học sinh có nền tảng về giáo dục phổ thông, nên thiết kế lại.

Giai đoạn 1 là giai đoạn giáo dục cơ sở mang tính bắt buộc gồm 10 năm nhằm trang bị cho học sinh học vấn cốt lõi cho người sống trong xã hội hiện đại, qua đó hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh. Bậc học này cơ bản mọi học sinh được học tập giống nhau.

Giai đoạn 2 kéo dài hai năm (giai đoạn sau giáo dục cơ sở) chuẩn bị cho học sinh học lên cao đẳng hoặc đại học. Tùy theo năng lực, sở thích, học sinh được chọn các môn học, học phần phù hợp. Chương trình cho giai đoạn này phải mềm dẻo để thỏa mãn mọi nhu cầu lựa chọn của người học, nhằm chuẩn bị kiến thức, kỹ năng gần với sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình.

Với cấu trúc trên, cần xây dựng chương trình theo hướng tiếp cận năng lực. Năng lực ở đây bao hàm cả kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, không những thế còn có cả động cơ, đạo đức và hành vi xã hội. Các năng lực hình thành trong quá trình dạy học trong nhà trường và tác động từ gia đình, xã hội. Nếu trước đây chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ chú trọng đến việc cung cấp kiến thức thì chương trình mới cần được xây dựng theo hướng chú trọng nhiều hơn đến việc tiến hành các biện pháp, cách thức hoạt động, kinh nghiệm hoạt động sáng tạo, khơi dậy khả năng tìm kiếm, giải quyết vấn đề của người học...

GS Văn Như Cương: “Cần giảm mạnh khối lượng kiến thức văn hóa ở tất cả các môn học”

Cần phải điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông theo cách giảm mạnh kiến thức văn hóa trong tất cả các môn học: toán, lý, hóa, sinh, sử, địa..., chỉ giữ lại những gì hết sức cơ bản, cần thiết và phổ thông. Chẳng hạn môn toán ở phổ thông không cần học tích phân, số phức, không cần phải làm những bài toán phức tạp về phương trình lượng giác hoặc hình học không gian. Tất cả những người không theo đuổi con đường toán học ở bậc cao hơn đều không cần đến những kiến thức kể trên.

Chương trình của chúng ta hiện nay thật sự quá tải. Trong khi chủ trương giảm tải của Bộ GD-ĐT có thể nói là hoàn toàn thất bại.

Cùng với việc giảm lượng kiến thức không cần thiết, cần tăng cường thích đáng về thời lượng và chất lượng các môn học làm người: thái độ và kỹ năng sống, biết giao tiếp và hòa nhập, thân thiện với môi trường, biết lao động và quý trọng lao động, biết rèn luyện và giữ gìn sức khỏe, biết thưởng thức và cảm thụ nghệ thuật một cách lành mạnh.

Cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông cần đổi mới để phân hóa mạnh mẽ hơn. Chủ trương phân ban của Bộ GD-ĐT trên thực tế đã thất bại. Việc phân luồng, định hướng cho học sinh không mang lại kết quả nào.

Chương trình đổi mới cần điều chỉnh theo hướng cấp tiểu học và THCS chỉ có một chương trình, cấp THPT phân hai nhánh, một nhánh tạm gọi là THPT, nhánh kia là trung học dạy nghề. Nhánh THPT đào tạo những học sinh sau khi tốt nghiệp có thể thi vào các trường ĐH. Chương trình gồm năm môn bắt buộc: toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, GDCD, giáo dục thể chất. Ngoài ra có các môn tự chọn: lý, hóa, sinh, sử, địa, ngoại ngữ 2, ngoại ngữ 3 và các chuyên đề tự chọn. Mỗi học sinh có thể chọn ba môn tự chọn và một chuyên đề tự chọn. Nhánh trung học dạy nghề đào tạo cho học sinh sau khi tốt nghiệp có một nghề. Học sinh có thể ra làm nghề hoặc học liên thông lên cao đẳng nghề hoặc TCCN.

T.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên