10/10/2018 13:57 GMT+7

Điệp viên - sinh nghề tử nghiệp - kỳ 3: Bức thư bội phản

YÊN BA
YÊN BA

TTO - Bằng lá thư này, một điệp viên Xô viết đã tình nguyện trở thành một trong những gián điệp quan trọng nhất trong lịch sử tình báo Hoa Kỳ, đóng vai trò trọng yếu trong hai cuộc khủng hoảng lớn nhất thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Điệp viên - sinh nghề tử nghiệp - kỳ 3: Bức thư bội phản - Ảnh 1.

Tranh minh họa cảnh trao tài liệu mật cho Mỹ của O.Penkovsky tại công viên Moscow

Rất có thể những lý tưởng và mục đích mà vì chúng, tôi cống hiến cuộc đời mình kể từ ngày hôm nay, sẽ giúp chúng ta hợp tác trong tương lai.

Khi Cox đến Sứ quán Mỹ thì phó đại diện Mỹ - Edward Feers không có mặt. Sĩ quan phụ trách an ninh sứ quán John Abidian, cố vấn đặc biệt của đại sứ Llewellyn Thompson, đang làm việc muộn trên tầng 9 tòa nhà sứ quán, xuống gặp Cox.

J.Abidian chăm chú nghe Cox thuật lại câu chuyện gặp gỡ trên cây cầu bắc qua sông Moscow. Cuộc gặp mặt diễn ra ở đầu nào của cây cầu? Những bức thư được chuyển ở chỗ nào? Cox nói cuộc gặp chỉ kéo dài 20 phút đồng hồ.

Cox kể cho J.Abidian rằng mình và người bạn tên Cobb từng cùng phục vụ trong không quân Mỹ với tư cách là những chuyên gia tiếng Nga. Sau khi rời không quân, Cobb nghiên cứu tiếng Nga ở Đại học Tổng hợp Indiana.

Cox nhận được lời mời của Cobb tham dự một khóa mùa hè kéo dài 2 tuần lễ ở Liên Xô của Đại học Tổng hợp Indiana. Nay thì cả hai sắp kết thúc khóa học và sẽ rời Moscow vào ngày 15-8-1960.

Cox hỏi sứ quán sẽ làm gì với những bức thư? J.Abidian nói sứ quán "vẫn thường nhận được vô số những thứ tầm phào kiểu như thế này từ các khách du lịch". Nếu cần, sứ quán sẽ liên lạc với Cox - J.Abidian trấn an.

Cox quay về khách sạn Balchug khi anh bạn Cobb đã ngủ say.

Ngay lúc 2h sáng hôm ấy, J.Abidian đã viết một báo cáo về cuộc nói chuyện với Cox, đồng thời điện thoại cho phó đại diện E.Feers để thông báo về những bức thư.

10h sáng hôm sau, J.Abidian cùng với E.Feers và Vladimir Toumanoff, tham tán chính trị của sứ quán, gặp nhau trong căn phòng cách âm và chống nghe lén của sứ quán.

J.Abidian và E.Feers mở phong bì ra. Bên trong có hai bức thư đóng dấu dán kín. V.Toumanoff, một người gốc Nga, dịch bức thư thứ nhất.

Bức thư viết:

"Các bạn thân mến!

Tôi đề nghị các bạn chuyển những thông tin sau tới nhà chức trách Hoa Kỳ. Đây là một người bạn tốt đã chuyển sang hàng ngũ các bạn.

Một cách có ý thức, tôi đã bắt đầu con đường đấu tranh này. Có rất nhiều điều đã dẫn tôi tới quyết định đó. Trong cuộc đời tôi, ba năm vừa qua là thời kỳ vô cùng biến động, cả trong suy nghĩ của tôi cũng như những việc khác mà tôi sẽ trình bày dưới đây.

Tôi đã suy nghĩ rất lâu và cẩn trọng trước khi đi tới quyết định. Nay thì đã đến lúc tôi đưa ra quyết định đúng đắn cuối cùng và nó thúc đẩy tôi tiếp xúc với các bạn.

Tôi muốn các bạn tin tưởng vào sự chân thực trong suy nghĩ cũng như mong mỏi được phục vụ các bạn của tôi.

Tôi mong muốn được đóng góp phần mình, có thể là khiêm tốn nhưng theo tôi là quan trọng, vào việc thực hiện những mục tiêu chung của chúng ta và từ nay trở đi, như một người lính của các bạn, sẵn sàng thực hiện những công việc được giao phó.

Các bạn cần tin tưởng rằng tôi sẽ đem tất cả sức lực, hiểu biết và cả cuộc đời mình để thực hiện trách nhiệm mới này.

Như tôi đã đề cập ở trên, tôi muốn nói rằng tôi không bắt đầu công việc mới của mình với hai bàn tay trắng. Tôi hiểu rất rõ và cân nhắc cẩn trọng từ ngữ cũng như phải đưa ra những bằng chứng cụ thể để chứng minh những gì tôi nói. Tôi có thể, và nay hoàn toàn có khả năng, để thực hiện những điều này.

Vào thời điểm này, tôi được quyền sử dụng những tài liệu rất quan trọng, trên nhiều lĩnh vực có tầm quan trọng và lợi ích rất lớn đối với chính phủ của các bạn.

Tôi sẽ ngay lập tức chuyển giao những tài liệu này để các bạn nghiên cứu, phân tích và sử dụng. Cần phải hành động nhanh nhất trong khả năng cho phép. Các bạn sẽ tự mình quyết định xem việc tổ chức chuyển giao các tài liệu này như thế nào.

Tối ưu nhất là việc chuyển giao không diễn ra trực tiếp mà thông qua hộp thư chết.

Một lần nữa, vì nhiều lý do chắc chắn, tôi khẩn cầu các bạn nhanh chóng tìm cách tiếp nhận các tài liệu mà tôi đã chuẩn bị cho các bạn.

Trả lời của các bạn: hãy thông báo cho tôi (bằng tiếng Nga thì tốt hơn) thông qua hộp thư chết số 1 (xem mô tả và cách sử dụng), những kiểu dạng, cung cách, thời gian và vị trí để chuyển giao các tài liệu tôi đã nói ở trên.

Nếu các bạn tự quyết định về hộp thư chết của chính các bạn, xin lưu ý là hộp thư chết đó phải đủ lớn để chứa những tư liệu có kích thước cỡ một quyển sách như cuốn Van Cliburn của tác giả S.Khentov, xuất bản năm 1959.

Sau khi nhận được các tài liệu, các bạn cần cân nhắc tổ chức một cuộc gặp cá nhân giữa tôi với người đại diện của các bạn vào nửa cuối tháng 8 năm nay. Chúng ta cần phải thảo luận kỹ về nhiều chi tiết.

Thời gian thuận tiện cho tôi là vào thứ bảy, chủ nhật và các buổi tối. Các bạn sẽ quyết định cách thức cũng như địa điểm gặp mặt.

Tôi chờ những phản hồi từ phía các bạn cho những vấn đề tôi nêu trên đây tại hộp thư chết số 1, bắt đầu từ ngày 15-8-1960.

Tôi đề nghị khi tiến hành công việc cùng tôi, các bạn phải tuân thủ những nguyên tắc chuyên nghiệp và đảm bảo an ninh, không cho phép để xảy ra bất kỳ một sai sót nào. Hãy bảo vệ tôi.

Rất có thể những lý tưởng và mục đích mà vì chúng, tôi cống hiến cuộc đời mình kể từ ngày hôm nay, sẽ giúp chúng ta hợp tác trong tương lai.

Luôn thuộc về các bạn.

Ngày 19-7-1960".

Bằng lá thư này, một điệp viên Xô viết đã tình nguyện trở thành một trong những gián điệp quan trọng nhất trong lịch sử tình báo Hoa Kỳ, đóng vai trò trọng yếu trong hai cuộc khủng hoảng lớn nhất thời kỳ Chiến tranh lạnh đã đẩy nhân loại đến bên bờ vực của chiến tranh hạt nhân.

Sau khi kiểm tra qua các kênh, CIA xác định được người đàn ông đã chủ động tiếp xúc để tình nguyện làm việc cho các cơ quan tình báo Mỹ là điệp viên GRU, đại tá O.Penkovsky.

Điệp viên - sinh nghề tử nghiệp - kỳ 3: Bức thư bội phản - Ảnh 3.

Sơ đồ hộp thư chết tại Moscow để O.Penkovsky gởi tài liệu mật cho Mỹ

Tái bút

Đoạn tái bút của lá thư như sau:

"Xin gửi lời chào tốt đẹp nhất tới người bạn tốt của tôi, đại tá Charles Maclean Peeke và vợ của ông ấy. Tôi cũng muốn gửi lời chào đến các bạn Cotter, Koehler, Ditta, Beckett, Daniel, Glassbrook và những người khác. Tôi nhớ mãi thời gian ở bên họ.

Tôi dự định gặp đại diện của các bạn và chuyển lá thư này trước ngày 9-8-1960 nhưng không thực hiện được. Nay thì phải hoãn đến ngày 15-8".

Kỳ tới: Bước đi trong nghề tình báo

Điệp viên - Sinh nghề tử nghiệp - Kỳ 2: Cuộc tiếp xúc trong đêm

TTO - Moscow, đêm 12-8-1960. Cơn mưa nhỏ làm cho những viên đá lát trên quảng trường Đỏ và những bức tường đá cẩm thạch ở lăng Lenin lấp lánh trong ánh đèn khuya.

YÊN BA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên