18/06/2010 06:49 GMT+7

Diễn viên nhí vào mùa - Kỳ cuối: Đào tạo... chữa cháy

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Ở nước ta hiện nay thật khó lòng đòi hỏi sự chuyên nghiệp từ các diễn viên nhí. Các lớp đào tạo diễn viên nhỏ tuổi thật sự trở thành mong muốn chính đáng của rất nhiều nhà làm phim.

HvtKkcVM.jpgPhóng to
Giảng viên Lê Thanh hướng dẫn ba bé Công Tính, Mỹ Vân và Trí Viễn (từ trái sang) tại lớp đào tạo diễn viên nhí của Lasta - Ảnh: Gia Tiến

Một cách không chính thức, nhưng đã từ lâu nhiều đạo diễn làm phim thiếu nhi đều coi các nhà văn hóa, đội kịch... là “mối” cung cấp diễn viên nhí chủ yếu cho phim của mình.

Đạo diễn Lâm Lê Dũng chia sẻ: “Đó là nguồn tốt nhất để tìm các diễn viên nhí, nguồn này có cái lợi là các em đều ít nhiều tiếp xúc với ống kính nên khá dạn dĩ, nhưng bất lợi là đôi khi không tìm được gương mặt diễn viên phù hợp với nhân vật mà đạo diễn muốn hướng tới, đặc biệt là những vai diễn đường phố, bụi bặm”.

Nỗi lo tìm kiếm - đào tạo

Bà Lê Thanh - giảng viên khoa diễn viên của ĐH Sân khấu và điện ảnh TP.HCM, người được giới làm phim đánh giá khá cao trong việc đào tạo diễn xuất cho các em nhỏ - kể lại: “Có lần đạo diễn Tường Phương phải lên tận Châu Đốc mới tìm ra ba diễn viên nhí phù hợp vai diễn trong phim của anh. Nhưng ba cậu bé này không hề biết diễn xuất là gì. Vậy là hằng tuần, cứ đến tối thứ sáu, ba cậu bé phải lặn lội từ Châu Đốc lên tận Sài Gòn ở trọ, để mỗi tối tôi dạy diễn xuất cho các em. Ròng rã như thế đến mấy tháng trời”.

Hay gần đây, chị cũng vừa nhận lời chỉ đạo diễn xuất cho vai diễn của nữ diễn viên nhí chính trong bộ phim Hương cỏ dại của đạo diễn Quốc Thịnh. Cái khó của chị là diễn viên nhí này cũng là dân “lần đầu” đóng phim, mà lại trúng ngay vai diễn khá phức tạp về cả diễn xuất lẫn nội tâm, khi phải vào vai cô bé 10 tuổi nhưng bị chính cha dượng của mình cưỡng bức.

“Tôi đã phải trằn trọc rất nhiều vì không biết mình sẽ phải truyền đạt như thế nào cho em hiểu được “sức nặng” của vai diễn này. Sau khi trao đổi với đạo diễn, quay phim về cách quay những cảnh “nhạy cảm”, tôi có đúng 20 phút chỉ đạo diễn xuất cho em. Dĩ nhiên, cô bé học hỏi rất nhanh nhưng diễn xuất chỉ dừng lại ở mức bình thường, làm sao chúng ta dám đòi hỏi hơn thế được”.

Nỗi lo tìm kiếm - đào tạo cứ vậy trở thành nỗi ám ảnh của những nhà làm phim nhí mỗi lần bắt tay vào các dự án mới. Nếu có giải quyết được thì cũng chỉ dừng lại ở mức chữa cháy tạm thời, bằng cách mời người có chuyên môn đến chỉ bảo cho các em. Nhưng liệu kiểu “ăn xổi” này có thể tồn tại được bao lâu khi mỗi mùa hè đến, hàng chục bộ phim thiếu nhi đều đồng loạt bấm máy, mà lực lượng diễn viên nhí biết diễn xuất hoặc có khả năng phù hợp với các vai diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay?

Con nít đóng phim: trăm cái khổ

Độ tuổi trung bình của các diễn viên nhí từ 5-10 tuổi, do vậy giáo viên đào tạo thường kiêm luôn hàng loạt vai trò khác: bác sĩ trị bệnh, nhà tư vấn tâm lý... Có lúc đến trường quay, đang diễn ngon lành bỗng dưng diễn viên nhí bị “đơ”, mặt cứ nghệch ra, đạo diễn không biết vì sao, phải gọi điện cho giáo viên của em hỏi mới hay đạo diễn mải quay nên quên mất đã đến giờ ăn trưa, mà trẻ con đói bụng thì làm sao diễn tốt cho nổi.

Quan trọng hơn, các phụ huynh gửi gắm con em mình tại những lớp đào tạo, chỉ một phần rất nhỏ mong muốn chúng khi lớn lên sẽ trở thành diễn viên chuyên nghiệp, còn phần lớn muốn con em mình ngoan ngoãn hơn, dạn dĩ hơn trước đám đông, vì vậy lớp đào tạo diễn viên nhí cũng phải kiêm luôn nhiệm vụ giáo dục nhân cách, lối sống cho các em.

Gọi dạ, bảo vâng, biết xin lỗi, biết cảm ơn là bốn điều bà Lê Thanh luôn luôn bắt học trò của mình phải thuộc lòng. Bởi theo bà, sự khiêm tốn, tôn trọng người khác không chỉ giúp các em gặp thuận lợi trong nghề diễn viên mà còn ở bất cứ ngành nghề nào.

Để đảm bảo tiến độ quay và làm việc của đoàn phim, ít nhiều các diễn viên nhí cũng phải chịu thiệt thòi: thức đêm thức hôm, nghỉ học, đi sớm về khuya... Đạo diễn Chu Thiện nói: “Đạo diễn lúc ấy phải kiêm luôn thầy “giám thị”, kiểm soát gắt gao các cháu, động viên phụ huynh, em nào điểm kém, lơ là việc học là “chết chắc” với chú đạo diễn!”. Còn đạo diễn Xuân Phước khá “mạnh tay” khi tuyên bố: “Em nào học kém là chú cho cắt vai ngay”.

Manh nha chuyên nghiệp

Với mong muốn có được một nguồn diễn viên nhí ổn định và chất lượng cho các dự án phim dài tập của mình, một số ít hãng phim đã rục rịch mở lớp đào tạo. Lasta Film hiện nay được xem là hãng tiên phong trong việc đào tạo diễn xuất dành cho diễn viên nhí.

Mỗi khóa học của các em kéo dài 3-6 tháng, trung bình một khóa khá đông nhưng trụ lại đến cùng chỉ khoảng mười em.

Tham gia các khóa học này, các em được đào tạo về diễn xuất, đài từ với những giảng viên chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, một số lò đào tạo tư nhân tại nhà như của bà Lê Thanh, các lớp đào tạo ngắn hạn về diễn xuất tại nhà hát Sân khấu nhỏ... đều là những địa chỉ quen thuộc mà các đạo diễn làm phim thiếu nhi tìm đến khi tuyển diễn viên.

Thế nhưng những cố gắng đơn lẻ này dường như chỉ là muối bỏ biển so với nhu cầu thực tế hiện nay.

Ở VN, nếu chờ đợi về một lớp đào tạo bài bản theo kiểu phương Tây: nghĩa là các em nhỏ sau khi được phát hiện sẽ được chuyển vào sống ngay tại trường, vừa được học về văn hóa, vừa được học về diễn xuất sẽ là quá tải so với mức sàn chung của điện ảnh Việt.

Một khi các em còn phải phân thân “chia năm xẻ bảy” để vừa học tốt tại trường, vừa đóng phim đều đặn thì việc đào tạo chỉ dừng lại ở mức khuyến khích đam mê cho các em, tạo ra một sân chơi thú vị, lành mạnh, chứ chưa thể đi xa hơn là cho các em những cơ hội tốt đẹp để trở thành diễn viên chuyên nghiệp trong tương lai.

Đạo diễn Charlie Nguyễn: đóng phim cũng là đi học

Theo điều 18 chương 2 của Luật bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em của VN, việc cho các em đóng phim chính là một việc hợp pháp khi điều này quy định rõ: mọi năng khiếu của trẻ em đều được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Nhưng thực tế các đạo diễn thường rất ngại làm việc với diễn viên nhí bởi đây đúng là một cuộc chơi người lớn - trẻ con với những thử thách kinh khủng. Làm việc với trẻ em mất thời gian vì các em không tập trung được lâu, làm một chút rồi phải nghỉ, trẻ em phải đi học nên xếp lịch quay rất khó, trẻ em cũng không thể thức khuya được...

Ngoài chuyện rất mất thời gian (đồng nghĩa với mất tiền) thì làm việc với trẻ em là phải đối mặt với phần nghiêm túc và thiêng liêng nhất của nghề đạo diễn. Với diễn viên nhí không thể lấy tiền ra mà dụ dỗ được. Thử tưởng tượng xem các đạo diễn nhà mình quen quát tháo diễn viên - nhất là ở lĩnh vực phim truyền hình - thì khi đối mặt với một đối tượng mà họ không áp dụng được cái quyền đó, họ ngại là đương nhiên.

Một điều quan trọng cần chú ý: phải xem việc cho trẻ em đi đóng phim là các em đang đi học ở một môi trường khác. Nếu môi trường ấy người lớn không nêu được gương tốt thì ấn tượng để lại sẽ rất xấu. Ví dụ ở các đoàn làm phim, nhiều người hay có thói quen văng tục, nhưng nếu có diễn viên nhí, đạo diễn phải nhắc nhở tuyệt đối không được làm điều đó. Ở Mỹ, nhà sản xuất còn phải thuê giáo viên dạy các em học trên hiện trường, và có người giám sát xem các em có học đúng chương trình của lớp học hay không.

Bảo hiểm cho bất cứ thành viên nào của đoàn làm phim cũng được chú ý như nhau, nhưng khi quay phim với trẻ em rất cần sự thận trọng, thậm chí tuyệt đối thận trọng. Tôi vẫn nhớ phim Đẻ mướn có cảnh em bé còn ẵm ngửa nằm trên mảnh lu bể trôi trên sông. Được biết đoàn làm phim đã rất chú ý đến bảo hiểm cũng như dùng nhiều thủ pháp thay thế... nhưng đó vẫn là một cảnh quay quá khủng khiếp với hình dung của tôi.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên