28/09/2019 14:10 GMT+7

Điện về, xã đảo Thạnh An như 'khoác áo mới'

THẢO LÊ - MINH HOÀ
THẢO LÊ - MINH HOÀ

TTO - Sau hơn 30 năm chỉ sử dụng đèn dầu, từ năm 2015, khi lưới điện quốc gia được đưa đến, xã đảo Thạnh An giờ đây đã thay da đổi thịt, đạt chuẩn Nông thôn mới, đời sống người dân khởi sắc, sung túc hơn.

Từ trung tâm TP.HCM, chúng tôi mất hơn 1 tiếng đồng hồ đi xe ôtô và 45 phút ngồi tàu để đến xã Thạnh An (H. Cần Giờ). Thạnh An là một trong các xã đảo có địa hình biệt lập cách trung tâm huyện 7km đường thủy, với tổng diện tích tự nhiên hơn 13.000ha, trong đó đa phần diện tích là mặt nước và rừng ngập mặn. Xã có 3 ấp với hơn 1.200 hộ dân sinh sống.

Hàng chục năm sống trong bóng tôi

Hơn 30 năm trước đây, Thạnh An là một xã nghèo khó, bị cô lập giữa biển Cần Giờ. Hằng chục năm qua, mỗi khi đêm xuống, người dân thắp sáng nhờ đèn dầu.

Không có điện, người dân sinh sống nhờ vào nghề làm muối, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản bằng phương pháp thủ công, không mang lại hiệu quả cao, cuộc sống thiếu thốn.

Điện về, xã đảo Thạnh An như khoác áo mới - Ảnh 1.

Xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: THẢO LÊ.

Tại khu chợ giữa lòng xã đảo, chúng tôi gặp gỡ chị N.T.V (người dân xã Thạnh An). Cuộc sống của chị V. chục năm trước chỉ tạm bợ dưới căn nhà lá xập xệ, không có đèn điện, đường xá mỗi lần mưa xuống là ngập. Chia sẻ với chúng tôi, chị V. bồi hồi: "Trước đây sống nhờ vào nghề đánh bắt. Điện không có, chòm xóm heo hút. Khổ cực đủ điều".

Trước khi thực hiện chương trình nông thôn mới trên địa bàn, xã Thạnh An chưa có lưới điện quốc gia, chỉ có 1 trạm phát điện Diezel và 4km đường hạ thế chỉ đủ cung ứng 6 giờ/ngày.

Điện về, xã đảo Thạnh An như khoác áo mới - Ảnh 2.

Cuộc sống bám biển của người dân trên xã đảo Thạnh An - Ảnh: THẢO LÊ.

Gắn bó với Thạnh An hơn 30 năm qua, chị H.T.T thấu hết được sự thiếu thốn, cơ cực trên đảo khi thiếu điện. Chị kể rằng, những năm không có đèn điện, những đứa con của chị chỉ biết học bài dưới ngọn đèn dầu. Không có tivi, không có quạt máy, mỗi lần hè về nóng nực, những em nhỏ suốt ngày gây gổ. "Không có điện, cuộc sống mình cũng tối theo luôn." - chị T. chia sẻ.

Nguồn điện đến, nguồn sống đến

Năm 2013, Thạnh An được chọn là xã nhân rộng xây dựng nông thôn mới nằm trong chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2010 - 2020.

Đến năm 2015, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới kết hợp Tổng công ty Điện lực TP.HCM hoàn thành dự án cáp điện ngầm, đưa điện từ đất liền đến với xã đảo, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của bà còn. Cuộc sống người dân từ đó như được "truyền máu", bắt đầu "thay da đổi thịt".

Chia sẻ với chúng tôi, Phó Chủ tịch xã Thạnh An Đặng Hoàng Sơn cho biết: "Từ khi có điện, cuộc sống người dân xã Thạnh An đã thay đổi. Người dân bắt đầu xài được máy lạnh, tủ lạnh, ti vi. Địa phương cũng đã vận động người dân tiếp tục đầu tư sản xuất. Điện có kéo theo nhiều ngành nghề khác phát triển, đời sống người dân nhờ đó mà khấm khá hơn".

Hiện trên địa bàn xã không còn nhà ở tạm, dột nát; hầu hết nhà ở dân cư có đủ các công trình phụ trợ như bếp, nhà vệ sinh,... thuận tiện cho sinh hoạt, phù hợp tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.

Điện về, xã đảo Thạnh An như khoác áo mới - Ảnh 3.

Nhiều ngôi nhà kiên cố được xây dựng thay cho những ngôi nhà xập xệ ngày trước - Ảnh: THẢO LÊ.

Điện về, xã đảo Thạnh An như khoác áo mới - Ảnh 4.

Nhịp sống của người dân trên xã đảo Thạnh An - Ảnh: Thảo Lê.

Sau khi có điện, từ năm 2016, UBND vận động người dân chuyển đổi phương tiện sản xuất, khai thác thuỷ sản; nhờ đó sản lượng bình quân hằng năm đạt khoảng 8.800 tấn/năm, nâng cao thu nhập. Nhiều mô hình sản xuất hiện đại được đưa vào áp dụng, thu lợi nhuận nhiều nhất là mô hình nuôi hàu, nuôi tôm, cua, cá lòng bè.

Điện về, xã đảo Thạnh An như khoác áo mới - Ảnh 5.

Sau khi có điện, người dân Thạnh An đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, khai thác thuỷ sản - Ảnh: THẢO LÊ.

Người dân cũng dần chuyển đổi phương thức sản xuất, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp hình thành trên đất đảo như sản xuất nước đá, bánh mì, các dịch vụ cung ứng nghề cá, xây dựng. Tuy doanh số chưa cao nhưng bước đầu đem lại thu nhập, giải quyết việc làm cho nông nhân chủ yếu là nữ tại địa phương.

Điện về, xã đảo Thạnh An như khoác áo mới - Ảnh 6.

Nhiều thiết bị điện được đưa vào sử dụng, dễ dàng hơn trong nghề xây dựng - Ảnh: THẢO LÊ.

Chị L.T.M trước đây hành nghề may bằng máy đạp chân, chồng chị là thợ xây nhưng lại hay bệnh tật. Thu nhập thấp khiến cuộc sống của gia đình chị gặp muôn vàn khó khăn.

Khi có điện về trên xóm đảo, chị chuyển qua máy may điện tử, mua thêm xe ép nước mía cho chồng buôn bán. Nhờ đó mà cuộc sống hai vợ chồng có cái ăn cái để dành, cuộc sống khấm khá, sung túc hơn. "Điện về, cuộc sống thuận lợi hơn nhiều. Người dân ở đây cũng thoải mái, bớt khổ rồi" - chị M. hào hứng chia sẻ.

Điện về, xã đảo Thạnh An như khoác áo mới - Ảnh 7.

Chị L.T.M tất bật ép mía phục vụ du khách - Ảnh: THẢO LÊ.

Trước đây, khi chưa thực hiện chương trình nông thôn mới, thu nhập bình quân của người dân chỉ 14.000.000 đồng/người/năm. Sau hơn 3 năm điện về xã đảo, người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thu nhập bình quân đạt hơn 35.000.000 đồng/người/năm, giảm nghèo hiệu quả.

Anh H.Q.V đã chuyển qua kinh doanh khu nhà trọ, buôn bán tạp hoá nhiều năm nay. Trước đây, vì không có điện, dịch vụ nhà trọ kém, khách du lịch đến không nhiều. Nay điện về, anh V. đầu tư gắn các thiết bị điện như máy lạnh, ti vi, tủ lạnh phục vụ khách thuê phòng. Nhờ đó mà kinh doanh thuận lợi, gia đình anh trở thành một trong những hộ có thu nhập cao tại vùng.

Điện về, xã đảo Thạnh An như khoác áo mới - Ảnh 8.

Con tàu chở du khách đến với xã đảo Thạnh An - Ảnh: THẢO LÊ.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Điện lực thành phố hằng năm đều hỗ trợ kinh phí cho chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Nhiều căn nhà mới được xây mới, hỗ trợ máy thông tin liên lạc, học bổng cho các học sinh mỗi năm.

Gia đình chị N.T.N trước đây sống trong một căn nhà xập xệ, mỗi mùa mưa bão là nơm nớp lo sợ. Thấu hiểu được nỗi khổ của gia đình chị, năm 2016, Tổng Công ty Điện lực hỗ trợ xây cấp nhà mới cho gia đình chị. Vui mừng khi được cấp nhà mới, chị N. xúc động: "Thu nhập thấp chỉ đủ ăn qua ngày, tôi chưa từng nghĩ sẽ xây được ngôi nhà kiên cố như bây giờ. Cảm ơn sự hỗ trợ của công ty điện lực".

Điện về, xã đảo Thạnh An như khoác áo mới - Ảnh 9.

Chị N.T.N vui mừng khi được hỗ trợ căn nhà gạch kiên cố - Ảnh: THẢO LÊ.

Trước đây, vì chưa có điện, phương tiện giáo dục cho các trường tại xã Thạnh An không đáp ứng được nhu cầu của giáo viên và học sinh. Sau khi UBND triển khai dự án về điện, cuối năm 2015, các công trình trường học với cơ sở vật chất hiện đại được hình thành. Từ những ngôi trường lụp xụp, Thạnh An giờ đây đã có những ngôi trường đạt chuẩn quốc gia. "Chúng con được học máy tính, học hồ bơi giống như các bạn trên thành phố rồi" - em H.V.N chia sẻ.

Điện về, xã đảo Thạnh An như khoác áo mới - Ảnh 10.

Từ khi có điện, học sinh trên xã đảo được học tập ở những ngôi trường khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia - Ảnh: THẢO LÊ.

Nhìn xã đảo Thạnh An của ngày hôm nay, khó ai có thể ngờ rằng chỉ vài năm trước thôi, nơi đây là một vùng đất nghèo, thiếu thốn, "tối tăm". Giờ đây, khi điện về với xã đảo, cuộc sống người dân như được "thắp sáng", sức sống cũng theo điện tràn về xã đảo xa xôi của thành phố.

THẢO LÊ - MINH HOÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên