Theo số liệu của Trung tâm Dữ liệu băng và tuyết quốc gia Mỹ (NSIDC) công bố ngày 19-3, các hình ảnh vệ tinh cho thấy diện tích phủ băng tối đa tại Bắc Cực trong mùa đông năm nay chỉ đạt 14,5 triệu km2 trong ngày 25-2, mức thấp nhất kể từ năm 1979 khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu vệ tinh.
Các chuyên gia thuộc NSIDC cho rằng một trong những nguyên nhân khiến cho phần lớn diện tích băng bị tan chảy có thể là do khí hậu nóng bất thường tại các khu vực ở Nga và bang Alaska của Mỹ.
Tuy nhiên, báo cáo cũng dự báo nhiều khả năng diện tích băng ở Bắc Băng Dương sẽ tăng lên vào cuối mùa.
Giới nghiên cứu môi trường nhấn mạnh số liệu trên cho thấy lượng băng Bắc Cực đã tan chảy nhanh hơn dự kiến và đây là một bằng chứng nữa phản ánh tình trạng biến đổi khí hậu cũng như sự nóng lên toàn cầu đang ở mức báo động.
Theo các nhà khoa học, sự biến mất dần của lượng băng tuyết tại Bắc Cực sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng, khiến mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như các loài động vật và thực vật trên toàn cầu.
Họ đồng thời hối thúc chính phủ các nước và người dân trên thế giới cần nhanh chóng có những biện pháp hiệu quả để hạn chế việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch gây hiệu ứng nhà kính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận