Người khuyết tật làm việc tại cửa hàng sửa chữa điện thoại Truyền Tín (118 Ba Cu, TP Vũng Tàu) - Ảnh: Đ.Hà |
Anh Nguyễn Tiến Lâm (47 tuổi) - giám đốc công ty - cùng hơn 20 nhân viên đều là những người khuyết tật.
Không chỉ tự mình vượt lên nỗi buồn khiếm khuyết, từ nhiều năm qua anh Lâm còn giúp hàng chục người cùng cảnh ngộ với mình vượt qua sự tự ti, mặc cảm với đời bằng việc đào tạo miễn phí rồi nhận họ vào làm việc.
Và cũng có nhiều người khuyết tật khác ra đi lập nghiệp riêng sau khi được dạy nghề miễn phí từ Truyền Tín.
“Tôi đã đi tìm việc và làm nhiều việc nhưng không ở nơi đâu bằng nơi đây. Ở đây, những người khuyết tật như tôi được chăm sóc tốt về mọi mặt, từ tinh thần đến nơi ăn chốn ở và thu nhập hằng tháng |
Anh Lê Văn Tá (28 tuổi, quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa) |
“Hư đôi tay nhưng còn cái đầu!”
Nghề kinh doanh và sửa chữa điện thoại di động đến với anh Lâm như một cơ duyên sau một thời gian dài bươn chải làm nhiều nghề. Ban đầu anh cho thuê băng đĩa phim, nhưng sau đó nghề này hết thời.
Rồi anh chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng, bán quán cà phê. Việc buôn bán, kinh doanh cũng khá thuận lợi nhưng anh Lâm không thể theo vì đôi bàn tay bị teo, sức khỏe không cho phép.
Đến năm 2004, anh Lâm thường xuyên đến chơi ở tiệm bán, sửa chữa điện thoại của người bạn và thấy nghề này cũng hợp với mình.
Vậy là hằng đêm anh đến tiệm của bạn nhìn và học lỏm. Sau khi tham khảo ý kiến của bạn bè, anh quyết định mở tiệm sửa chữa và buôn bán điện thoại di động.
Cơ sở kinh doanh ban đầu của anh chỉ là một cửa tiệm rộng chừng 20m2 trên đường Lê Hồng Phong, TP Vũng Tàu. Và nhờ tính cần cù, cẩn thận, luôn vui vẻ và giữ uy tín với khách hàng, giá cả hợp lý nên tiệm điện thoại nhỏ của anh luôn đông khách.
Đến năm 2008, anh Lâm chuyển sang thuê căn nhà số 182 Ba Cu rộng gần 100m2 để mở cửa hàng lớn hơn, khang trang hơn. Và chỉ vài năm sau, bằng tiền tích cóp được cộng thêm vay mượn của người thân, bạn bè, anh Lâm đã mua luôn căn nhà này.
Khách hàng ngày càng đông, cách đây 3-4 năm anh tách riêng cơ sở buôn bán và sửa chữa thành hai địa điểm cách nhau vài trăm mét trên đường Ba Cu.
Ngoài hai cửa hàng tại TP Vũng Tàu, hiện anh Lâm còn có một cửa hàng trên đường Nguyễn Hữu Thọ, TP Bà Rịa. Anh Lâm cho biết hiện nay mỗi năm doanh thu của Công ty Truyền Tín khoảng vài tỉ đồng.
Có được thành công như ngày nay, anh Lâm cho biết bản thân đã vượt nhiều khó khăn, nhất là những nghi ngờ và nhìn người khuyết tật bằng con mắt ái ngại của nhiều người.
Có lúc, có khi anh tưởng chừng đã phải dừng lại và gục ngã. Đó là khi còn tuổi thiếu niên, anh đã tính đến cửa Phật tu hành.
Nhưng rồi có người anh rể khuyên bảo anh còn trẻ, tương lai còn dài, còn phấn đấu được nên đừng vội đi tu. Vậy là anh bỏ ý định vào chùa dù sư trụ trì đã đặt pháp danh cho anh.
Khi đã trưởng thành, đi xin việc làm, nhiều người ái ngại nhìn anh rồi trả lời: “Mày tàn tật như vậy thì làm được gì!?”.
Anh tâm sự đến nay vẫn không thể quên câu nói này. Lúc đó anh rất buồn, nhiều đêm mất ngủ vì mãi suy tính mình sẽ làm gì với đôi tay tật nguyền.
Nhưng rồi anh đã sớm nhận ra đôi tay có bị khiếm khuyết nhưng anh vẫn còn cái đầu. Mà có cái đầu thì có thể giải quyết mọi vấn đề. Và anh đã bình tĩnh bắt đầu cuộc sống bươn chải, tự mình kiếm nghề, tự mình làm chủ để tìm cho mình ngành nghề thích hợp nhất như hiện nay.
|
|
Anh Nguyễn Tiến Lâm, giám đốc Công ty Truyền Tín - Ảnh: Đ.Hà |
Giúp đỡ người đồng cảnh
Hiện công ty của anh Lâm là nơi làm việc của 25 người khuyết tật, thu nhập ổn định 3 - 5 triệu đồng/tháng/người.
Từ những đồng lương có được bằng công sức lao động của mình, nhiều người khuyết tật ở Truyền Tín đã tự trang trải, tự lo được cuộc sống của mình, không phụ thuộc gia đình hay tiền trợ cấp. Thậm chí có người còn tích lũy, gửi tiền về quê phụ giúp gia đình.
Cửa hàng sửa chữa của anh trên đường Ba Cu in dòng chữ lớn ngay ngoài cửa: “Nhận dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.
Lý do nhận người khuyết tật vào đào tạo miễn phí rồi nhận làm nhân viên của Truyền Tín rất đơn giản: bởi ông chủ là người khuyết tật, cũng từng đi xin việc và bị từ chối nên rất hiểu nỗi khổ của những người đồng cảnh ngộ khuyết tật như mình.
Trong các nhân viên của anh Lâm, có những người đã tốt nghiệp đại học nhưng nhiều năm không kiếm được việc làm, rồi qua giới thiệu của bạn bè, người thân nay đã thành người của Công ty Truyền Tín.
Như anh Trần Minh Mẫn (33 tuổi, quê xã Vĩnh Lộc, Hồng Dân, Bạc Liêu) - bị liệt hai chân và tay phải do sốt bại liệt từ năm 6 tuổi - cho biết anh tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin Đại học Bạc Liêu từ năm 2011 nhưng không kiếm được việc làm phù hợp.
Cách đây mấy tháng, em gái của anh vốn đang học du lịch ở Vũng Tàu có đến cửa hàng Truyền Tín sửa điện thoại, thấy có đông người khuyết tật làm nghề nên kêu anh lên Vũng Tàu, xin vào làm việc.
Và ngay tức khắc anh Lâm đã tiếp nhận anh Mẫn vào làm nhân viên cài đặt phần mềm với mức lương khởi điểm 3 triệu đồng/tháng. Nhìn nụ cười tươi, hồn hậu của anh Mẫn, chúng tôi cảm nhận được anh đang rất vui và hạnh phúc.
Còn anh Đoàn Thanh Long (26 tuổi, quê Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị thoái hóa đa khớp, mòn xương bẩm sinh, tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) từ năm 2011.
Nhưng suốt ba năm sau khi ra trường anh không thể kiếm được việc làm. Và cách đây một năm, anh đã được nhận vào làm ở bộ phận nhận máy sửa chữa, bảo hành cho khách hàng của Truyền Tín.
Tinh thần không khuyết tật
Không chỉ tận tình và sẵn sàng giúp người khuyết tật có việc làm, anh Lâm còn lo lắng đến từng giờ ăn, giấc ngủ, sức khỏe cho nhân viên của mình. Đó là lý do hằng đêm anh cùng đến ngủ với nhân viên của mình ở cơ sở 118 Ba Cu.
Anh tâm sự với quãng đường đã qua quá gian nan và ba con đã khôn lớn, với số vốn tích lũy được, hiện anh có thể mua đất làm trang trại để sống bình an, nhẹ nhàng.
Nhưng anh nghĩ hiện nay rất ít nơi có thể dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật nên anh vẫn tiếp tục với công việc kinh doanh dù có lúc, có khi anh đã muốn nghỉ ngơi.
“Người khuyết tật cần nhất là nghề và công việc phù hợp với sức khỏe, thể trạng của mình. Và tôi rất mong muốn nhân rộng mô hình công ty của mình để tạo công việc cho nhiều người khuyết tật khác đang chưa có việc làm, đang phải sống phụ thuộc vào gia đình và tiền trợ cấp” - anh Lâm nói.
Quả thật khi hiểu được việc Công ty Truyền Tín đang làm, mới thấy những con người ở đây chỉ mang khiếm khuyết về thân xác nhưng tâm hồn và tinh thần của họ chẳng khuyết tật một chút nào.
Có nhiều người khuyết tật sau khi thành nghề ở Truyền Tín đã về quê mở cửa hàng kinh doanh riêng, tự lập cho bản thân. Đó là các anh Nguyễn Trường Huy, mở tiệm điện thoại Huy Hoàng ở đường Trần Lãm, TP Thái Bình; anh Lê Hoàng Giang mở tiệm Lê Giang ở đường Mạc Thanh Đạm, thị trấn Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; anh Nguyễn Tấn Thanh có cửa hàng ở Giồng Trôm, Bến Tre; anh Lê Văn Đại ở Hàm Tân, Bình Thuận... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận