TTCT - Những tranh luận về chỗ đứng của smartphone trong trường và lớp học trong hơn một thập kỷ qua vẫn diễn ra mà chưa có đáp án. Minh họa: UNESCONhững tranh luận về chỗ đứng của smartphone trong trường và lớp học trong hơn một thập kỷ qua vẫn diễn ra mà chưa có đáp án. Tuy nhiên, dựa vào các nghiên cứu và bằng chứng mới, gần đây đã có những khuyến nghị mạnh mẽ hơn về việc kiểm soát sử dụng thiết bị công nghệ, trong đó có điện thoại thông minh.Báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023 của UNESCO vừa công bố kêu gọi chỉ sử dụng công nghệ trong lớp khi nó "thực sự hỗ trợ mục tiêu học tập". Xác nhận công nghệ có thể hỗ trợ một số hoạt động học tập trong một số hoàn cảnh, báo cáo dài 435 trang cho rằng công nghệ không phát huy lợi ích khi bị lạm dụng hoặc sử dụng không đúng cách. Sử dụng điện thoại thông minh có thể làm gián đoạn việc học do gây mất tập trung.10 năm một mối loTừ trước khi điện thoại thông minh trở thành thiết bị phổ biến trên tay học sinh các cấp, các trường đã loay hoay tìm cách ứng xử phù hợp với phương tiện này. Rất thường xuyên, ta thấy những quy định cực đoan. Một số trường cho học sinh dùng điện thoại và thiết bị thoải mái trong khi một số khác lại cấm tiệt.Đa số các trường chọn giải pháp trung dung là cho học sinh mang điện thoại tới trường để có thể liên lạc với gia đình đưa đón khi cần hoặc các tình huống khẩn cấp nhưng không được dùng điện thoại trong lớp. Lớp học là nơi giáo viên giảng bài. Không dùng điện thoại là để học sinh tập trung vào những gì đang diễn ra và để nỗ lực của giáo viên không uổng phí công sức.Cách đây hơn 10 năm (tháng 5-2012), một bài viết trên báo The Atlantic đặt câu hỏi: Điện thoại có nên xuất hiện ở trường học không? Bài báo nêu nhiều ích lợi của điện thoại và cũng khẳng định cái hại lớn nhất là gây mất tập trung. 11 năm trước, Instagram, Snapchat mới ra mắt được 1-2 năm, chưa có TikTok, và iPhone chỉ tới đời thứ 5. Trong 10 năm qua, điện thoại ngày càng xịn hơn, Internet rộng khắp hơn, mạng xã hội đời mới bùng nổ hơn, và số nghiên cứu cảnh báo về ảnh hưởng của điện thoại di động đến kết quả học tập, sự tập trung của học sinh, sinh viên cũng ngày càng nhiều hơn.Tháng 6-2023, The Atlantic đăng bài "Hãy cấm điện thoại ở trường ngay bây giờ" như một sự trả lời cho bài viết trước đó một thập kỷ, với nội dung đại khái: sau ngần ấy thời gian, việc cấm điện thoại nhận được nhiều sự ủng hộ hơn là cho phép. Theo bài viết, việc dùng điện thoại ở trường là một vấn đề phức tạp, và mặc dù chưa có kết luận cuối cùng, nhiều bằng chứng cho thấy những lợi ích do điện thoại mang lại cho học sinh quá ít so với tác hại mà nó gây ra.Phần hại ở đây bao gồm gây mất tập trung và cũng giảm sự gắn bó cần có giữa các học trò. Dành nhiều thời gian trên điện thoại thông minh dường như cũng khiến những thiếu niên này ít hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống hơn. Điện thoại khiến học sinh lười đọc hơn vì không quen đọc những gì dài hơn một trạng thái ngắn gọn trên mạng xã hội. Khi điện thoại nào cũng có máy tính, một phép tính đơn giản cũng chẳng ai buồn nhẩm. Sự phụ thuộc này có thể làm học sinh mất đi khả năng phản ứng nhanh trong những tình huống khác trong cuộc sống, mất đi sự hứng thú với toán học và khoa học.Cấm thì cũng tốtTheo báo New Zealand Herald ngày 9-8, các hiệu trưởng ở xứ kiwi cho biết học sinh của họ đã trở lại chơi và nói chuyện với nhau trong giờ giải lao ở các trường cấm điện thoại di động. Biện pháp này còn giúp học sinh phát triển các kỹ năng xã hội và hạnh phúc qua việc tương tác với bạn bè.Ở Tây Ban Nha, điểm của học sinh được cải thiện và các vụ bắt nạt học đường giảm đi. Ở Na Uy, cấm điện thoại giúp tăng điểm trung bình của học sinh cấp II, tăng khả năng các em đủ điều kiện vào học tại các trường trung học mình nhắm đến, đồng thời giảm tình trạng bắt nạt. Bằng chứng từ Bỉ cho thấy cấm điện thoại di động có lợi cho thành tích của sinh viên.Ảnh: Jonas Roosens/ANP/ReduxTrong nghiên cứu công bố năm 2015, nhà nghiên cứu Louis-Philippe Beland và đồng nghiệp Richard Murphy đánh giá tác động của việc cấm điện thoại với điểm kiểm tra của học sinh trung học ở 4 thành phố của Anh. Kết quả cho thấy điểm của học sinh trong những kỳ kiểm tra quan trọng tăng đáng kể sau quy định cấm điện thoại. Hiệu quả cải thiện điểm số này của học sinh tương đương với được học thêm năm ngày hoặc thêm một giờ mỗi tuần.Đặc biệt, những học sinh có thành tích thấp nhất có điểm số tăng nhiều nhất trong khi điểm của học sinh giỏi không bị ảnh hưởng. Nhóm tác giả cho rằng sự hiện diện của điện thoại có tác động bất lợi với một số học sinh. Theo đó, họ khuyến nghị hạn chế điện thoại nên được xem là một chính sách chi phí thấp để giảm bất bình đẳng trong giáo dục.Nhưng có cách tốt hơn cấmBài viết trên The Atlantic năm 2012 lưu ý rằng cấm hay không cấm không quan trọng bằng sử dụng thế nào và xây dựng cho học sinh niềm đam mê học tập mạnh mẽ. Và quả đúng như vậy.Theo tạp chí The Harvard Gazette ngày 13-3-2023, các lệnh cấm điện thoại có thể giữ được sự tập trung của học sinh trong lớp học, nhưng ngành giáo dục và nhà trường cũng cần lưu ý đến cảm giác kết nối của học sinh.Michael Rich, phó giáo sư nhi khoa tại Trường Y Harvard, cho rằng "điện thoại và trường học không xuất hiện cùng nhau" - học sinh không thể tiếp thu thông tin một cách có ý nghĩa trong khi nhắn tin, lướt mạng xã hội hay xem video trên YouTube. Theo Rich, bộ não con người không có khả năng suy nghĩ nhiều thứ cùng một lúc. Cái ta gọi là "đa nhiệm" thật ra chỉ là chuyển đổi từ việc này sang việc khác một cách nhanh chóng, và kết quả là ta có vẻ làm được nhiều thứ cùng lúc, nhưng chẳng việc nào ra việc nào.Mặc dù chỉ cần điện thoại có "hiện diện" trong lớp đã làm giảm hiệu quả học tập, quan điểm chung của nhiều chuyên gia Harvard là giới quản lý và cả giáo viên cần "cân nhắc học cách dạy bằng công nghệ thay vì chống lại nó".Theo Victor Pereira, giảng viên về giáo dục tại Trường sau đại học về giáo dục Harvard, khi trở lại học trực tiếp, các học sinh khó bỏ thói quen gắn bó với điện thoại và Internet hình thành trong những ngày học từ xa. Giải pháp mà Pereira đề xuất là giáo viên cần tự hỏi việc một học sinh không thể cưỡng lại việc dùng điện thoại có phải là tín hiệu cho thấy người thầy cần phải cố gắng hơn để tạo kết nối với em đó hay không."Hai điều tôi cố gắng chia sẻ với các giáo viên mới của mình là: Đầu tiên, tại sao học sinh đó lại dùng điện thoại; điều gì khiến em đó mở điện thoại thay vì tham gia thảo luận trong lớp? Điều này dẫn đến phần thứ hai - quản lý lớp học" - ông nói. Theo Pereira, mấu chốt là người dạy phải thiết kế được hoạt động dạy và học tốt hơn, khơi gợi hứng thú để mọi học sinh đều tham gia thay vì làm việc riêng. Ông cũng nói thêm rằng cho phép dùng điện thoại có thể làm phong phú các bài học, và ứng dụng được công nghệ cho mục đích học tập.Ảnh: Adobe StockMesfin Awoke Bekalu, nhà khoa học tại Trung tâm sức khỏe và hạnh phúc Lee Kum Sheung thuộc Trường y tế công Harvard T.H. Chan, cũng cho rằng nội quy lớp học linh hoạt hơn có thể tạo cơ hội dạy kiến thức công nghệ và khả năng tự điều chỉnh cho học sinh, song lưu ý ông không ủng hộ "thả cửa", để học sinh muốn làm gì thì làm.Rich cho rằng giải pháp tốt nhất là mỗi lớp học sẽ có quy định khác nhau, thay vì chính sách "một cho tất cả". "Chuyện này có thể được quản lý từ cấp cơ sở. Điều quan trọng là học sinh phải nhớ giờ nào việc đó và tập trung, vì chỉ có làm việc đơn nhiệm thay vì đa nhiệm con người mới thật sự làm tốt" - ông nói.Tương tự, viết trên The Conversation, bà Sarah Rose, chuyên gia tư vấn học đường ở Anh, cho biết các trường có thể bỏ lỡ cơ hội giáo dục học sinh sử dụng điện thoại có trách nhiệm nếu cấm điện thoại. Và để cấm điện thoại, các trường cần tham khảo ý kiến của phụ huynh, học sinh và giáo viên để đảm bảo sự tuân thủ tốt nhất.Nếu được, hãy mời các phụ huynh và học sinh đề xuất quy định cấm điện thoại họ cho là cân bằng và hợp lý để thực hiện. Khi phụ huynh và học sinh tham gia việc xây dựng quy định sử dụng điện thoại, nhiều khả năng quy định sẽ được thực hiện tốt hơn. Một nghiên cứu công bố tháng 4-2010 do Trung tâm nghiên cứu Pew và Đại học Michigan thực hiện ghi nhận, ở những trường cho học sinh dùng điện thoại, 71% gửi hoặc nhận tin nhắn trong lớp. Ở các trường cho mang điện thoại đến trường nhưng không được sử dụng trong lớp - tỉ lệ này chỉ thấp hơn một ít - 65%. Ở các trường cấm hoàn toàn điện thoại di động, con số mới thực sự gây sốc khi 58% nhắn tin trong lớp. Nữ sinh trong nhóm từ 14-17 tuổi gửi trung bình 100 tin nhắn/ngày.Sẽ là ngây thơ khi nghĩ rằng những học sinh này không lén nhắn tin hay lướt Internet trong giờ học. Không giáo viên nào có đủ trăm tay nghìn mắt để kiểm soát việc lén dùng điện thoại. Khi họ bận rộn với một học sinh khác hay khi viết bảng, đó là lúc các học sinh tranh thủ nhắn tin cho bạn bè hoặc lướt Internet. Những quy định mạnh mẽ như thu điện thoại cũng chỉ làm học sinh miễn cưỡng chấp hành cho đến khi có cơ hội tốt tiếp theo để lén dùng điện thoại trong lớp. Tags: Điện thoạiThiết bị công nghệĐiện thoại thông minhSử dụng công nghệSử dụng điện thoạiDùng điện thoạiSmartphoneTrường họcHọc sinh
Truyện ngắn: Trích đoạn Chiến tranh (J. M. G. Le Clézio) J. M. G. Le Clézio (trích) 15/11/2024 2561 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra tàu tuần tra của Bộ Công an HỒNG QUANG 15/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm thăm, kiểm tra tàu tuần tra do Cảnh sát biển Hàn Quốc viện trợ cho Bộ Công an. Con tàu này hiện được định biên vào đội tàu của Cục Cảnh sát giao thông.
Dự Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi: Khám chữa bệnh tại nhà được thanh toán bảo hiểm y tế THÀNH CHUNG 15/11/2024 Dự Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi quy định về mức hưởng bảo hiểm y tế được thiết kế trên cơ sở xóa bỏ địa giới hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh.
Dù có tình tiết giảm nhẹ mới, bà Trương Mỹ Lan vẫn bị đề nghị tử hình TUYẾT MAI 15/11/2024 Viện kiểm sát cho rằng bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi tham ô tài sản trong thời gian dài, gây thiệt hại đặc biệt lớn, dùng thủ đoạn tinh vi. Mặc dù có tình tiết giảm nhẹ mới, nhưng chưa đủ điều kiện để giảm nhẹ hình phạt.
Hãy quên khái niệm người Hà Nội gốc đi! THIÊN ĐIỂU 15/11/2024 Về khái niệm người Hà Nội gốc gây tranh cãi và "bất hòa" nhiều năm nay, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Thạch nói: 'Tốt nhất là nên quên nó đi'.