Ngày 23-5, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Phương Hoàng Kim (51 tuổi), cựu cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương.
Ông Kim bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự.
Đảm nhiệm vị trí lãnh đạo thời "bùng nổ" điện mặt trời
Theo Bộ Công an, ông Kim bị bắt trong quá trình cơ quan an ninh mở rộng điều tra vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố.
Trước đó đã có nhiều cán bộ, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị khởi tố, bắt tạm giam. Các đối tượng này liên quan đến lĩnh vực điện và năng lượng, từng nắm vai trò lớn trong quản lý điều hành lĩnh vực này trong suốt thời gian dài.
Tại thời điểm bị khởi tố bắt tạm giam, ông Phương Hoàng Kim đang là phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương). Thông tin trên vẫn được hiển thị trên website của bộ này đến sáng 24-5.
Ông Kim được phân công đảm nhiệm chức vụ này vào 3 tháng trước đó (ngày 23-2) khi Bộ Công Thương thực hiện một đợt điều động và bổ nhiệm được xem là có quy mô lớn trong nhiệm kỳ này. Khi đó, ông Kim đang đảm nhiệm chức vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững.
Ông Kim được bổ nhiệm chức vụ này vào tháng 11-2019, khi đang đảm nhiệm vị trí cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.
Đây cũng được xem là thời điểm đang phát triển huy hoàng nhất của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời khi số lượng các dự án được cấp phép bùng nổ khi hầu hết các dự án đều phải "qua cửa" cơ quan này để thẩm định.
Thời điểm bắt đầu của giai đoạn này phải kể đến là từ năm 2017, cũng là lúc Bộ Công Thương thực hiện cuộc sáp nhập, chia tách nhiều đơn vị cục vụ. Ông Phương Hoàng Kim khi đó đang đảm nhiệm vị trí phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, đã được bổ nhiệm giữ chức cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.
Đây là cơ quan được thành lập khi chia tách Tổng cục Năng lượng, có vai trò lớn trong tham mưu, giúp bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước và thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực điện lực, năng lượng mới, năng lượng tái tạo.
Phê duyệt vượt quy hoạch gấp 17 lần
Cũng trong năm này, quyết định 11 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời được ban hành. Với chính sách giá ưu đãi (giá FIT) mua điện mặt trời ở mức 9,35 cent/kWh (tỉ giá tương đương 2.086 đồng/kWh) áp dụng trong vòng 20 năm đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.
Dẫn tới nếu như tháng 6-2017 tổng công suất nguồn điện mặt trời mới chỉ có 27MW, thì đến năm 2020 đã lên tới gần 16.500MW. Mặc dù sau ngày 30-6-2019, giá FIT đã giảm từ 9,35 cent/kWh xuống còn 7,09 cent/kWh nhưng vẫn rất thu hút các nhà đầu tư.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, quy hoạch điện 7 điều chỉnh đưa ra kế hoạch lắp đặt 850MW điện mặt trời vào năm 2020 và tăng lên 4.000MW vào năm 2025. Tuy nhiên, trên thực tế nguồn điện này đã phát triển vượt bậc, cao gấp 17 lần tổng công suất được phê duyệt.
Cụ thể, có 168 dự án điện mặt trời được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh và quy hoạch điện lực quốc gia, với tổng công suất 14.707MW. Trong đó, bộ đã phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh 114 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4.166MW.
Cơ quan thanh tra xác định có 92 dự án với tổng công suất 3.194MW được phê duyệt là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch.
Ngoài ra, bộ đã tham mưu trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung riêng lẻ 54 dự án tổng công suất 10.521MW vào quy hoạch điện 7 điều chỉnh, trong khi không có quy hoạch, nên không có căn cứ pháp lý.
Thêm nữa, kết luận chỉ ra Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời không quá 50MW vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, chủ đầu tư, mà không lập quy hoạch điều chỉnh. Vì vậy, việc bổ sung dự án không có căn cứ pháp lý, không có tính tổng thể, cơ sở quản lý.
Do đó, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc phê duyệt 168 dự án với tổng công suất 14.707MW/850MW (tức cao gấp 17,3 lần so với tổng công suất) là không có căn cứ về quy hoạch.
Thực tế này dẫn tới mất cân đối nguồn và lưới, cơ cấu nguồn điện, vùng miền, gây khó khăn cho vận hành hệ thống. Hệ quả của những vi phạm trên, theo Thanh tra Chính phủ đó là: giá FIT trả cho chủ đầu tư, chi phí hệ thống tăng thêm ít nhất 5,5 cent/kWh; gây quá tải cục bộ, khó khăn vận hành hệ thống, buộc nhà máy điện giảm phát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận